Vì sao giá sách giáo khoa mới cao gấp đôi?

NDO -

Báo cáo về vấn đề sách giáo khoa (SGK) năm học 2020-2021 với các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT)  giải trình nguyên nhân giá bộ SGK lớp 1 mới cao hơn khoảng hai lần so với giá bộ SGK lớp 1 trước đây.

SGK lớp 1 mới được in bốn màu để thể hiện tốt hơn nội dung, giúp học sinh tiếp nhận thông tin, kiến thức (Ảnh: ĐỨC DUY)
SGK lớp 1 mới được in bốn màu để thể hiện tốt hơn nội dung, giúp học sinh tiếp nhận thông tin, kiến thức (Ảnh: ĐỨC DUY)

Trong Báo cáo về vấn đề SGK năm học 2020-2021 tới các đại biểu Quốc hội Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đây là lần đầu tiên nước ta thực hiện chủ trương một chương trình giáo dục phổ thông có một số SGK cho mỗi môn học; xã hội hóa việc biên soạn SGK 1. “Thực hiện chủ trương này, ngay từ khi dự thảo chương trình được công bố, đã có nhiều nhà xuất bản triển khai biên soạn SGK. Các SGK khác nhau có cách thức thể hiện khác nhau về kênh chữ, kênh hình nhưng đều bảo đảm yêu cầu cần đạt của chương trình”. 

Để triển khai chương trình mới đối với lớp 1, Bộ trưởng GD-ĐT đã phê duyệt, cho phép sử dụng 46 SGK thuộc năm bộ SGK lớp 1 của ba nhà xuất bản. Việc có nhiều bộ SGK đã tạo thuận lợi cho giáo viên, học sinh lựa chọn và khắc phục tình trạng "độc quyền" SGK như trước đây.

Vấn đề đặt ra hiện nay là giá của bộ SGK lớp 1 mới cao hơn khoảng hai lần so với giá bộ SGK lớp 1 cũ. Các bộ SGK lớp 1 mới có giá từ 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; bộ SGK lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn.

Nguyên nhân, theo Bộ GD-ĐT, do nội dung SGK lớp 1 mới cụ thể hóa yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh theo chương trình mới đòi hỏi có ngữ liệu, nhất là các hình ảnh được sử dụng bảo đảm yêu cầu thể hiện rõ ràng, chi tiết các nội dung cần biểu đạt để giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tích cực trong dạy học. Điều đó khiến SGK lớp 1 mới có số trang nhiều hơn, khổ sách rộng hơn SGK lớp 1 cũ.

Bên cạnh đó, để thể hiện tốt hơn nội dung SGK, giúp học sinh tiếp nhận thông tin, kiến thức (nhất là đối với các hình ảnh cần màu sắc) đáp ứng yêu cầu của phương pháp dạy học tích cực, SGK lớp 1 mới được in bốn màu (trong khi SGK lớp 1 cũ chỉ in hai màu) nên đòi hỏi giấy in SGK phải tốt hơn (về độ trắng và định lượng giấy); mực in phải bảo đảm chất lượng.

Cũng theo Bộ GD-ĐT, các bộ SGK lớp 1 mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí (đối với thù lao tác giả và kinh phí tổ chức biên soạn, thực nghiệm) như SGK lớp 1 cũ. Bộ Tài chính đã thẩm định giá nhưng các cấu thành giá SGK (nguyên vật liệu, nhân công) vẫn phải bảo đảm các chi phí theo quy định và không có sự hỗ trợ nào từ ngân sách nhà nước đối với các chi phí này. “Điều này khiến giá thành SGK lớp 1 mới cao hơn so với giá thành SGK lớp 1 cũ”, Bộ GD-ĐT lý giải.

Theo quy định của Luật Giá, SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá. Tuy nhiên, xác định SGK là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hướng đến nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, Bộ GD-ĐT cho biết đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá nhằm tăng cường vai trò điều tiết của Nhà nước đối với SGK. Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu trình Quốc hội quyết định việc đưa SGK vào danh mục hàng hóa bình ổn giá (hoặc do Nhà nước định giá).

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các nhà xuất bản biên soạn SGK thực hiện các nội dung tinh giản nội dung không cần thiết để giảm số trang SGK, tiết kiệm chi phí trong các khâu xuất bản, phân phối SGK (lớp 2, lớp 6 và các lớp tiếp theo) để giảm giá thành SGK. 

Đồng thời, quán triệt nghiêm việc biên soạn SGK sử dụng được nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào SGK); Khuyến khích học sinh giữ gìn SGK, đóng góp vào các thư viện trường học để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn, sử dụng miễn phí; Tiếp tục có chính sách hỗ trợ SGK cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng dân tộc thiểu số.