Sáng 20/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Đánh giá tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu tới thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với sự tham dự của đại diện các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các công ty tư vấn luật.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, mục tiêu của hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến, thông lệ tốt của các nhà đầu tư nước ngoài về việc áp dụng quy chế thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, tham mưu cho Chính phủ xây dựng khung chính sách thuế để không chỉ có những giải pháp ngắn hạn ban đầu mà phải có cái nhìn tổng thể, dài hạn.
Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xây dựng cơ chế thích ứng với quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư; phù hợp cam kết quốc tế, các quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.
Ông Yasuhisa Taninaka, Trưởng Ban Thuế, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có ba đề xuất liên quan đến áp dụng quy chế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Đó là nới lỏng các quy định liên quan đến biểu thuế lũy tiến thuế thu nhập cá nhân; kéo dài thời hạn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực đặc thù.
“Khi một doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ nhìn tổng chi phí thuế phải chi trả chứ không chỉ tính riêng thuế thu nhập doanh nghiệp. Hiện nay, thuế thu nhập cá nhân tại tại Việt Nam khá cao so với các quốc gia khác. Nếu nới lỏng các quy định về biểu thuế lũy tiến sẽ giảm mức thuế phải nộp, có tác dụng bù trừ cho thuế tối thiểu toàn cầu, làm giảm tổng chi phí thuế phải trả của doanh nghiệp”, ông Yasuhisa Taninaka nói.
Cho rằng áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có tác động đến năng lực cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đề xuất cần giảm thiểu tác động của chính sách này bằng việc thay đổi chế độ ưu đãi hiện hành đối với các doanh nghiệp đang đầu tư tại Việt Nam nhằm duy trì năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, các doanh nghiệp đã xác định đây là “cuộc chơi” toàn cầu phải bước vào. Vấn đề doanh nghiệp quan tâm là những chính sách hiện hành của Việt Nam sẽ có thay đổi như thế nào khi áp dụng quy tắc thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu. Cụ thể là khả năng xung đột với nguyên tắc bất hồi tố đối với ưu đãi đầu tư; tác động đến kế hoạch mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu…
Ngoài đề xuất nghiên cứu áp dụng cơ chế thuế suất tối thiểu nội địa như khuyến cáo của OECD, đại diện các doanh nghiệp, công ty tư vấn luật cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt khi các ưu đãi dựa trên lợi nhuận như chính sách miễn thuế thu nhập và giảm thuế suất… sẽ không còn là lợi thế so sánh.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một nội dung chính trong chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận do OECD khởi xướng, đến nay có hơn 140 quốc gia đồng thuận. Theo quy tắc này, các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15%. Như vậy, khi các công ty này đi đầu tư ở nước ngoài nhưng nộp thuế thu nhập tại nước đầu tư dưới mức 15% sẽ phải nộp phần chênh lệch tại nước cư trú, nơi công ty có trụ sở chính.
Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Với mức thuế suất 15% áp dụng cho các tập đoàn xuyên quốc gia, những nỗ lực thu hút vốn ngoại thông qua việc ưu đãi thuế sẽ không còn tác dụng.
Tháng 8/2022, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.