Đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng của APEC với 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có nhiều nền kinh tế lớn và mới nổi, phát triển năng động, đại diện cho khoảng 38% dân số thế giới, đóng góp 61% GDP và 47% thương mại toàn cầu.
Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, bất ổn gia tăng và nhiều thách thức do dịch Covid-19 tái bùng phát với những biến thể mới nguy hiểm. Kinh tế thế giới hồi phục tích cực, nhưng còn bấp bênh và không đồng đều. Các nước tiếp tục ưu tiên thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, tái cơ cấu hướng tới phát triển xanh, bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng số. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực đi đầu trong phục hồi, phát triển và liên kết kinh tế.
Kể từ khi thành lập năm 1989, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, APEC tiếp tục khẳng định là cơ chế liên kết kinh tế khu vực hàng đầu, khởi xướng và đi đầu thúc đẩy xu thế tự do hóa kinh tế, thương mại và đầu tư trong khu vực và trên thế giới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các nền kinh tế thành viên tiếp tục coi trọng APEC, khẳng định Diễn đàn có vai trò hàng đầu khu vực và là cơ chế quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương, giúp thúc đẩy các nỗ lực đa phương ứng phó dịch bệnh, phục hồi kinh tế và chuẩn bị cho tăng trưởng dài hạn.
Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 10 cuối năm 1998 tại Malaysia, đánh dấu quá trình phát triển và mở rộng của Diễn đàn, đưa số thành viên của APEC lên 21 nền kinh tế. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. APEC quy tụ 15 trong số 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và là các đối tác kinh tế, thương mại quan trọng hàng đầu của nước ta, chiếm hơn 77% thương mại, gần 81% đầu tư trực tiếp và hơn 85% du lịch.
Trong chặng đường 23 năm tham gia APEC, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động chung của APEC, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác, duy trì vai trò của Diễn đàn là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vị thế của Việt Nam trong các hoạt động đa phương nói chung và APEC nói riêng gia tăng nhờ kết quả quan trọng trong phòng, chống dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi kinh tế, cũng như việc Việt Nam đảm nhiệm thành công hai trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Chúc cuộc tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thành công tốt đẹp, góp phần khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp tích cực, chủ động, hiệu quả của Việt Nam vào các hoạt động hợp tác của APEC và khu vực.