Trong bài viết hôm 8/2, ETF Trends cũng nhận định: Các thị trường mới nổi như Việt Nam có thể đem đến cơ hội tăng trưởng cho các nhà đầu tư. Theo bài viết, dịch Covid-19 tác động mạnh đến các thị trường mới nổi trong năm 2020, song một số quốc gia có khả năng ứng phó nhanh chóng đã giảm thiểu được tác động về kinh tế-xã hội. Việt Nam là một thí dụ nổi bật, nhờ phản ứng nhanh chóng và rõ ràng của chính phủ, nhất là chiến lược đẩy mạnh tiêm chủng.
Trong báo cáo mới nhất, hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings từng nhận định rằng, lộ trình phục hồi kinh tế của Việt Nam được tiếp thêm động lực trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tăng trở lại và hoạt động xuất khẩu duy trì đà mạnh mẽ. Việc nâng cao tỷ lệ tiêm chủng giúp giảm nguy cơ các đợt bùng phát dịch Covid-19 kéo lùi tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023. Kinh tế Việt Nam được đánh giá chịu tác động của đại dịch ít hơn so với nhiều thị trường mới nổi, thể hiện qua việc GDP hằng năm không giảm mạnh.
Trong khi đó, TTXVN dẫn báo cáo vừa công bố của Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit (có trụ sở tại Anh) cho biết, trong tháng 1/2022, ngành sản xuất của Việt Nam ghi nhận sản lượng và số đơn đặt hàng tăng mạnh, số lượng việc làm cũng tăng trong tháng thứ 2 liên tiếp. Theo IHS Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng trước đó. Điều này cho thấy sự cải thiện vững chắc về điều kiện kinh doanh kể từ tháng 4/2021.
Sự gia tăng số lượng việc làm liên tục được ghi nhận trong tháng 1 trong bối cảnh các công ty tiếp tục gây dựng lại lực lượng lao động sau làn sóng dịch năm 2021, hoạt động của doanh nghiệp nước ngoài đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 11/2018. Các công ty tin tưởng vào triển vọng sản xuất trong năm 2022, với 60% số người được hỏi dự đoán sản lượng tăng.