Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút FDI

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (15%) sẽ có nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam. Khi đó, cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài sắp tới sẽ nguy cơ ngày càng khốc liệt nếu không có những giải pháp hỗ trợ đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động mạnh thu hút FDI của Việt Nam. Ảnh: HẢI NAM
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động mạnh thu hút FDI của Việt Nam. Ảnh: HẢI NAM

Doanh nghiệp FDI lo lắng

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mới đây, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, ông Choi Joo Ho một mặt khẳng định thông tin Samsung chuyển dây chuyền sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ là không đúng sự thật; mặt khác, lãnh đạo Samsung cũng nhắc đến vấn đề mà tập đoàn này đang đặc biệt lưu ý: Đó là thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo đó, để tránh ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của Samsung Việt Nam, Tập đoàn Samsung mong muốn Chính phủ Việt Nam nhanh chóng xem xét và có giải pháp về nội dung này.

Samsung có lý do để lo lắng về thuế tối thiểu toàn cầu. Bởi lẽ, tập đoàn này là doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp từ sáng kiến này của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS). Trụ cột 2 của sáng kiến này quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (15%) dự kiến được áp dụng trong thời gian ngắn tới đây.

Trụ cột 2 đã đặt ra cơ chế cho phép quốc gia nơi đặt trụ sở của công ty mẹ cuối cùng của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hằng năm từ 750 triệu euro trở lên sẽ được thu thêm phần tiền thuế đối với khoản thu nhập mà công ty đa quốc gia này thu được từ hoạt động đầu tư kinh doanh ở quốc gia khác mà chỉ chịu mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp dưới mức tối thiểu là 15%.

Với chính sách mới này, Việt Nam sẽ phải bảo đảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp bằng hoặc cao hơn mức tối thiểu đã được thống nhất trên toàn cầu là 15%. Giả sử nếu doanh nghiệp FDI A nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 10% ở Việt Nam, thì khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, quốc gia nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp A đó được quyền thu thêm 5% thuế từ doanh nghiệp A đó.

Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, trong 36.500 dự án FDI ở Việt Nam, có khoảng 3% dự án/doanh nghiệp được ưu đãi thuế, chủ yếu các dự án lớn nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Như vậy, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% chỉ nhắm vào 3% các dự án đang hoạt động và được ưu đãi thuế của Việt Nam.

Thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%, trong khi đó thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của các doanh nghiệp FDI là 12,3%. Trong đó, các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 2,75% đến 5,95% (nhiều dự án FDI lớn được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong cả đời dự án, miễn bốn năm, giảm 50% trong chín năm tiếp theo).

Để đối phó với các bất lợi của việc áp dụng Trụ cột 2, tiếp tục thu hút các tập đoàn đầu tư lớn, các dự án công nghệ cao lựa chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2023 (tổ chức ngày 19/3) kiến nghị Chính phủ xem xét các giải pháp để thúc đẩy việc nội luật hóa thuế suất tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Đồng thời có các phương án hỗ trợ các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng.

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút FDI ảnh 1

Khẩn trương xây dựng cơ chế thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: NAM ANH

Cần hành động gấp

Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính cũng đánh giá: Là quốc gia đang phát triển, nhu cầu thu hút nguồn vốn từ bên ngoài là rất lớn, việc các nước tham gia và thực hiện Trụ cột 2 sẽ có nhiều ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của nước ta trong những năm tới đây.

Vì thế, Bộ Tài chính cho rằng, cần phải rà soát để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để một mặt không làm xói mòn cơ sở thuế; mặt khác, vẫn đạt được các mục tiêu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bảo đảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.

Tại dự thảo, Bộ Tài chính tính toán bổ sung nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (Trụ cột 2) và nguyên tắc nộp bổ sung phần thuế chênh lệch đối với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm quyền đánh thuế của Việt Nam khi tham gia Trụ cột 2.

Khi chính sách này được áp dụng dự kiến vào năm 2024, các công ty đa quốc gia đã và đang đầu tư vào Việt Nam có thể phải nộp thuế bổ sung tại các nước khác liên quan hoạt động của các công ty con tại Việt Nam. Khi đó, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam sẽ trở nên không còn ý nghĩa.

Ông Son Won Sik, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), phân tích: Chính phủ Việt Nam đang đưa ra nhiều ưu đãi về thuế hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi thuế tối thiểu toàn cầu thực thi thì ưu đãi về thuế này không hấp dẫn nữa.

Chính vì vậy, đại diện Kocham khuyến nghị: Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình, điều này rất cấp thiết.

Một số giải pháp được đại diện Kocham đề xuất là ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư phù hợp tình hình Việt Nam hiện tại. Điểm mạnh của chính sách này sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang được nhiều quốc gia áp dụng.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khuyến nghị: Việt Nam cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường đầu tư kinh doanh, lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ... Đây vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh, thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam ngày 19/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.

Theo giải thích của Bộ Tài chính, cơ chế áp dụng thu thuế bổ sung đối với công ty mẹ ở nước ngoài không ảnh hưởng đến số thu thuế của Việt Nam đối với các công ty con theo chính sách hiện hành cũng như không bắt buộc Việt Nam phải cắt giảm ưu đãi đã cấp cho các công ty con.

Do vậy, Bộ Tài chính khẳng định, chưa phát sinh việc bảo đảm ưu đãi đầu tư đã cấp tại Việt Nam đối với các công ty con thành viên thực hiện đầu tư tại Việt Nam (các đối tượng nộp thuế là các pháp nhân khác nhau tại các quốc gia khác nhau).