Vì sao những năm gần đây nước ta ít bị bão lớn?

May mắn địa lợi

Ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng Dự báo Khí tượng hạn ngắn, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, cho rằng không thể nói Việt Nam sẽ không có bão lớn. “Việt Nam là một nước ít có bão mạnh nhiều năm qua dù nằm trong khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, một trong sáu ổ bão lớn nhất thế giới”, ông Lê Văn Thảo nói.

Trước hết, chúng ta có may mắn “tọa” ở vùng đất ít có nguy cơ bão lớn. Ông Thảo đưa ra ba nguyên nhân.

Thứ nhất , Việt Nam nằm ở cực Tây của Tây Bắc Thái Bình Dương, tiếp giáp vùng biển Đông tương đối kín, nước không sâu lắm, nhiệt độ không cao lắm. Đây hoàn toàn không phải là điều kiện thuận lợi có thể hình thành bão.

Thứ hai , những cơn bão bắt nguồn từ Tây Bắc Thái Bình Dương, sau một cuộc hành trình dài “mệt nhọc”, trở nên suy yếu trước khi đổ bộ vào Việt Nam.

Thứ ba , những cơn bão hình thành trên biển Đông trực tiếp đổ vào nước ta lại ở vào quãng “đời đầu non trẻ”. Khi kịp lớn thành cơn bão cường tráng, nó đã đổi hướng đổ vào khu vực khác.

TS Hoàng Đức Cường, Trưởng phòng nghiên cứu Khí tượng khí hậu, Viện Khí tượng thủy văn, cũng đồng tình với quan điểm về địa lợi của nước ta. Tuy nhiên, TS Cường cho rằng nguyên nhân chính khiến những cơn bão bắt nguồn từ Tây Bắc Thái Bình Dương trở nên suy yếu khi đổ bộ vào Việt Nam không phải nằm ở “quãng đường dài”.

Vấn đề là chúng ta có tấm lá chắn tự nhiên, quần đảo Philippines, ngăn cách Việt Nam với toàn bộ vùng rốn bão Tây Bắc Thái Bình Dương. Trước khi ảnh hưởng tới Việt Nam, Philippines thường trở thành miếng mồi ngon cho các cơn bão lớn.

TS Cường cũng cho hay, lịch sử mưa bão nước ta từng ghi nhận nhiều cơn bão lớn, tuy nhiên, chưa có cơn bão nào lớn như cơn bão Talimi và Nabi, nhất là, như Kanitra. Bão Wukong, năm 2000, đạt cường độ cực đại 140km/giờ (tương đương bão Nabi) trên biển Đông, nhưng khi đổ bộ vào Hà Tĩnh suy yếu chỉ còn 100km/giờ. Bão LingLing, năm 2001, khi hoạt động trên biển Đông đạt cường độ cực đại trên 150km/giờ, khi đổ bộ vào Việt Nam còn 110 – 120km/giờ. Đây đã được coi là những cơn bão “tầm cỡ” từng đổ bộ vào Việt Nam.

Thực ra, biển Đông cũng là cái nôi cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho các cơn áp thấp nhiệt đới trở thành bão. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này không thể mạnh như rốn bão Tây Bắc Thái Bình Dương, lại thêm phạm vi không gian của biển Đông không lớn dẫn đến tuổi thọ của bão không dài. Chính vì thế, một số cơn áp thấp nhiệt đới khi qua biển Đông mới mạnh lên thành bão rồi đổ vào Việt Nam nhưng hoặc không mạnh lắm, hoặc nhanh chóng tan rã (chẳng hạn bão số 5 vừa qua).

Dăm năm trở lại đây, bão ở Việt Nam thậm chí còn ít đi về số lượng và nhẹ hơn về cường độ, dường như trái với quy luật diễn biến thiên tai toàn cầu theo hướng càng ngày càng khốc liệt.

Theo một nhận định chưa được kiểm chứng, may mắn này có vẻ liên quan đến trạng thái ấm nóng của Thái Bình Dương. Nói cách khác, ảnh hưởng của ELSO (nôm na là trạng thái trung gian giữa El Nino (nhiệt độ nước biển tăng) và La Nina (nhiệt độ nước biển giảm)) giúp làm giảm xoáy thuận nhiệt đới và đẩy vùng biển nóng nằm ở Tây Bắc Thái Bình Dương dịch chuyển nhiều hơn về phía Bắc so với vị trí ban đầu của nó.

Lá chắn vô hình đó khiến quỹ đạo của bão cũng ngày một lui lên về phía bắc và, kết cục may mắn là, khu vực phía Nam trong đó có Việt Nam trở nên ít bão hơn.

Vẫn phải cảnh giác

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần lễ, thế giới chứng kiến bốn trận càn quét khủng khiếp của bão.

Ngày 31-8, bão Talim tràn qua Đài Loan làm ba người thiệt mạng, 59 người bị thương, thiệt hại nặng nề về vật chất.

Ngày 1-9, bão Talim di chuyển vào bờ biển phía Đông Trung Quốc với sức gió lên tới 144km/giờ, làm 70 người chết và gần 900.000 dân thuộc hai tỉnh Phúc Kiến và Triết Giang phải sơ tán.

Ngày 29-8, bão Kanitra với tốc độ gió 225km/giờ đổ bộ vào các bang Lousiana, Mississippi, Alabama, Florida của nước Mỹ, cướp đi sinh mạng 10.000 người, làm thiệt hại hơn 100 tỷ USD.

Trong khi nước chưa kịp rút trong những vùng rộng lớn bị tàn phá tan hoang của nước Mỹ, ngày 5-9, cơn bão Nabi với tốc độ gió 140km/giờ tràn qua Tây Nam Nhật Bản làm 84 người chết.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo những lý giải như thế hoàn toàn không có nghĩa Việt Nam mãi mãi là ốc đảo. "Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là tình hình luôn ổn định như vậy", TS Cường nói.

Theo chu kỳ, pha nóng đang tiếp diễn hiện nay kéo dài từ 2-10 năm, rồi chấm dứt, nhường cho chỗ pha lạnh. Khi đó, bão sẽ quay trở lại nhiều và phức tạp như nhiều năm trước. Thậm chí, những biến động không ngừng của tự nhiên khiến những quy luật nói ra hôm nay có thể thay đổi vào ngày mai.

Đó là lý do không một chuyên gia dự báo thời tiết nào dám khẳng định Việt Nam sẽ là vùng đất mãi mãi an toàn trước bão lớn. Chính vì vậy, tăng cường công tác dự báo, phòng chống thiên tai không thể chủ quan, lơ là. Chúng ta sống ở vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi chiếm tới 30% số bão hoạt động trên toàn thế giới. Mỗi năm khu vực này, Tây Bắc Thái Bình Dương, 27- 28 cơn trong tổng số 80 cơn toàn cầu, khó có đảm bảo nào các “quả bom” thiên nhiên với sức gió trên 120km/giờ kia ngày nào đó không rơi vào Việt Nam.

Ông Lê Văn Thảo đặc biệt lưu ý tới sự biến đổi khí hậu toàn cầu và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến các trận bão tố trong tương lai ngày càng đỏng đảnh, khốc liệt. Nhiệt độ tăng lên làm nước biển dâng cao hơn bình thường. Dự kiến trong vòng 100 năm nữa, nhiều khu vực lãnh thổ sẽ chìm sâu trong nước biển. Ngoài ra, nhiệt độ tăng dẫn tới tan những khối băng vĩnh cửu. Đây chính là nguồn nước lớn tạo nên lũ lụt, làm gia tăng tính phức tạp của thiên tai, trong đó có bão.

“Việt Nam không nằm ngoài sự biến đổi chung của toàn cầu”, ông Thảo lưu ý, “Cái ốc đảo an toàn hiện nay của Việt Nam có thể chỉ là một giai đoạn tạm thời trong sự biến đổi chung này”.