Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) được đánh giá là hiệp định đa phương toàn diện nhất cho tất cả các hình thức hợp tác về thuế xuyên biên giới, cũng là một công cụ quan trọng trong nỗ lực toàn cầu để giải quyết tình trạng trốn và tránh thuế.
Cho đến nay, việc tham gia ký kết của Việt Nam trong mạng lưới đa phương này đã nâng số thành viên của MACC lên 147 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ông Yoshiki Takeuchi, hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác toàn cầu về thuế. (Ảnh: MINH DUY) |
Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Phó Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), ông Yoshiki Takeuchi, đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam đối với chương trình nghị sự minh bạch về thuế toàn cầu trong thời gian qua, bằng nhiều hành động cụ thể.
Việt Nam đã tham gia Diễn đàn Toàn cầu về Minh bạch và Trao đổi thông tin về thuế vào tháng 12/2019. Trước đó, Việt Nam đã cụ thể hóa cam kết mạnh mẽ của mình trong việc thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu trong khuôn khổ Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) của OECD/G20, bằng việc tích cực tham gia và trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS kể từ năm 2017.
Dự án BEPS cho phép thực hiện trao đổi tự động báo cáo lợi nhuận liên quốc gia liên quan hoạt động của các công ty đa quốc gia trong khuôn khổ. Có thể nói, Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) là công cụ quan trọng để ứng phó với các dòng tài chính bất hợp pháp.
Dự án BEPS cho phép thực hiện trao đổi tự động báo cáo lợi nhuận liên quốc gia liên quan hoạt động của các công ty đa quốc gia trong khuôn khổ. Có thể nói, Dự án chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) là công cụ quan trọng để ứng phó với các dòng tài chính bất hợp pháp.
Đặc biệt, Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) là công cụ chính để nhanh chóng thực hiện Tiêu chuẩn trao đổi tự động thông tin tài khoản tài chính trong các vấn đề về thuế (CRS). Tiêu chuẩn do các nước OECD và G20 xây dựng cho phép hơn 110 quốc gia/vùng lãnh thổ tự động trao đổi thông tin tài khoản tài chính nước ngoài hằng năm.
Phía Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhấn mạnh rằng, quyết định của Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tham gia cuộc chiến toàn cầu chống trốn thuế. Lễ ký kết thể hiện quyết tâm của nền kinh tế năng động này tại châu Á này trong ngăn chặn hành vi trốn thuế ở nước ngoài và tiến tới minh bạch thuế.
Phó Tổng Thư ký OECD, ông Yoshiki Takeuchi, nhấn mạnh: “Tôi rất cảm kích trước sự tham gia tích cực của Việt Nam trong nỗ lực của toàn cầu trong công cuộc minh bạch thuế xuyên quốc gia và phòng chống các hành vi vi phạm liên quan thuế. Đây là một bước tiến tiếp theo của Việt Nam trong hợp tác hành chính toàn cầu về thuế và chống xói mòn nguồn thu”.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam. (Ảnh: MINH DUY) |
“Hiện nay, tuy đã trở thành thành viên chính thức, nhưng vẫn còn một số điều khoản trong Hiệp định vẫn đang được bảo lưu để Việt Nam có thêm thời gian chuẩn bị, tăng cường hạ tầng, cơ sở thông tin trong thời gian tới, nhằm phục vụ cho công tác trao đổi dữ liệu, thông tin tài khoản của các doanh nghiệp tại các quốc gia một cách dễ dàng và hiệu quả”, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam, chia sẻ thêm.
Tin tưởng tính hiệu quả của Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC), Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn mong rằng các bên tham gia ký kết sẽ duy trì hợp tác bền chặt trong tương lai, góp phần vào sự ổn định và thuận lợi trong môi trường phát triển của các doanh nghiệp, cũng như phát huy các thế mạnh của mỗi bên để đóng góp tích cực cho sự phát triển của các bên.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng chứng kiến Lễ ký kết Hiệp định MAAC giữa đoàn công tác của Bộ Tài chính và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). (Ảnh: MINH DUY) |
Hiệp định đa phương về hỗ trợ hành chính thuế (MAAC) được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Hội đồng châu Âu (EC) cùng phát triển vào năm 1988 và được sửa đổi bởi Nghị định thư năm 2010, để mở rộng cho các nước không phải thành viên OECD, Liên minh châu Âu (EU) tham gia ký kết MAAC. Tính đến ngày 22/3/2023, MAAC đã có 147 quốc gia tham gia ký kết.