Trụ sở chính của Trung tâm Cấp cứu thuộc Khu 8, phường Hà Tu – TP Hạ Long, Quảng Ninh với Đội cơ động trung tâm, ngoài ra còn có hai trạm cấp cứu mỏ đặt tại Uông Bí và Cẩm Phả. Như vậy, cả ba vùng sản xuất than Uông Bí, Hòn Gai và Cẩm Phả, nếu xảy ra sự cố đều được Trung tâm ứng cứu kịp thời trong vòng bán kính 25 km.
Ngày 30-10-1978, đáp ứng yêu cầu an toàn các mỏ than, Bộ Điện và Than quyết định thành lập Đội Cấp cứu mỏ trực thuộc Công ty Than Hòn Gai, ban đầu chỉ có 54 cán bộ, đội viên với trang bị còn rất thô sơ. Đến nay, Trung tâm đã có 245 người, trang thiết bị khá hiện đại.
Con người và phương tiện, thiết bị luôn luôn ở trạng thái sẵn sàng, nếu có sự cố báo về, chỉ sau 30 - 60 giây, các chiến sĩ đã lên đường.
Vào đầu ca, các chiến sĩ bao giờ cũng giao ca đứng 3 phút, đọc bốn lời thề: Nắm chắc kỹ thuật, bình tĩnh tự tin; Đồng tâm nhất trí, dũng cảm quên mình; Nỗ lực luyện rèn, ngày càng ưu tú; Luôn nhớ bên mình, an toàn số 1. Sau đó, kiểm tra các thiết bị bảo đảm độ tin cậy, chiếc xe cứu hộ đi được trên mọi địa hình bao giờ cũng mở rộng cửa phía sau và có đủ quần áo cứu hộ, thiết bị chuyên dùng và thực phẩm.
Theo anh Trần Đức Chính, Đội phó đội cơ động, sự cố hầm lò có thể được chia làm ba dạng: sự cố sập đổ, sự cố bục nước và sự cố cháy, nổ khí. Các chiến sĩ có thể xử lý được tất cả các tình huống, thậm chí là sơ cứu y tế tại chỗ đối với người bị nạn.
Tại Trung tâm, các chiến sĩ thường xuyên được luyện tập trong những tình huống giả định như sự cố hầm lò. Với bộ quần áo chống cháy KA -2000 này, các chiến sĩ có thể làm việc được trong điều kiện nhiệt độ bên ngoài tới 1.700 độ C.
Cùng với rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh và lòng dũng cảm, các chiến sĩ còn phải trực tiếp xuống các hầm lò cùng với thợ mỏ để làm quen, chủ động với địa hình phức tạp, kiểm tra phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy ra. Cùng với đó, họ đã được hỗ trợ nhiều thiết bị đặc chủng để nâng cao hiệu quả ứng cứu sự cố hầm lò.
Luyện tập trong “nhà nhiệt”… | … và rèn luyện kỹ năng tập thở trong môi trường độc hại. |
Bộ dụng cụ chuyên dụng cứu sập đổ Lukas gồm 6 thiết bị chính: bơm tay, kích mỏ vịt, căng kéo, cây đẩy và chai khí nén, van điều khiển, túi nâng; trong đó, kích mỏ vịt có thể nâng tới 20 tấn trong khe hẹp 8 -35 mm, còn dụng cụ cắt Lukas nặng chưa đến 18 kg nhưng có thể tạo lực cắt tối đa tới 69,2 tấn, có khả năng cắt thép hộp 75 x 45 x 4.5 mm, cắt thép tròn ф 38 mm…
Ngoài những thiết bị hiện đại mua từ nước ngoài, các cán bộ, chiến sĩ trung tâm còn nghiên cứu, chế tạo một thiết bị tạo bọt dựa trên nguyên lý cấu tạo của thiết bị Nhật Bản, tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn hẳn mang tên Drabo – con rồng tạo bọt. Máy có thể tạo khoảng 100 – 150 m3 bọt/phút với 8 vòi phun, đặc biệt có hiệu quả khống chế các đám cháy xăng dầu, chất lỏng.
|
Với nhiệm vụ đặc thù và “độc quyền” ứng cứu sự cố trong hầm lò, theo đề nghị của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định bổ sung Trung tâm là đơn vị thường trực chuyên ngành của Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Trung tâm đã giải quyết xử lý nhiều vụ sự cố hiệu quả như sự cố nổ khí Xí nghiệp than Suối Lại – Công ty Than Quảng Ninh năm 2002, nổ khí Xí nghiệp 909 – Công ty Địa chất và khai thác khoáng sản năm 2002, bục nước Công ty Than Mông Dương năm 2006, bục nước lò tư nhân tại phường Cao Xanh năm 2008,…Bằng những việc làm cụ thể, các chiến sĩ Trung tâm Cấp cứu mỏ đã khẳng định được vị thế của mình, luôn sát cánh cùng thợ mỏ, giúp thợ mỏ yên lòng khi vào ca.