Vì sao rừng bị tàn phá gần 400 ha mới được phát hiện?

NDO -

Vụ phá rừng tự nhiên trái phép xảy ra tại Tiểu khu 205, xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vừa được các ngành chức năng phát hiện là vụ phá rừng có diện tích lớn nhất trong nhiều năm trở lại đây ở Đắk Lắk. Điều đáng quan tâm ở đây là vì sao rừng bị phá trái phép với diện tích lớn như vậy mới được phát hiện? Liệu có sự tiếp tay, bao che cho nạn phá rừng hay không là vấn đề quan trọng mà các cơ quan chức năng cần khẩn trương điều tra, làm rõ. 

Nhiều cây rừng vừa bị cưa hạ, vết cưa còn ứa nhựa.
Nhiều cây rừng vừa bị cưa hạ, vết cưa còn ứa nhựa.

Như chúng tôi đã thông tin, ngay sau khi nhận được thông tin về một vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk do người dân cung cấp, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Đắk Lắk cùng với một số phóng viên khác đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường vụ phá rừng này. Nhưng để tiếp cận được hiện trường vụ phá rừng, từ trung tâm xã Ya Tờ Một, chúng tôi phải di chuyển hơn 50km bằng đủ các phương tiện: ô-tô, xe máy, đi thuyền vượt suối và đi bộ thêm vài trăm mét nữa mới tới.

Khi nhóm phóng viên chúng tôi có mặt tại Tiểu khu 205, xã Ya Tờ Mốt thì tại đây có lực lượng kiểm lâm của Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Hạt Kiểm lâm các huyện Ea Súp, Cư M’gar, Buôn Đôn, thành phố Buôn Ma Thuột để bảo vệ hiện trường và tiến hành đo đếm diện tích rừng bị phá, kiểm đếm số lượng cây rừng bị triệt phá… để phục vụ công tác điều tra.

Theo quan sát của chúng tôi tại hiện trường, một diện tích lớn rừng tự nhiên bị phá trắng, cây rừng bị cưa sát gốc nằm ngổn ngang, cây nhỏ có, lớn có, nhiều cây rừng có đường kính từ 25cm đến 30 cm. Nhiều cây cành lá đã khô héo, nhiều cây cành lá vẫn còn tươi, gốc cây vừa bị cưa còn ứa nhựa như những giọt máu tuôn ra từ vết thương. Một đồng nghiệp của chúng tôi đi trong đoàn không kiềm được sự bức xúc trước tình trạng rừng bị tàn phá nặng nề, thốt lên: “Rừng bị tàn phá với diện tích quá lớn thế này, không biết chính quyền và các ngành chức năng của xã, huyện làm gì, ở đâu? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc để mất rừng này?”.

Vì sao rừng bị tàn phá gần 400ha mới được phát hiện? -0
 Để tiếp cận hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 205, xã Ya Tờ Mốt, nhóm phóng viên chúng tôi phải nhờ người dân địa phương chở đi bằng xe máy xuyên rừng khoảng 5 km.

Tại đây chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Luật ở thôn 10, xã Ya Tờ Mốt, có nhà ở chỉ cách khu vực phá rừng chỉ vài trăm mét. Anh Luật cho biết: “Thời điểm lâm tặc cắt cây rừng tôi đều biết, vì lâm tặc sử dụng cưa máy nên ngồi ở nhà nghe rất rõ tiếng cưa. Nhưng lâm tặc thường cưa cây rừng vào ban đêm, khoảng 7-8 giờ tối trở đi, các hoạt động phá rừng tôi đều biết, xảy ra khoảng 15 ngày gần đây nhưng không dám báo lực lượng chức năng và chủ rừng, vì sợ bị trả thù…”.

Ngoài anh Luật, chúng tôi còn gặp một người thanh niên tự giới thiệu tên Lê Minh Tuấn, là cháu của Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đất Vàng Ban Mê (Công ty Đất Vàng Ban Mê), có trụ sở tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, là doanh nghiệp đang thực hiện khảo sát hiện trạng rừng, đất đai để lập dự án trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp.

Anh Tuấn quê ở tỉnh Kiên Giang được người thân ở Công ty Ban Mê Đất Vàng nhờ lên đây trông coi việc khảo sát hiện trạng rừng, đất đai tại Tiểu khu 205 khoảng một tuần nay và ở lại cùng nhà anh Luật. Anh Tuấn chia sẻ: “Trong thời gian ở đây, em có nghe tiếng cưa máy cắt rừng vào ban đêm nhưng không dám ra kiểm tra mà chỉ điện thoại báo cho cậu là Giám đốc Công ty Đất Vàng Ban Mê mà thôi. Còn ai phá rừng và phá để làm gì thì em không biết”.

Vì sao rừng bị tàn phá gần 400ha mới được phát hiện? -0
 Tiếp đó phải đi thuyền qua suối rồi đi bộ thêm vài trăm mét nữa mới tới hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 205, xã Ya Tờ Một.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ya Tờ Mốt Vũ Văn Quảng cho biết: Diện tích rừng bị phá trái phép này xảy ra tại Tiểu khu 205, xã Ya Tờ Mốt. Tiểu khu này có diện tích 953,7 ha, trước đây được huyện giao cho 4 nhóm hộ nhận quản lý, bảo vệ rừng nhưng những năm qua công tác quản lý, bảo vệ rừng của các nhóm hộ này không hiệu quả nên năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện Ea Súp thu hồi giao về cho Ủy ban nhân dân xã quản lý. Toàn bộ tiểu khu này là rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất và trong quy hoạch Tiểu khu 205 cũng thuộc rừng sản xuất. Trong 4 năm gần đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đất Vàng Ban Mê xin chủ trương khảo sát để làm dự án trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp này đang trong quá trình khảo sát thì xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng này.

Vì sao rừng bị tàn phá gần 400ha mới được phát hiện? -0
 Nhiều cây rừng có đường kính lớn tại Tiểu khu 205, xã Ya Tờ Một, huyện Ea Súp bị cưa hạ không thương tiếc.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ya Tờ Mốt Vũ Văn Quảng, vụ phá rừng nghiêm trọng này xảy ra khoảng 20 ngày gần đây, do Tiểu khu 205 nằm ở khu vực giáp ranh giữa xã Ya Tờ Mốt và xã Ia Rvê, cách trung tâm xã khoảng 16 km, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn và chung quanh tiểu khu này có các doanh nghiệp đang thực hiện dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng và sản xuất nông-lâm nghiệp…

Mặc dù xã đã thành lập Đội quản lý, bảo vệ rừng 8 người gồm: cán bộ địa chính, lực lượng công an xã, Ban Chỉ huy quân sự xã… nhưng do Tiểu khu 205 nằm cách xa trung tâm xã, việc phá rừng chủ yếu xảy ra vào ban đêm và trong thời gian này nhiều cán bộ của xã bị mắc Covid-19… Lợi dụng vào đó, lâm tặc đã phá rừng và khi vụ việc được phát hiện thì đã có một diện tích lớn rừng tự nhiên đã bị phá trắng nhưng chưa xác định được đối tượng phá rừng.

Vì sao rừng bị tàn phá gần 400ha mới được phát hiện? -0
Ngay sát khu vực phá rừng là vườn điều sản xuất của người dân nhưng việc phá rừng với quy mô lớn không ai phát hiện là điều không thể tin được. 

Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho biết: Diện tích rừng bị phá do Ủy ban nhân dân xã Ya Tờ Mốt quản lý, bảo vệ. Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng như xa khu dân cư, các đối tượng đã tổ chức phá rừng trên diện rộng với mục đích chiếm đất; đồng thời cũng có khả năng là do người dân phá rừng lấn chiếm đất để sau này được nhận bồi thường.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc phá rừng nghiênm trọng này, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Công an huyện, Viện Kiểm sát nhân dân huyện phối hợp lực lượng kiểm lâm kiểm tra hiện trường, thống kê diện tích, số lượng cây rừng bị phá để trưng cầu giám định diện tích rừng bị phá, trữ lượng rừng bị thiệt hại… để khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang sang cơ quan Công an điều tra.

Vì sao rừng bị tàn phá gần 400ha mới được phát hiện? -0
 Lực lượng kiểm lâm mắc võng ở để bảo vệ hiện tường, đo đếm diện tích rừng và kiểm đếm cây rừng bị phá.

Để nắm rõ hơn về vụ việc phá rừng nghiêm trọng này, Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn đã điện thoại cho lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện làm việc với nhóm phóng viên chúng tôi nhưng khi chúng tôi đến trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, mặc dù đang trong giờ làm việc nhưng cổng bị khóa chặt, không ai làm việc với chúng tôi. Còn tại hiện trường vụ phá rừng, chúng tôi gặp Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ea Súp Lê Hưng nhưng vị Hạt phó này cho biết: mình không phải là người phát ngôn nên không cung cấp thông tin cho báo chí.

Vì sao rừng bị tàn phá gần 400ha mới được phát hiện? -0
 Một cán bộ kiểm lâm cho biết đã có mặt tại hiện trường từ đầu tháng 4 đến nay để kiểm đếm cây rừng bị tàn phá phục vụ công tác điều tra.

Trong khi đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, sau nhiều ngày đo đạc, kiểm tra lực lượng chức năng xác định vụ phá tại Tiểu khu 205 và 202 xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp có diện tích thiệt hại lên đến 382 ha. Riêng thiệt hại về lâm sản, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vẫn đang phối hợp các cơ quan chức năng đo đếm, làm rõ.

Vụ việc phá rừng quy mô lớn này, Chi cục Kiểm lâm đã có báo cáo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk để có hướng chỉ đạo làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan; đồng thời chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ đối tượng phá rừng.

Vì sao rừng bị tàn phá gần 400ha mới được phát hiện? -0
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Ya Tờ Mốt trao đổi với các phóng viên về vụ phá rừng nghiêm trọng này. 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin về vụ phá rừng này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cơ quan công an khẩn trương điều tra, làm rõ vụ phá rừng, đồng thời làm rõ tránh nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý sai phạm theo quy định pháp luật.

Sau khi vụ phá rừng quy mô lớn này được phát hiện, dư luận ở Đắk Lắk cũng như cả nước hết sức bức xúc, bàng hoàng, bởi vì diện tích rừng bị phá quá lớn nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, khi vụ việc được phát hiện thì đã có gần 400 ha rừng tự nhiên đã bị phá. Điều đáng nói, ngoài chủ rừng là Ủy ban nhân dân xã Ya Tờ Mốt, trong thời gian xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn này, tại Tiểu khu 205 còn có Công ty trách nhiệm hữu hạn Đất Vàng Ban Mê tiến hành khảo sát để làm dự án trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp. Đồng thời sát với khu vực phá rừng này còn có đất sản xuất của người dân, có những hộ dân sinh sống và bao quanh còn có những doanh nghiệp đang thực hiện dự án khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ rừng và sản xuất nông nghiệp… nên không thể không biết xảy ra việc phá rừng với diện tích lớn như vậy.

Vì sao rừng bị tàn phá gần 400ha mới được phát hiện? -0
 Mặc dù Bí thư Huyện ủy Ea Súp đã điện thoại trước với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện về nội dung làm việc, cung cấp thêm thông tin về vụ phá rừng cho báo chí nhưng khi nhóm phóng viên chúng tôi đến trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện, mặc dù đang trong giờ làm việc nhưng cổng bị khóa chặt. 

Liệu có đơn vị, cá nhân nào đứng đằng sau hoặc tiếp tay, bao che cho vụ phá rừng nghiêm trọng này? Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.