Tại sự kiện, Tổng Thư ký Guterres gửi thông điệp tới phiên đối thoại, bày tỏ quan ngại về tình trạng xung đột tiếp diễn tại nhiều nơi trên thế giới; kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các cách thức mới để giảm thiểu căng thẳng và chấm dứt chiến sự, thúc đẩy các thỏa thuận ngừng bắn mới, cũng như duy trì những thỏa thuận đã có.
Các diễn giả và đại diện các nước thảo luận về những thách thức và biện pháp thúc đẩy thực hiện lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc trong bối cảnh dịch Covid-19. Lời kêu gọi này đã được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ tại các Nghị quyết 2532 và 2565. Phiên đối thoại cũng thảo luận các biện pháp củng cố ngăn ngừa xung đột và cách thức lồng ghép các chương trình nghị sự về xây dựng hòa bình và phát triển vào các tiến trình hòa bình tại những nơi có xung đột.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biện lâm thời Việt Nam tại Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Trà nhấn mạnh, tình trạng xung đột tại nhiều khu vực khiến dân thường thương vong và các thách thức nhân đạo gia tăng. Cộng đồng quốc tế cần đặt ưu tiên cao trong việc bảo đảm tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, khẳng định lại vai trò của chủ nghĩa đa phương và các thể chế đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm. Để thúc đẩy ngừng bắn, cần tăng cường việc tuân thủ các Nghị quyết 2532, 2565 và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó có thể xem xét thành lập một khuôn khổ để giám sát hiệu quả các thỏa thuận ngừng bắn đạt được ở các khu vực xung đột.
Đại sứ Nguyễn Phương Trà nhắc lại nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2573 về bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu đối với cuộc sống của người dân. Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, thúc đẩy xây dựng hòa bình và tăng cường khả năng chống chịu dài hạn để ứng phó các thách thức trong tương lai ■