Việt Nam và Trung Quốc phát triển quan hệ ổn định, thực chất

Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua phát triển ổn định, đạt nhiều tiến bộ quan trọng, nhất là sau các chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc năm 2022 và của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyến tàu đầu tiên chuyên tuyến Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc)-Yên Viên (Hà Nội) tới ga Yên Viên ngày 2/8/2023. (Ảnh TÂN HOA XÃ)
Chuyến tàu đầu tiên chuyên tuyến Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc)-Yên Viên (Hà Nội) tới ga Yên Viên ngày 2/8/2023. (Ảnh TÂN HOA XÃ)

Hơn 74 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là hữu nghị hợp tác. Quan hệ hữu nghị vừa là đồng chí, vừa là anh em do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân gây dựng và được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản quý báu của cả hai dân tộc.

Theo dòng chảy thời gian, nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của mỗi nước.Thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động nhiều chiều tới tình hình chính trị, kinh tế toàn cầu, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, cùng với nỗ lực chung của các cấp, các ngành và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc về tổng thể phát triển ổn định, đạt nhiều tiến bộ quan trọng, sâu sắc và toàn diện.

Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên. Đặc biệt là, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 và chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2023 có ý nghĩa rất quan trọng, là những dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước.

Với chuyến thăm Trung Quốc năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp và khó lường, công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước bước vào giai đoạn mới, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị, góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước; tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2023 là hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả hai Đảng, hai nước, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình riêng đến Việt Nam, không kết hợp hoạt động đối ngoại đa phương, thể hiện Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc.

Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi sâu trao đổi và đạt được nhận thức chung quan trọng trong việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Hai bên đã ra Tuyên bố chung nêu rõ những nội hàm của quan hệ ở tầm cao mới là “sáu hơn” (sáu phương hướng phấn đấu để tăng cường quan hệ): tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. Những nhận thức cấp cao, Tuyên bố chung và 36 văn kiện ký kết trong chuyến thăm đã tạo khuôn khổ toàn diện cho việc thúc đẩy quan hệ và tăng cường hợp tác hiệu quả, thiết thực trong thời gian tới.

Theo đà tin cậy chính trị được củng cố, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước duy trì tăng trưởng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD, tăng 77,5%, đứng thứ tư trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng dẫn đầu về số dự án mới, chiếm 22,17%.