Việt Nam trong trái tim một người Nhật Bản

Từng đến Việt Nam du lịch lần đầu vào năm 2011 nhưng chưa có mấy ấn tượng, Kaneya Manabu có lẽ cũng không tưởng tượng được rằng, cuộc đời của anh sẽ bước sang một ngã rẽ khác sau chuyến sang Việt Nam năm 2014. Nói là ngã rẽ bởi sau đó, anh đã quyết định từ bỏ vị trí và công việc hấp dẫn trong ngành cảnh sát tại tỉnh Saitama, Nhật Bản để sang Việt Nam và sống tại Hà Nội từ năm 2016 đến nay. Và tất cả chỉ vì tình yêu của Manabu với Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Kaneya Manabu (thứ hai từ phải qua) trong một chương trình phỏng vấn tại Đài Truyền hình Việt Nam.
Kaneya Manabu (thứ hai từ phải qua) trong một chương trình phỏng vấn tại Đài Truyền hình Việt Nam.

Điều quan trọng khiến Manabu quyết định tới sống tại Hà Nội là vì tại Việt Nam, anh cảm nhận được niềm hạnh phúc, sự lạc quan ở nhiều người khi tiếp xúc với họ, cũng như sự bình yên của đất nước này ở mọi nơi và mọi lúc. Hạnh phúc trong suy nghĩ của anh rất đơn giản, đó là những nụ cười, sự vui vẻ của người Việt Nam trong công việc và điều đó làm anh rất ấn tượng khi tới đây.

Giống như nhiều người nước ngoài khác tại Việt Nam, Manabu lập một kênh trên YouTube có tên là HOCTV, thú vị là Manabu trong tiếng Nhật là "học" nên có thể hiểu là kênh Học Tiếng Việt hoặc kênh của Học. Những video đầu tiên trên HOCTV chủ yếu là những bài học tiếng Nhật. Giai đoạn này, Manabu mới sang Việt Nam nên anh gặp khó khăn về giao tiếp.

Manabu tâm sự, mặc dù đã có thời gian học tiếng Việt theo chương trình hợp tác giữa cảnh sát Saitama và Trường đại học Bách khoa Hà Nội (nay là Đại học Bách khoa Hà Nội) năm 2014, rồi tốt nghiệp ngành Việt Nam học tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng việc nghe, nói tiếng Việt vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất của anh cho đến giờ.

Tuy vậy, xuyên suốt các video được thực hiện sau khi người đàn ông 42 tuổi này sang Việt Nam là tình yêu đối với đất nước mà anh đã gắn bó trong bảy năm qua. Thậm chí, những video này có nhiều tâm sự, trò chuyện của cá nhân Manabu, không phải là những chuyến du lịch trải nghiệm, thưởng thức và đánh giá món ăn các vùng miền của những YouTuber người nước ngoài khác. Có thể vì tính cách có phần hướng nội của anh, cũng một phần vì anh muốn tập trung nhiều hơn vào việc thể hiện tình cảm bản thân với đất nước Việt Nam qua những chia sẻ rất thật, rất chân thành.

Theo cảm nhận của Manabu thì Việt Nam là một đất nước dễ sống. Lý do đầu tiên mà anh nhắc đến là ẩm thực, với nhiều món ăn ngon, phong phú mà anh rất thích như phở, bánh xèo, bún chả, bánh mì, lẩu, còn đồ uống là cà-phê và nước ép trái cây. Điều quan trọng nữa là ở Việt Nam, anh cũng có thể ăn đồ ăn Nhật Bản một cách dễ dàng dù ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.

Lý do thứ hai theo cảm nhận của Manabu là cảnh đẹp tự nhiên của Việt Nam. Tuy chưa đi được nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S nhưng anh đặc biệt thích thú những địa điểm như Ninh Bình, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai)... Nơi nào cũng đẹp mà mỗi lần tới đó, anh đều "vẫn chưa muốn về". Rồi những bãi biển đẹp ở Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang).

Lý do thứ ba và lớn nhất như suy nghĩ của Manabu là con người Việt Nam thân thiện và ấm áp. Đây là điều anh nói đến rất nhiều bởi anh luôn cảm nhận được sự thân thiện, sự giúp đỡ mà người Việt Nam dành cho anh ở bất cứ đâu.

Bảy năm gắn bó với Hà Nội, Việt Nam là lý do để Manabu nhắc tới hai chữ "Cảm ơn", đặc biệt khi tiếng Việt của anh chưa giỏi, giao tiếp, diễn đạt chưa tốt. Anh vẫn nghĩ nếu không nói được, hiểu được tiếng Việt, anh sẽ rất khó thích nghi và có cuộc sống dễ dàng tại Việt Nam.

Sinh năm 1981 trong một gia đình có bố làm trong ngành cảnh sát, không có gì ngạc nhiên khi Manabu theo học và trở thành một cảnh sát của Phòng điều tra tỉnh Saitama. Anh tâm sự, công chức ở Nhật Bản có thu nhập ổn định, mức lương hằng năm tăng theo cam kết cho đến lúc về hưu, không có chuyện bị sa thải nhưng áp lực cũng rất lớn.

Một trải nghiệm tồi tệ mà anh từng đối mặt là trong một lần mua cà-phê ở máy bán hàng tự động, anh bị mọi người chung quanh nhìn thấy và họ gọi điện đến đồn cảnh sát thông báo về việc "một cảnh sát đang trốn việc và mua cà-phê". Họ không biết rằng, lúc đó anh rất bận, không được nghỉ ngơi, thậm chí đến tận chiều tối mới được ăn cơm trưa.

Sau chuyện đấy, Manabu cảm thấy mệt mỏi. Anh tâm sự, người Nhật Bản, trong đó có anh, có những lúc quá khắt khe với công việc, làm việc quá mức. Vẫn biết là tùy từng nơi, tùy từng người nhưng không khí và xu hướng làm thêm giờ là điều hiển nhiên ở Nhật Bản, khiến họ không còn chăm chút cuộc sống riêng tư. Manabu cho rằng, nếu dành thời gian cho gia đình thì mức độ hạnh phúc sẽ tăng lên, thay vì bắt buộc phải hòa nhập với mọi người chung quanh...

Đó là những lý do khiến Manabu quyết định đến Việt Nam sinh sống năm 2016, dù bố mẹ anh rất buồn. Thực ra, anh đã sốc lúc bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn về Việt Nam khi sang Hà Nội theo chương trình hợp tác giữa cảnh sát Saitama và Trường đại học Bách khoa năm 2014. Bởi ngoài công việc liên quan đến người Việt Nam trước đây của một cảnh sát, anh ngạc nhiên thấy người Việt Nam thân thiện, dễ gần, thoải mái, và nếu không sinh sống ở một đất nước như vậy thì với cá nhân, sau này anh sẽ rất hối hận.

Manabu gắn bó với Việt Nam như là số phận đã định, từ việc anh đến Hà Nội năm 2014; năm 2018 lập kênh YouTube có tên HOCTV; rồi lấy bằng Thạc sĩ ngành Việt Nam học tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2020.

Ban đầu, HOCTV cũng chỉ gồm những video dạy tiếng Nhật rồi sau đó là các chủ đề khác đan xen và dần dần là những chia sẻ, tâm sự của bản thân Manabu về việc anh chọn Việt Nam để sinh sống, kinh nghiệm lao động Việt Nam hoặc Nhật Bản cần biết khi lao động tại mỗi nước. Tình yêu với mảnh đất hình chữ S ngày một lớn dần trong Manabu. Không chỉ khám phá nhiều nơi hơn, anh còn tìm hiểu văn hóa, phong tục, ẩm thực, con người Việt Nam.

Anh tiết lộ mình vẫn giữ thói quen theo dõi các thông tin về an ninh, trật tự trên các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ... nhưng anh cũng bắt đầu nghe các bài hát Việt Nam, chịu khó dịch để nâng cao kỹ năng học tiếng Việt.

Trước đây, dù mới học tiếng Việt được khoảng sáu tháng, anh từng thử dịch bản "Tuyên ngôn độc lập". Theo Manabu, dịch "Tuyên ngôn độc lập" không chỉ giúp anh nhớ từ vựng, hiểu rõ từ Hán Việt mà còn hiểu hơn con người Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử Việt Nam. Nhờ đó nên sau này, anh có làm một video nói về chủ đề học và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể những video có chủ đề về học tập, tâm sự cá nhân không thu hút được nhiều lượng view (người xem) nhưng Manabu cho rằng, vì là kênh HOCTV nên anh vẫn sẽ trung thành với chủ đề này.

Và nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh rất tâm đắc với lời dạy của Người về "Cần, kiệm, liêm, chính" đăng trên báo Cứu Quốc năm 1949: "Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/Thiếu một mùa, thì không thành trời/Thiếu một phương, thì không thành đất/Thiếu một đức, thì không thành người".

Sau từng đó năm ở Việt Nam, Manabu làm rất nhiều video nói về sự thay đổi của anh, trong đó có việc học cách tiết kiệm. Trước đây ở Nhật Bản, anh tiêu rất nhiều tiền vào xe cộ, quần áo, túi xách hay đồng hồ. Còn ở Việt Nam, anh thấy mọi người chung quanh đều sống đơn giản và anh suy nghĩ, việc mua những đồ đắt tiền như vậy không còn cần thiết nữa.

Một thay đổi khác ở Manabu là trong cách suy nghĩ, như anh quan tâm tới những người chung quanh, trở nên khiêm tốn, điềm đạm, không nói xấu, bất bình, phàn nàn, không la cà quán xá, không bị người khác chi phối như hồi còn ở Nhật Bản.

Manabu vẫn dành thời gian về thăm gia đình hai lần mỗi năm, vẫn yêu quê hương và con người nơi đó nhưng anh đã coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Manabu hiện tại mà tôi gặp chẳng có vẻ gì giống một cảnh sát điều tra Nhật Bản trước đây hay Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc phụ trách thị trường Nhật Bản của Tập đoàn An Duong Group.

Anh đang sống trong căn hộ nhỏ ở một chung cư mà công ty thuê cho ở bên Gia Lâm (Hà Nội) những năm qua, rong ruổi trên chiếc xe máy cũ vào những ngày cuối tuần để làm video. Manabu khẳng định, anh xem mình như một người Việt Nam thật sự và muốn tìm hiểu một cô gái Việt Nam để cưới làm vợ.

Trên kênh HOCTV, tất cả sẽ bắt gặp dòng chữ "Cầu nối giữa Việt Nam và Nhật Bản" mà Manabu để ở mỗi video một cách trang trọng và gần gũi như để nhắc nhở về cơ duyên của cuộc đời anh, cũng như để lan tỏa tình yêu đất nước Việt Nam tới những người Nhật Bản và nhiều người nước ngoài khác.