Vi phạm về đất đai ngày càng phức tạp

Từ nhiều năm qua, tình trạng vi phạm đất đai trên địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội) diễn ra phức tạp nhưng chậm được xử lý. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, mà còn thể hiện việc buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo UBND xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì thông tin về địa điểm vi phạm.
Lãnh đạo UBND xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì thông tin về địa điểm vi phạm.

Vi phạm kéo dài...

Phản ánh của bạn đọc cho biết, tại xã Tam Hiệp, chính quyền địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) không đúng quy định khi xác định sai nguồn gốc sử dụng đất. Theo đó, năm 2006, UBND huyện Thanh Trì đã cấp hai giấy CNQSDĐ đối với thửa đất số 36, diện tích 140m2 của hộ ông Lưu Đình Hiền và thửa 36 (1) của hộ ông Lưu Đình Học với diện tích 100m2 thuộc tờ bản đồ số 19 tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì. Tuy nhiên, thời điểm này, UBND xã Tam Hiệp chỉ có bản đồ quy hoạch sử dụng đất, UBND huyện Thanh Trì chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch điểm dân cư nông thôn xã Tam Hiệp.

Trong khi đó, thửa đất với tổng diện tích 240 m2 của ông Điền và ông Học sử dụng trên có nguồn gốc là đất nông nghiệp do UBND xã Tam Hiệp giao cho ông Lưu Đình Đảm (bố ông Hiền) từ năm 1989. Bản đồ năm 1994 thể hiện, trước năm 1993, ông Đảm đã xây dựng nhà trên đất nông nghiệp được giao nêu trên. Kể từ đó, chính quyền địa phương không những không xử lý sai phạm xây dựng mà còn để ông Học và ông Hiền sử dụng diện tích đất nông nghiệp này tiếp tục xây dựng nhà xưởng kinh doanh và cho thuê, thu lợi bất chính trái quy định, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng nêu trên chỉ là một trong rất nhiều vi phạm quy định về quản lý đất đai trên địa bàn huyện Thanh Trì nói chung và xã Tam Hiệp nói riêng. Đáng chú ý, tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tồn tại từ nhiều năm trước nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Chỉ tính riêng trong năm 2023, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức rà soát 556 trường hợp có dấu hiệu vi phạm nhưng chỉ thiết lập hồ sơ được 85 trường hợp (trong đó xử lý được 81 trường hợp).

Tuy nhiên, nhiều trường hợp UBND huyện Thanh Trì đã ban hành quyết định xử phạt nhưng những sai phạm vẫn không được xử lý dứt điểm, điển hình như các Quyết định số 1689/QĐ-UBND ngày 19/4/2023; số 1878/QĐ-UBND ngày 25/4/2023; số 4979/QĐ-UBND ngày 10/10/2023 xử lý các vi phạm của công trình xây dựng tại ngõ 37, cuối ngõ 81 đường Thanh Liệt, công trình số 20 ngõ 40 Nghiêm Xuân Yêm (xã Thanh Liệt); nhiều công trình lấn chiếm đất đã giải phóng mặt bằng dự án mở rộng ga Ngọc Hồi; Dự án Trường trung cấp Y Dược Hà Nội (xã Tam Hiệp).

Trở lại vụ việc vi phạm của hộ ông Đảm, ông Hiền (xã Tam Hiệp), năm 2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kết luận sự việc sau khi đã tiến hành xác minh thẩm tra. Tại Kết luận, UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc UBND xã Tam Hiệp giao 240 m2 cho ông Lưu Đình Đảm là trái thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai năm 1987. Năm 2005, UBND xã Tam Hiệp tự tách thửa đất thành hai thửa 36 và 36 (1), không theo quy định về lập bản đồ địa chính. Việc đưa diện tích 240 m2 đất nông nghiệp thành quy hoạch đất nông thôn là không phù hợp với hiện trạng sử dụng đất được đo vẽ tại bản đồ địa chính năm 1994.

Do đó, việc UBND xã Tam Hiệp xác định 240 m2 của hộ ông Hiền, ông Học phù hợp quy hoạch về đất ở, đề nghị cấp giấy CNQSDĐ là không phù hợp với nguồn gốc, thực tế sử dụng đất. Mặt khác, diện tích đất đã có một phần nằm trong hành lang an toàn lưới điện 22kV, không đủ điều kiện được cấp giấy CNQSDĐ theo quy định tại khoản 2, Điều 15 Quyết định số 23/2005/QĐ-UBND ngày 18/2/2005 của UBND thành phố Hà Nội.

… nhưng chưa xử lý dứt điểm

Những sai phạm trong việc cấp giấy CNQSDĐ đối với thửa đất nêu trên đã được UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Thanh Trì xử lý thu hồi theo quy định, đồng thời xác định trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra vi phạm và có hình thức kỷ luật. Trên cơ sở đó, năm 2020, UBND huyện Thanh Trì ban hành hai quyết định thu hồi hai giấy CNQSDĐ đã cấp cho hộ ông Hiền và ông Học. Tuy nhiên, đến nay việc thu hồi giấy CNQSDĐ vẫn chưa được thực hiện. Theo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Thanh Trì, hai giấy CNQSDĐ của ông Học và ông Hiền đã đăng ký thế chấp tại ngân hàng.

Theo ông Đỗ Văn Ấu, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, mặc dù đã mời ông Hiền cùng ông Học và thông báo nhiều lần nhưng không nhận được sự phối hợp cũng như cung cấp hồ sơ liên quan đến việc sử dụng đất, nên khó khăn trong việc thiết lập hồ sơ vi phạm. Không những vậy, hiện nay diện tích đất vi phạm trên còn nằm trong quy hoạch mở rộng đường Phan Trọng Tuệ và quy hoạch cây xanh. Sai phạm trong việc sử dụng đất là rõ ràng và đã được UBND thành phố Hà Nội có văn bản yêu cầu xử lý. Thế nhưng, trong khi vụ việc vẫn chưa được xử lý thì UBND huyện Thanh Trì lại ban hành văn bản cho phép người vi phạm được giữ nguyên hiện trạng và thực hiện kê khai đất đai theo quy định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vi phạm trong việc sử dụng đất sai mục đích của ông Lưu Đình Hiền không phải lần đầu. Trước đó, năm 2017, ông Hiền đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất từ đất xen kẹt khó canh tác sang đất khác, đồng thời lập dự án với mục đích trồng nấm ăn, cây dược liệu và đã được UBND huyện Thanh Trì chấp thuận.

Thế nhưng, tại diện tích được phê duyệt thực hiện dự án, ông Lưu Đình Hiền đã xây dựng hàng trăm mét vuông nhà xưởng và cho thuê, thu lợi trái phép. Việc này đã được UBND huyện Thanh Trì ban hành các Quyết định số 9772/QĐ-UBND ngày 16/12/2020 và 9773/QĐ-UBND ngày 16/12/2020, thu hồi và hủy bỏ dự án. Tuy nhiên, UBND xã Tam Hiệp không thực thi được quyết định do công dân không phối hợp. Cho đến thời điểm này, khu nhà xưởng vẫn đang ngang nhiên hoạt động bất chấp lệnh cấm của chính quyền.

Cũng tại Kết luận của UBND thành phố Hà Nội nêu rõ trách nhiệm và yêu cầu xử lý đối với cán bộ để xảy ra sai phạm. Sau khi có Kết luận này, UBND huyện Thanh Trì tiếp tục giao cho UBND xã Tam Hiệp nghiên cứu, lập hồ sơ và Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu phương án giải quyết. Cho đến nay, sau hơn 3 năm, các cấp chính quyền thành phố Hà Nội ban hành quyết định, những sai phạm vẫn không được xử lý. Đối với hai cá nhân là cán bộ trực thuộc UBND huyện Thanh Trì mà quyết định nêu tên yêu cầu xử lý, một người đã nghỉ hưu, người khác sau một thời gian luân chuyển lại được bổ nhiệm vào vị trí công tác cao hơn.

Những vi phạm về trật tự xây dựng như vậy không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước mà còn gây ra nhiều khó khăn trong công tác thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, cần phải được xử lý dứt điểm để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.