Nhận diện...
Vẫn còn đó nguy cơ của chất bảo quản khi dễ dàng nhận thấy nhiều loại quả như lê, dâu tây, táo... bày cả tháng trời dưới mưa nắng mà vẫn cứng cáp, tươi nguyên như vừa mới hái trên cây xuống, các loại quả mọng nước như cam quýt, nho, mận... để cả tuần cũng không hỏng. Hiện việc quản lý chất lượng hoa quả có trên thị trường đối với các cơ quan chức năng là một điều thực sự rất khó khăn. Vì vậy để hạn chế trường hợp ngộ độc từ trái cây người tiêu dùng cần hết sức thận trọng trong việc mua và sử dụng hoa quả.
Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, các loại táo to đang bán trên thị trường chủ yếu là nhập từ Trung Quốc, New Zealand, Mỹ. Quả táo Trung Quốc thường tròn, được bọc trong lưới xốp thỉnh thoảng khi bóc lưới xốp ra vẫn còn rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả, đó là do hóa chất bảo quản bị bay hơi đọng lại. Táo Australia, Mỹ mầu đỏ tươi bắt mắt, trái táo thuôn đẹp, có dán tem.
Cam Việt Nam thường có 2 loại cam xanh quả to, vỏ sần và cam quả tròn nhỏ có mầu xanh vàng (cam Vinh). Hiện nay ngoài thị trường trôi nổi loại cam trái to ít hạt và ngọt, có mầu vàng tươi do bị tẩm hóa chất và đánh bóng là hàng Trung Quốc, chứ không có cam Mỹ, Australia như người bán hàng quảng cáo. Ngoài ra còn phải kể đến loại cam trái nhỏ mầu vàng tươi, vẫn còn cả cuống lá tươi nguyên ăn khá ngọt đang bán nhiều cũng là hàng của Trung Quốc.
Người tiêu dùng thường dễ bị nhầm lẫn giữa quýt nhập lậu của Trung Quốc với loại quýt chum nội, có thể phân biệt qua một số đặc điểm sau: quýt Việt Nam mỏng vỏ, vỏ hay bị rám, cao thành; quýt chính vụ của ta thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Quýt Trung Quốc vỏ dày, bị đánh bóng, quả thấp, khi bóc ra hai đầu múi quýt thường khô. Có những quả quýt sau khi bỏ lớp nylon bọc ngoài vỏ quýt bị phủ một lớp xanh xám như nấm mốc, ngửi thấy mùi hăng hắc. Loại quýt nhỏ có tên quýt siêu ngọt, được nói là hàng Thái thực chất cũng là quýt Trung Quốc.
Phần lớn loại dưa hấu vàng vỏ, vàng ruột là của Trung Quốc nhưng lại được người bán gắn cho nhãn mác New Zealand, loại quả này hay bị tiêm nước đường hóa học vào ruột nên sau một vài tiếng bổ ra, ruột quả sẽ bị nhũn, có mùi khó chịu rất khó ăn.
Trên thị trường có hai loại hồng ta và Trung Quốc, với đặc điểm rất dễ nát nên hàng nhập lậu thường bị tẩm nhiều thuốc bảo quản để giữ được hình dáng, loại hồng này có mầu vỏ đỏ đậm rất đẹp. Còn hồng Việt Nam thì xấu mã hơn, núm quả có nhiều nạm đen, bóc ra thấy phần ruột gần núm hơi cứng.
Làm gì để tự bảo vệ mình?
Trên thực tế ngoài thị trường trôi nổi người bán thoải mái gắn đủ các loại nhãn mác ngoại lên hàng hóa của mình mà người mua hoàn toàn không có khả năng kiểm tra tính xác thực của xuất xứ đó. Những loại trái cây nhập khẩu trông rất hấp dẫn, trái thường to và căng mọng, mầu sắc đẹp, thời gian bảo quản khá lâu. Tuy nhiên chính bởi sự bắt mắt đó, cộng với tâm lý sính ngoại của khách hàng nên người bán đã đội giá lên cao, nhất là tại các quầy sạp lớn. Những loại quả nhập khẩu và nhập lậu không chỉ mang vẻ tươi ngon mà còn mang trong mình nhiều mối đe dọa khôn lường. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có những thông tin chính thức về cách thức bảo quản trái cây của người Trung Quốc nên người tiêu dùng vẫn không thể an tâm khi mua hàng nhập ngoại.
Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của mình, người tiêu dùng không nên mua những loại trái cây có hình dáng bất thường, quá mướt vì phần lớn chúng bị phun chất kích thích tăng trưởng hoặc có chứa chất bảo quản do đó loại trái cây có vỏ cứng, dày thường an toàn hơn loại có vỏ mềm, mỏng. Nếu có điều kiện nên mua hàng tại những nơi bảo đảm như siêu thị, trung tâm thương mại, những nơi đề rõ xuất xứ và giống trái cây...
Người dân đang mong đợi sự phối hợp đồng bộ của các ngành chức năng bằng việc kiểm tra sử dụng các hóa chất với cây trồng, chất lượng hoa quả nhập qua cửa khẩu, hoa quả lưu thông vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Có sự kiểm tra chặt chẽ như vậy tính mạng người tiêu dùng mới được bảo đảm và người tiêu dùng thực sự yên tâm khi sử dụng trái cây, một thức ăn không thể thiếu của mỗi người.