Việc nhỏ, ý nghĩa lớn

Nhằm phát huy vai trò của người dân trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từ tháng 4/2020, Công an huyện Ðắk Ðoa (Gia Lai) đã triển khai mô hình "Móc khóa an ninh" đến tất cả các xã, thị trấn.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Công an xã Ia Băng (huyện Ðắk Ðoa, Gia Lai) trao móc khóa cho người dân.
Cán bộ Công an xã Ia Băng (huyện Ðắk Ðoa, Gia Lai) trao móc khóa cho người dân.

Móc khóa làm bằng nhựa dẻo, trên nền đỏ, dài 5cm, rộng 2cm, thiết kế hình oval khá đẹp mắt. Ở mặt trước móc khóa in số điện thoại của trực ban và lãnh đạo công an xã, thị trấn; mặt còn lại in mã QR do vậy người dân có thể sử dụng smart phone quét mã QR và truy cập trực tiếp vào Zalo Official Account của công an huyện. Ấn tượng hơn, từ đường dẫn của Zalo, quét mã QR trên móc khóa, người dân được cập nhật thông tin các lĩnh vực của tỉnh, địa phương; tra cứu kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; được giải đáp các thắc mắc một cách chính xác, nhanh chóng cũng như nắm bắt kịp thời phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để nâng cao cảnh giác.

Ở chiều ngược lại, người dân thông báo nhanh tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đến lực lượng công an, đặc biệt là các vụ trộm cắp, cướp giật. Thí dụ như, tháng 8/2020, kẻ gian đột nhập vào nhà bà Vương Thị Thủy (SN 1960, thôn Hàm Rồng, xã Ia Băng) lấy trộm 1 chiếc túi da, bên trong có hơn 4 triệu đồng tiền mặt và nhiều trang sức bằng vàng, tổng trị giá hơn 100 triệu đồng. Phát hiện nhà bị đột nhập, bà Thủy rất hoang mang. Chợt nhớ đến chiếc móc khóa có số điện thoại của Công an xã Ia Băng luôn mang theo, bà nhanh chóng gọi để trình báo vụ việc. Nhận được tin báo, chỉ sau 2 tiếng đồng hồ, lực lượng công an đã bắt giữ 2 thủ phạm là Rlan Ping (SN 1981) và Rlan Vương (SN 2005), cùng trú làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê), thu hồi toàn bộ tài sản trả lại cho gia đình bị hại.

"Có chiếc móc khóa này, lỡ có việc gì cần hoặc nhờ công an giải quyết, hoặc nhờ người khác gọi điện cho công an cũng được cho nên đi đâu tôi cũng mang theo", bà Thủy cho biết. Còn ông Myen (làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Ðắk Ðoa) phấn khởi nói: "Từ nay có việc gì cần gấp, bà con có thể lấy ngay số điện thoại của Công an xã trên móc khóa để phản ánh. Tôi thấy rất thuận tiện vì chìa khóa thì hầu như ai cũng đem theo bên người".

Ðến nay, mô hình trên được Công an huyện Ðắk Ðoa triển khai đến 17/17 xã, thị trấn với hơn 15.000 chiếc móc khóa được trao đến tay người dân. "Có thể nói, hiện nhiều người dân trên địa bàn huyện này đã coi chiếc móc khóa an ninh gần như là một vật "hộ thân" vì hiệu quả thiết thực, được người dân đồng tình ủng hộ, nhất là người già, người dân tộc thiểu số. Bình thường người dân không hay lưu số của lực lượng chức năng nếu không phải người quen nên khi có móc khóa này rất thuận tiện, đặc biệt trong các trường hợp khẩn cấp, bất ngờ". Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Ðội trưởng Ðội Cảnh sát Hình sự Công an huyện Ðắk Ðoa, cho hay.

Thượng tá Hoàng Văn Huân, Phó Trưởng Công an huyện Ðắk Ðoa, cho biết: "Móc khóa an ninh" do đơn vị triển khai thật sự phát huy hiệu quả. Nhờ có móc khóa mà bà con dễ dàng liên lạc, thông báo các vụ việc nhanh chóng, kịp thời đến lực lượng công an để sớm can thiệp, tiết kiệm thời gian, công sức cũng như hạn chế thiệt hại không đáng có.

Công an huyện vẫn đang tiếp tục cấp phát móc khóa đến các cộng đồng dân cư, đến từng cá nhân nhằm phát triển mô hình này hơn nữa. "Hiện một bộ phận người dân vẫn chưa thành thạo công nghệ thông tin để quét mã QR trên móc khóa nhằm sử dụng các tiện ích mà nó đem lại. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi chỉ đạo mỗi cán bộ công an cấp huyện, cấp xã sẽ trực tiếp vừa cấp phát móc khóa; đồng thời tận tay hướng dẫn để người dân sử dụng, phát huy hết hiệu quả mà mô hình này đem lại". Phó Trưởng Công an huyện cho biết thêm.