Chương trình gắn huy hiệu Du lịch bền vững được thực hiện vào năm 2021 nhằm cung cấp cho du khách thông tin đáng tin cậy để có thể đưa ra lựa chọn phù hợp cho những chuyến đi thân thiện với môi trường.
Theo Báo cáo Du lịch Bền vững năm 2022 của Booking.com công bố vào tháng 4/2022 sau đại dịch, du lịch bền vững trở thành xu hướng hàng đầu của du khách trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cụ thể, 96% du khách Việt tham gia khảo sát mong muốn du lịch bền vững. 93% du khách Việt tham gia khảo sát cho hay họ có xu hướng chọn một chỗ nghỉ bền vững hơn bất kể chủ ý hay không chủ ý tìm kiếm.
Nắm bắt xu hướng sau đại dịch, các địa điểm lưu trú tại Việt Nam đã không ngừng cải tạo để đáp ứng các tiêu chí của một chỗ ở thân thiện với môi trường. Thống kê của Booking.com cho thấy, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia dẫn đầu về số lượng cơ sở lưu trú đạt huy hiệu Du lịch Bền vững của Booking.com.
Cụ thể, dẫn đầu là Ấn Độ với 15.743 điểm lưu trú, đứng thứ 2 là Australia với 6.998 điểm lưu trú, Indonesia đứng thứ 3 với 6.460 điểm lưu trú, Thái Lan đứng thứ 4 với 5.216 điểm lưu trú. Với 5.093 điểm lưu trú đủ chuẩn gắn huy hiệu Du lịch Bền vững, Việt Nam đứng thứ 5, trên Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand,..
Ở góc độ toàn cầu, 10 quốc gia đứng đầu về số lượng chỗ nghỉ đạt huy hiệu Du lịch Bền vững trên Booking.com gồm Italia, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Hy Lạp và Ba Lan.
Với mục đích ghi nhận nỗ lực thực hành bền vững của các cơ sở lưu trú, và cung cấp cho du khách thông tin nhất quán, dễ hiểu, Booking.com tiếp tục cho ra mắt ba cấp huy hiệu đặc biệt cho chương trình Du lịch Bền vững.
Chứng nhận của bên thứ 3 có uy tín vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng trong ngành. Trên nguyên tắc đó, các cấp độ mới của huy hiệu Du lịch Bền vững mang đến khả năng hiển thị và công nhận nhiều hơn cho những nơi cư trú hiện chưa được chứng nhận, song nhận thức được tác động của họ đến môi trường cũng như cộng đồng địa phương và đang thực hiện các biện pháp vận hành có trách nhiệm hơn. Các cấp độ này giúp đề ra một lộ trình rõ ràng hơn cho các nơi cư trú muốn đạt chứng nhận, đặc biệt là những nơi đang ở giai đoạn đầu của hành trình phát triển bền vững. Mục đích của việc này cũng để giúp khích lệ thêm nhiều nơi cư trú khác có thể cùng hướng tới du lịch bền vững.
Những cơ sở lưu trú đã có cam kết vững chắc về phát triển bền vững, bao gồm các nỗ lực và đầu tư để đạt một trong số hơn 40 chứng chỉ của bên thứ ba, sẽ nhận được mức độ công nhận cao nhất trong chương trình Du lịch Bền vững. Những chỗ nghỉ này được công nhận với một huy hiệu được chứng nhận, bao gồm tên của tổ chức chứng nhận.
Ngoài Hội đồng Du lịch Bền vững toàn cầu (GSTC), Green Tourism và EU Ecolabel, danh sách chứng nhận của các bên thứ ba hiện nay còn có Green Seal, Nordic Swan Ecolabel, Green Hospitality Ecolabel, Ibex Fairstay, Fair Trade Tourism, LEED và Edge, cho phép chỗ nghỉ đủ điều kiện tự động lên cấp độ cao nhất của chương trình Du lịch Bền vững.
Bà Danielle D'Silva, Trưởng bộ phận Phát triển Bền vững tại Booking.com cho biết, việc tối ưu hóa và phát triển chương trình Du lịch Bền vững hơn nữa được thực hiện với mong muốn tiếp tục giúp mọi người dễ dàng đưa ra các lựa chọn bền vững hơn cho chuyến đi tiếp theo.
"Chúng tôi đang kiểm tra mọi phần của chuyến đi trên nền tảng của mình và tích cực tìm cách cung cấp thêm thông tin đáng tin cậy cho du khách. Từ căn hộ đi nghỉ cuối tuần, ô tô điện cho chuyến đi phượt đường dài sắp tới, đến dữ liệu về lượng khí thải carbon của chuyến bay, mục đích của chúng tôi là thúc đẩy khách hàng và đối tác hướng tới các lựa chọn có trách nhiệm hơn, đồng thời làm tròn bổn phận trong việc góp phần bảo đảm một tương lai lành mạnh hơn cho hành tinh và ngành du lịch” - Trưởng bộ phận Phát triển Bền vững tại Booking.com nói.