Vì những thành phố bền vững, kiên cường

Thống kê của Liên hợp quốc cho biết, hơn một nửa dân số thế giới hiện sống tại các thành phố, nơi tập trung những khoản đầu tư lớn. Trong hành trình tìm kiếm cơ hội mới, lao động tiếp tục đổ về các đô thị, khiến nhu cầu về cơ sở hạ tầng, nhà ở, giao thông và các dịch vụ xã hội tăng theo cấp số nhân. Trước tình hình đó, Ngày Thành phố thế giới năm nay kêu gọi tăng cường hợp tác và huy động các nguồn tài chính, với mục tiêu xây dựng các thành phố bền vững, kiên cường.
0:00 / 0:00
0:00
Một khu định cư ở thủ đô Dhaka của Bangladesh. (Ảnh LIÊN HỢP QUỐC)
Một khu định cư ở thủ đô Dhaka của Bangladesh. (Ảnh LIÊN HỢP QUỐC)

Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) mới đây dự báo, đến năm 2050, khoảng 70% số dân thế giới sẽ sống ở các thành phố. Tạo ra hơn 80% GDP toàn cầu cùng mạng lưới kinh doanh mạnh mẽ, đồng thời mang lại nhiều cơ hội phát triển, các đô thị cũng phải đối mặt nhiều thách thức, gồm bất bình đẳng xã hội, tình trạng quá tải, ô nhiễm và cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng.

Liên hợp quốc ước tính, khoảng 1,1 tỷ người hiện sống trong các khu ổ chuột và các khu định cư nghèo nàn ở khu vực thành thị, làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và hạn chế cơ hội của chính người dân thành thị.

Trong bối cảnh đó, Ngày Thành phố thế giới (31/10) năm nay là dịp để xem xét vai trò then chốt của các thành phố trong tiến trình phát triển bền vững, tạo tiền đề kêu gọi hành động toàn cầu. Tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), chương trình nhân Ngày Thành phố thế giới 2023 được tổ chức, với hơn 1.000 người đăng ký tham gia trực tiếp và trực tuyến.

Các khuyến nghị và thông điệp từ sự kiện này dự kiến được mang đến phiên họp về hành động đô thị và biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tháng 12 năm nay.

Giám đốc điều hành UN-Habitat, bà Maimunah Mohd Sharif trong bài phát biểu nhấn mạnh, tiến trình hướng tới phát triển bền vững, cũng như đạt được 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) gặp nhiều trở ngại. Tuy vậy, đại diện UN-Habitat tin tưởng, trong bối cảnh "một nửa thế giới hiện nay là thành thị", các thành phố và khu định cư của con người, dù lớn hay nhỏ, đều là niềm hy vọng của chúng ta.

Bà Maimunah Mohd Sharif nhấn mạnh, thế giới cần một khuôn khổ tài chính mới để phát triển đô thị bền vững nhằm đảo ngược các xu hướng tiêu cực, cũng như cần tăng cường đầu tư vào quy hoạch tổng thể và các cam kết về nhà ở. Bằng cách thích ứng và tìm kiếm những nguồn nhân lực cần thiết, thế giới có thể nâng cấp các giải pháp để bảo đảm không có ai và không nơi nào bị bỏ lại phía sau.

Với chủ đề "Tài trợ phát triển đô thị bền vững", Ngày Thành phố thế giới năm 2023 hướng đến các giải pháp mang tính tập thể; kêu gọi các chính phủ, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và xã hội hợp tác, nhằm huy động các nguồn tài chính để xây dựng các thành phố bền vững, kiên cường.

Trong thông điệp nhân Ngày Thành phố thế giới năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thành phố như là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và đổi mới. Theo nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, các đô thị luôn tiên phong trong việc giải quyết những vấn đề cấp bách của nhân loại, trong đó có khủng hoảng khí hậu và bất bình đẳng xã hội.

Khẳng định các thành phố cần thêm nguồn lực và hỗ trợ để giải quyết các thách thức hiện hữu, ông Antonio Guterres nhấn mạnh ủng hộ các giải pháp tài chính công bằng ở cấp độ toàn cầu.

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, những giải pháp đó cùng các nguồn tài chính sáng tạo và đa dạng là cần thiết để củng cố các chiến lược tài chính "thân thiện với khí hậu", toàn diện và công bằng. Nhằm tăng cường phối hợp hành động và nâng cao vai trò của các thành phố, Nhóm tư vấn về chính quyền địa phương và khu vực mới đây cũng đã được thành lập, với nhiệm vụ tập trung triển khai các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) và bảo đảm các đô thị nhận được sự hỗ trợ cần thiết.