Tham dự Kỳ họp lần này, về phía Chính phủ Việt Nam, có đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh Ninh Thuận và Sơn La, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp. Về phía Chính phủ Pháp có đại diện Bộ châu Âu và Ngoại giao, Bộ Kinh tế và Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Lương thực, Cơ quan phát triển Pháp và Phòng Thương mại và công nghiệp vùng Paris Ile-de-France.
Tại phiên họp chính thức vào sáng ngày 4-11, Trưởng đoàn hai bên đã điểm lại các nội dung hợp tác song phương trong thời gian vừa qua, trong đó, trọng tâm liên quan tới các dự án ODA quy mô vốn lớn, có tiềm năng mà Chính phủ Pháp đang và dự kiến tài trợ tại Việt Nam, các dự án đầu tư chiến lược lớn có sự tham gia của nhà đầu tư Pháp tại Việt Nam... Hai bên cũng thống nhất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, góp phần cải thiện và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác truyền thống, gắn bó giữ hai quốc gia trong thời gian qua và sắp tới.
Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định Pháp là một trong những nhà tài trợ cung cấp ODA sớm và hàng đầu trong khối châu Âu về mức vốn ODA dành cho Việt Nam với số vốn ký kết đạt khoảng 3 tỷ EUR dành cho các dự án, tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực nông nghiệp và an ninh lương thực, cơ sở hạ tầng cơ bản (đường sắt, đường sắt đô thị, cấp nước sạch), tài chính, y tế, giáo dục. Trong đó, có một số dự án lớn và đặc biệt có ý nghĩa như: Tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, một dự án quan trọng của Hà Nội cũng như của quốc gia, thể hiện quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cũng như UBND thành phố Hà Nội sẽ cố gắng tối đa và tập trung xử lý tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để triển khai thực hiện, sớm đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Chia sẻ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung và xung đột thương mại giữa các cường quốc lớn, kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam là điểm sáng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc, khoảng cách so với các nước dẫn đầu trong nhóm ASEAN được rút ngắn. Trong đó, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm đạt khoảng 6,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm được kiểm soát ở mức thấp (2,7-3%). Đặc biệt, tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 5,8%/năm.
Về hành lang pháp lý tại Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh: Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Tại phiên họp lần này, hai bên vui mừng nhận thấy kim ngạch thương mại hai chiều Việt – Pháp đã đạt 6,65 tỷ EUR trong năm 2018 và Hiệp định tự do thương mại giữa châu Âu và Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế và thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp hai bên.
Hai đoàn Việt Nam và Pháp tham gia đối thoại kinh tế lần thứ 6.
Kết thúc Phiên họp chính thức, hai bên khẳng định tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emanuelle Macron dự kiến vào năm 2020. Theo đó, Việt Nam sẽ nỗ lực giải quyết những vấn đề tồn tại của các dự án hợp tác, đồng thời đưa ra các giải pháp đối với từng trường hợp cụ thể phù hợp với quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam để góp phần kiện toàn, thúc đẩy việc hoàn thành dự án, phục vụ hiệu quả cho đối tượng hưởng lợi là người dân Việt Nam theo đúng mục tiêu mà hai bên mong đợi.
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí tiếp tục trao đổi thông tin cho nhau về những vấn đề cần thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương Việt – Pháp, tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút đầu tư của Pháp vào những lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, trong đó chú trọng đến những lĩnh vực có hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao phù hợp với thế mạnh của các tập đoàn có uy tín của Pháp trên trường quốc tế.
Buổi chiều cùng ngày, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng và bà Céline Charpiot-Zapolsky, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Pháp – Việt chủ trì Tọa đàm Doanh nghiệp Việt-Pháp. Tham dự có đại diện của hơn 50 tập đoàn, công ty lớn của Pháp, là thành viên của Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF) đại diện cho tất cả các lĩnh vực kinh tế của Pháp như Tập đoàn Total, Bouygues Construction, Airbus, Safran, Airliquide, Canal+International...
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, việc kết nối giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Pháp trong khuôn khổ các sự kiện của Đối thoại cấp cao thường niên về kinh tế Việt – Pháp rất có ý nghĩa và thực chất; làm chặt chẽ hơn mối liên kết giữa hai nước trên các phương diện: ngoại giao, đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa, khoa học,..
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và Pháp đang ở trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước ký Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược năm 2013. Việt Nam là nước ASEAN thứ hai (sau Singapore) và nước đang phát triển đầu tiên ở châu Á ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với EU, mở thêm cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam và Pháp tiếp cận thị trường của nhau. Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội cho Việt Nam và các nước thành viên EU sẽ đi vào thực chất, bền vững, hiệu quả. Theo đó, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ được thực hiện một cách chủ động, có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Chiến lược hợp tác Đầu tư nước ngoài của Việt Nam thời gian tới sẽ ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Để hiện thực hóa Chiến lược trên, Chính phủ đang hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, phê duyệt các dự thảo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư theo đối tác công tư (Luật PPP) theo hướng tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án FDI có chất lượng. Đồng thời, xây dựng các chính sách ưu đãi đặc biệt đối với những dự án đầu tư có tính chiến lược cho sự phát triển của Việt Nam.
Buổi Tọa đàm diễn ra cởi mở, chủ động với sự tham gia không chỉ có những doanh nghiệp, tập đoàn của Pháp mà còn có sự tham dự của các doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Vingroup, Becamex Bình Dương... Các doanh nghiệp Pháp đã giới thiệu về những thành tựu đã đạt được trong quá trình hợp tác kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, các dự án đầu tư hợp tác thương mại trong tương lai và đề xuất về biện pháp tạo thuận lợi và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã được ký kết. Các nhà đầu tư của hai nước cũng đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đặc biệt là những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách. Cùng với đó là những tín hiệu tốt về tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương hai nước không ngừng gia tăng; quan hệ hợp tác, đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước cũng đang ngày một phát triển tích cực.