Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, vắc-xin phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là bài toán khó không chỉ với Việt Nam mà còn cả với thế giới. Hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi đã tồn tại hơn 100 năm mà chưa có vắc-xin thương mại nào được sản xuất. Vậy trong thời gian qua, tại sao Việt Nam lại làm được?
Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến: Như chúng ta đã biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra trên lợn, xuất hiện lần đầu tiên tại châu Phi vào năm 1921. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và mọi giống lợn (bao gồm cả lợn nuôi các loại và lợn rừng). Bệnh gây tỷ lệ chết lên đến 100%. Vi-rút dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao. Sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi-rút trong thời gian dài và có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh, sát trùng, tiêu độc và chăn nuôi an toàn sinh học. Ðã hơn 100 năm qua kể từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện, mặc dù có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan vi-rút dịch tả lợn châu Phi và phát triển vắc-xin của các nhà khoa học được công bố, tuy nhiên, trên thế giới chưa có vắc-xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Có một số lý do dẫn đến việc nghiên cứu sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi gặp rất nhiều khó khăn và thử thách ở nước ta và trên thế giới trong những năm trước đây như sự hiểu biết về vi-rút, cơ chế gây bệnh và đặc biệt cơ chế sinh miễn dịch và hoạt động của nó để bảo hộ được động vật nhiễm bệnh còn rất hạn chế; khó khăn trong việc tìm ra dòng tế bào nuôi cấy phù hợp để có thể sản xuất vắc-xin thương mại với số lượng lớn.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài tập trung nghiên cứu, đến đầu tháng 11/2019 các nhà khoa học Mỹ đã công bố nghiên cứu thành công chủng vi-rút dịch tả lợn châu Phi nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L. Ðây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngay trong tháng 11/2019, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử lãnh đạo Cục Thú y sang Mỹ dự họp, gặp các chuyên gia Mỹ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi.
Từ tháng 2/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Mỹ. Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y thống nhất và ký Thỏa thuận chung (MOU) hợp tác kỹ thuật với Viện Nghiên cứu nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện. Từ tháng 7/2020, Bộ chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống vi-rút dịch tả lợn châu Phi nhược độc cắt gen dùng để nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy ngay từ khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, tổ chức nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng bệnh và chúng ta đã rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận thành tựu nghiên cứu của Mỹ, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trong nước và đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp tiên phong, có đủ tiềm lực, kinh nghiệm trong sản xuất vắc-xin thú y, đầu tư nghiêm túc để nghiên cứu, sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi; bao gồm: Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco), Công ty TNHH MTV AVAC và Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco.
Phóng viên: Thứ trưởng có thể cho biết những kết quả quan trọng đạt được trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi "made in Việt Nam"?
Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến: Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-Delta-I177L từ Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 9/2020, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, trải qua 5 lần lặp lại trong phòng thí nghiệm, kết quả 100% số lợn tiêm vắc-xin được bảo hộ khi công cường độc trong phòng thí nghiệm; trong điều kiện sản xuất đã bảo hộ được hơn 80% số lợn được tiêm vắc-xin khi công cường độc với chủng vi-rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Việt Nam; độ dài miễn dịch của lợn thịt tiêm vắc-xin kéo dài sáu tháng sau tiêm phòng.
Như vậy, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vắc-xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài sáu tháng, góp phần bảo vệ an toàn cho chăn nuôi, sản xuất lợn thịt.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vắc-xin thú y để nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký lưu hành vắc-xin dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco.
Kết quả nghiên cứu, sản xuất vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam. Ngày 17/5/2022, Viện nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vắc-xin NAVET-ASFVAC bảo đảm an toàn, hiệu lực.
Trên cơ sở báo cáo nghiên cứu, đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng của Cục Thú y; ý kiến kết luận và đề xuất của các hội đồng khoa học cấp bộ, Hội đồng đăng ký lưu hành vắc-xin thú y; kết luận hồ sơ đăng ký lưu hành vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện: cấp giấy chứng nhận lưu hành đối với vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco theo quy định; tổ chức giám sát chất lượng vắc-xin NAVET-ASFVAC (đối với chỉ tiêu vô trùng, an toàn và hiệu lực bằng phương pháp công cường độc) của 10 lô vắc-xin được sản xuất liên tiếp; tổ chức giám sát việc sử dụng NAVET-ASFVAC sau khi cấp giấy phép lưu hành.
Phóng viên: Yếu tố nào quyết định, mang lại sự thành công, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến: Việc sản xuất thành công vắc-xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là sự kiện lịch sử. Có nhiều yếu tố dẫn đến thành công, trong đó là sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự quyết tâm, quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành thú y, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc-xin và chúng ta đã chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học trên thế giới và các quốc gia, cụ thể là các nhà khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ; sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trong nước và đặc biệt là sự quyết tâm của các doanh nghiệp tiên phong, có đủ tiềm lực, đầu tư nghiêm túc để nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin.
Phóng viên: Với một loại vắc-xin mới như vắc-xin dịch tả lợn châu Phi thì việc cấp phép lưu hành có khác với các loại vắc-xin thú y không?
Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến: Về nguyên tắc, việc đăng ký và cấp phép lưu hành vắc-xin dùng trong thú y nói chung, vắc-xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nói riêng đều phải tuân thủ theo các quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành. Tuy nhiên, do đây là vắc-xin lần đầu tiên được sản xuất thương mại trên thế giới nên trong tháng 5/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y và các cơ quan liên quan thực hiện: Cấp giấy chứng nhận lưu hành đối với vắc-xin NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco theo quy định; Tổ chức giám sát chất lượng vắc-xin NAVET-ASFVAC (đối với chỉ tiêu vô trùng, an toàn và hiệu lực) của 10 lô sản xuất liên tiếp; tổ chức giám sát việc sử dụng NAVET-ASFVAC theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1, chỉ sử dụng vắc-xin NAVET-ASFVAC ở diện hẹp; số lượng vắc-xin dự kiến được phép sử dụng khoảng 600.000 liều; địa điểm sử dụng tại các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và người chăn nuôi có nhu cầu đăng ký tự nguyện sử dụng vắc-xin NAVET-ASFVAC. Ở giai đoạn 2, sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng vắc-xin NAVET-ASFVAC ở giai đoạn 1, Cục Thú y báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo việc sử dụng vắc-xin trong phạm vi toàn quốc.
Phóng viên: Việc sản xuất thành công vắc-xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi có ý nghĩa như thế nào đối với ngành chăn nuôi nước ta?
Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến: Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Việc sản xuất, đăng ký lưu hành vắc-xin thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi là sự kiện lịch sử, ghi nhận sự nỗ lực của ngành thú y, các doanh nghiệp và các nhà khoa học Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế sâu rộng, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học thế giới, làm chủ công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Vắc-xin là công cụ quan trọng để phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới, góp phần thêm vào việc xây dựng chuỗi thịt lợn không những chỉ đáp ứng thực phẩm cho hơn 90 triệu dân trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh xuyên quốc gia, bệnh truyền lây qua biên giới, bệnh mới nổi,... xâm nhiễm là khó tránh khỏi, do đó, thành công này chính là bài học kinh nghiệm về việc chủ động hội nhập quốc tế, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học thế giới, với sự đồng hành của nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp để làm chủ khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Ðây là vấn đề cốt lõi, lâu dài, giúp chúng ta chủ động ứng phó các sự cố dịch bệnh khác trong tương lai.
Phóng viên: Triển vọng sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch và xuất khẩu của Việt Nam?
Thứ trưởng Phùng Ðức Tiến: Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học trong nước; sự tham gia của các doanh nghiệp có nền tảng khoa học kỹ thuật và nguồn lực, đầu tư nghiêm túc trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi; cùng với kết hợp, hợp tác quốc tế có chiều sâu và thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin sản xuất vắc-xin dịch tả lợn châu Phi đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm vắc-xin.
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn xảy ra tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; trong khi đến thời điểm này, trên toàn thế giới chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vắc-xin thương mại. Vì vậy, dư địa xuất khẩu vắc-xin dịch tả lợn châu Phi được sản xuất tại Việt Nam sang các nước là rất lớn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.