Việt Nam ủng hộ cải tổ Liên hợp quốc thành một tổ chức mạnh hơn, hiệu quả hơn

NDO -

Đại diện Việt Nam nhấn mạnh để Liên hợp quốc có thể hoạt động mạnh hơn và hiệu quả hơn, quá trình cải tổ, nâng cấp phải mở, dựa trên sự tham vấn rộng rãi và được dẫn dắt bởi các quốc gia thành viên.

Phó Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Trà. (Ảnh: TTXVN)
Phó Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Trà. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 10/3, Đại Hội đồng Liên hợp quốc họp tham vấn với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc tế”, tập trung vào các đề xuất được nêu trong Báo cáo Chương trình hành động chung của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc nhằm thích ứng với các yêu cầu hiện tại và tương lai.

Tại đây, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc nâng cấp Liên hợp quốc thành một tổ chức mạnh hơn và hiệu quả hơn, có thể thực hiện vai trò quan trọng của mình là đáp ứng lợi ích và mối quan tâm của các quốc gia thành viên và cộng đồng quốc tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh những thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra không giống bất cứ thách thức nào kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Những thách thức này cùng với ảnh hưởng của các vấn đề toàn cầu khiến cho các thể chế đa phương, trong đó có Liên hợp quốc, phải tích cực cải cách để có thể thích ứng với các yêu cầu hiện tại và tương lai.

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay ứng phó với các thách thức và đưa ra những biện pháp, cách thức thực hiện nhằm hướng tới cuộc sống có triển vọng tốt đẹp hơn cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và những người dễ bị tổn thương.

Thảo luận về các đề xuất trong Báo cáo Chương trình hành động chung của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, các nước và các tổ chức phi chính phủ nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức đang nổi lên trong đó có đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cũng như vấn đề nhân đạo.

Nhiều quốc gia cho rằng cần cải tổ Liên hợp quốc theo hướng hiệu quả và minh bạch hơn, cũng như hướng tới xây dựng một Liên hợp quốc 2.0 với sự tham gia nhiều hơn của giới trẻ, giới tư nhân và các tổ chức phi chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho rằng Báo cáo Chương trình nghị sự chung được đưa ra đúng lúc chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc, đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đại diện Việt Nam nhấn mạnh để Liên hợp quốc có thể hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn, quá trình cải tổ, nâng cấp phải mở, dựa trên sự tham vấn rộng rãi và được dẫn dắt bởi các quốc gia thành viên. Thành công của Liên hợp quốc phụ thuộc vào việc hoàn thiện thể chế, phương thức làm việc cũng như có được một cơ chế tài chính hợp lý và hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại diện Việt Nam cho rằng cải cách có ý nghĩa cần bảo đảm sự tham gia rộng rãi nhất có thể từ các bên liên quan đồng thời vẫn duy trì tính chất liên chính phủ của Liên hợp quốc.

Việt Nam ủng hộ tiếp tục thảo luận về các chương trình nghị sự được nêu trong báo cáo, đồng thời, mong muốn có kế hoạch cụ thể trong việc triển khai các đề xuất, ý tưởng của Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhằm đóng góp hiệu quả vào công việc chung của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.

Báo cáo Chương trình hành động chung của Tổng Thư ký Liên hợp quốc được đưa ra theo đề nghị của Đại Hội đồng Liên hợp quốc nêu trong Tuyên bố kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc.

Báo cáo đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến lớn về hướng hợp tác của Liên hợp quốc, đang thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo các nước thành viên Liên hợp quốc.

Báo cáo đề cập 5 chủ đề lớn gồm đẩy nhanh và mở rộng các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs); đẩy nhanh các SDGs thông qua tài chính bền vững và xây dựng lòng tin; xây dựng các khuôn khổ cho một thế giới hòa bình-thúc đẩy hòa bình, luật pháp quốc tế và hợp tác số; bảo vệ hành tinh của chúng ta và sẵn sàng cho tương lai; và tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo Nghị quyết 76/6 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại Hội đồng sẽ tiến hành các cuộc tham vấn với các quốc gia, các tổ chức Liên hợp quốc, giới học giả, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác để trao đổi về nội dung và các đề xuất trong báo cáo.