Việt Nam-Trung Quốc trao đổi kinh nghiệm quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

NDO - Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ tổ chức Tọa đàm Cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023, hai Ủy ban đã có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả.
Năm 2023, hai Ủy ban đã có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả.

Thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam (CMSC) cho biết, theo kế hoạch, ngày 9/4/2024, CMSC sẽ phối hợp Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (SASAC) tổ chức Tọa đàm Cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Chương trình các hoạt động chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc.

Tọa đàm sẽ có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu chính thức của Việt Nam cùng 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do CMSC làm đại diện chủ sở hữu. Về phía Trung Quốc sẽ có sự tham dự của 23 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc SASAC quản lý, hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng, viễn thông, công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, công-nông-lâm nghiệp và tài chính.

Gần đây, CMSC và SASAC đã có nhiều hoạt động hợp tác tích cực, hiệu quả và đi vào thực chất. Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022, CMSC và SASAC đã trao đổi và ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa hai cơ quan.

Tháng 3/2023 tại Bắc Kinh, CMSC và SASAC đã tổ chức sự kiện Đối thoại cấp Bộ trưởng giữa CMSC-SASAC và Hội thảo cải cách và phát triển doanh nghiệp nhà nước Việt-Trung.

Tại sự kiện này, ông Trương Ngọc Trác, Chủ nhiệm SASAC cho biết: Doanh nghiệp nhà nước của hai quốc gia có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, là lực lượng quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, bảo vệ lợi ích chung của nhân dân.

Hiện SASAC và các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang thực hiện toàn diện, sâu sắc việc triển khai chiến lược của Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó, tập trung đi sâu vào cải cách doanh nghiệp, đẩy nhanh tối ưu hóa và điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhà nước, thúc đẩy vốn nhà nước và doanh nghiệp nhà nước lớn mạnh hơn, tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp.

Về phía CMSC, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Cuộc đối thoại, trao đổi là cơ hội tốt để hai Ủy ban hiểu nhau hơn, cùng chia sẻ thông tin, học tập lẫn nhau để làm tốt hơn nữa vai trò của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

CMSC ủng hộ và chào đón các doanh nghiệp Trung Quốc nói chung và nhất là các doanh nghiệp thuộc SASAC đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam một cách thực chất, có hiệu quả, phù hợp với cơ chế thị trường trên cơ sở luật pháp của hai nước và những quy định quốc tế.

Bên cạnh nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả giữa hai Ủy ban, năm 2023, các doanh nghiệp trực thuộc CMSC và SASAC cũng có những hoạt động trao đổi, hợp tác thiết thực, thiện chí hướng đến giải quyết các tồn tại, vướng mắc của một số dự án khó khăn.

Tính đến hết năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC làm đại diện chủ sở hữu đạt 1,18 triệu tỷ đồng (khoảng 47 tỷ USD, tương đương khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước);

Tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty đạt 2,54 triệu tỷ đồng (khoảng 100 tỷ USD, tương đương khoảng 65% tổng tài sản của toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (khoảng 74 tỷ USD).

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất (không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đạt 75,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD); nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 198,5 nghìn tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD).