Ðó cũng là nỗ lực, quyết tâm chung của tất cả các đại biểu tham dự Ðại hội đồng lần này với mong muốn thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn giữa các nghị viện thành viên AIPA. Cảm nhận rõ nhất là chính trong bối cảnh đặc biệt hiện nay, Ðại hội đồng trực tuyến thứ hai trong lịch sử 44 năm qua là bằng chứng thuyết phục nhất về sự gắn kết và khả năng đáp ứng, thích ứng linh hoạt của AIPA trong việc tìm những giải pháp vượt qua các thách thức của đại dịch Covid-19, thúc đẩy hợp tác và phát triển của Cộng đồng ASEAN.
Các nước ASEAN đang đối mặt nhiều thách thức, từ sự bùng phát dữ dội mức độ lây lan nghiêm trọng của dịch Covid-19 với các biến thể mới nguy hiểm, đến sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các cường quốc. Nhận định mang tính phổ quát của các nhà lãnh đạo nghị viện nhiều lần nhấn mạnh xu hướng toàn cầu hóa, kết nối và hội nhập quốc tế sẽ còn nhiều khó khăn, cần có sự điều chỉnh phù hợp để thích ứng với hoàn cảnh mới biến chuyển nhanh chóng.
Chủ đề "Phát triển quan hệ hợp tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025" đã làm nổi bật vai trò quan trọng của nghị sĩ các nước trong việc ủng hộ tầm nhìn của ASEAN vì một cộng đồng gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm xã hội, cùng nhau hợp tác hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025. Thực tế cho thấy, nghị viện nhiều nước đã và đang áp dụng những giải pháp trực tuyến tạm thời và tiến tới thường xuyên để thích ứng điều kiện mới, trong khi nhu cầu phát triển các giải pháp số mang tính toàn diện tại các nghị viện trở nên cấp thiết.
Một nội dung được nêu trong nhiều phiên thảo luận chuyên đề, tại Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPA và được các ủy ban của AIPA-42 nhiều lần đề cập, đó là thực trạng Covid-19 đã nới rộng hơn khoảng cách bất bình đẳng trong xã hội. Do vậy, đường hướng tương lai làm sao để bảo đảm công bằng, hài hòa về công nghệ, mặt khác tạo tác động tích cực nâng cao tính trách nhiệm và minh bạch của thể chế là quan tâm hàng đầu của nghị viện các nước. Lãnh đạo đoàn Philippines nhấn mạnh tầm quan trọng của nền kinh tế số, nhất là trong bối cảnh đại dịch; theo đó chuyển đổi số hiện là chiến lược trọng tâm của ASEAN để thúc đẩy phục hồi kinh tế tốt hơn, góp phần nâng cao khả năng chống chọi và thích ứng với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Tại sự kiện trọng đại này, Quốc vương Brunei Darussalam cho biết, chủ đề của Năm ASEAN 2021 là "Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vượng". ASEAN tiếp tục ứng phó những vấn đề liên quan phát triển cộng đồng, tăng cường hợp tác vì sự thành công của Cộng đồng ASEAN. Quốc vương đề nghị AIPA và ASEAN phối hợp chặt chẽ hơn để giải quyết các thách thức, thực thi các cam kết của ASEAN, nâng cao nhận thức của người dân, hài hòa hóa các quy định, pháp luật, bảo vệ người dân và bảo đảm sự công bằng, bình đẳng trong Cộng đồng.
Nhiều nhà lãnh đạo nghị viện các nước ví đại dịch Covid-19 như "phép thử" về sự đoàn kết của ASEAN, về khả năng dự báo và năng lực tự cường. Bởi lẽ, thế giới đang đối mặt sự bất ổn và ngày càng xuất hiện nhiều mối đe dọa đối với hòa bình. Vì vậy, cần có một nền hòa bình làm nền tảng quan trọng cho sự phát triển; hòa bình và phát triển phải song hành với nhau; duy trì hòa bình và thúc đẩy phát triển bền vững để người dân được sống trong thịnh vượng và tiến bộ.
Trong bài phát biểu quan trọng tại phiên họp thứ nhất của AIPA-42, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ, Trưởng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trình bày những đề xuất quan trọng, nhận được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo nghị viện nhiều nước và các đại diện tổ chức quốc tế. Việt Nam nhấn mạnh, mọi nỗ lực phục hồi và phát triển của các quốc gia không thể thiếu điều kiện tiên quyết, đó là môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của chính phủ các nước ASEAN thời gian qua, với sự đồng hành và ủng hộ tích cực của các nghị viện thành viên AIPA trong việc duy trì và thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trong thông điệp kêu gọi tinh thần đoàn kết, trách nhiệm chung của AIPA trong hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, nhất là ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, cũng như tăng cường hợp tác nội khối và với các đối tác trong nghiên cứu, phát triển và chia sẻ công bằng vắc-xin, thuốc và thiết bị phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ đề nghị nghị viện các nước trao quyền nhiều hơn cho các chính phủ. Bởi trong tình hình hiện nay, chính phủ rất cần thẩm quyền "đủ nhanh, đủ mạnh" để chủ động, linh hoạt ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, giảm thiệt hại và thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.