Cần điều tra vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn ở Phú Yên

NDO -

Thời gian qua, Văn phòng Thường trú Báo Nhân Dân tại Phú Yên liên tục nhận được phản ánh của người dân từ các xã vùng cao Sơn Định, Sơn Hội (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) về tình trạng người dân đổ xô vào chặt phá rừng phòng hộ sông Trà Bương để chiếm đất trồng keo.

Các cột mốc do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa mới cắm, khẳng định ranh giới rừng phòng hộ nhưng đã bị phá để trồng keo.
Các cột mốc do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa mới cắm, khẳng định ranh giới rừng phòng hộ nhưng đã bị phá để trồng keo.

Ngày 30/8 tại xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, trong vai người đi hái lan rừng, đi tìm mua rẫy trồng cây, chúng tôi phân công chia làm 2 mũi, theo chân người dân địa phương vào sâu trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa.

Sau buổi vượt suối băng rừng cả chục cây số, tại nhiều khu vực khác nhau, chúng tôi chứng kiến cảnh phá rừng diễn ra trên diện rộng. Diện tích rừng bị phá trong vài năm trở lại đây ước chừng là 20-30ha. Tại các khu vực rừng bị chặt hạ, đã trồng cây keo có những cột mốc do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa dựng lên để đánh dấu nơi đây là rừng phòng hộ!

Nhiều diện tích rừng phòng hộ đã bị chặt phá để trồng keo, còn lại những gốc cây, thân gỗ lớn nằm rải rác. Đặc biệt, có hơn 10ha rừng mới bị chặt phá với nhiều cánh rừng bị phát trắng, cây gỗ còn đổ ngổn ngang với nhiều cây gỗ lớn có đường kính đến 0,5-1m.

Cần điều tra vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn ở Phú Yên -0
Ông Sô Minh Thạnh, người thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, đề nghị phải làm rõ vụ phá rừng trái phép tại khu vực rừng phòng hộ nơi ông đang ngồi. 

Lúc 10 giờ sáng 30/8 sau khi đi bộ vượt nhiều đèo dốc cao, phóng viên có mặt tại khu vực được xác định là nơi khởi nguồn của con sông Trà Bương. Đó là 2 con suối: suối Sổ và suối Cheo Reo, hợp lại thành đầu nguồn con sông Trà Bương chảy về hồ thủy lợi huyện Đồng Xuân.

Tại đây, chúng tôi chứng kiến sự tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn ngoài sức tưởng tượng. Cả cánh rừng già rộng chừng 2ha từ lòng suối bên này chạy lên đỉnh một quả núi cao sang bên kia bị phát trắng. Lằn ranh giữa 2 cánh rừng nguyên sinh và rừng vừa bị chặt phá là những hàng cây cổ thụ cao hàng chục mét đang vươn cao xanh tốt.

Liền với đó là hiện trường rừng bị tàn phá để lại rất nhiều thân gỗ lớn bị đốt cháy sém dài 15-20m, nhiều gốc cây to có đường kính 0,5-1m thuộc nhiều loại nhóm gỗ quý như bằng lăng, ké, lim, giẻ… Bên cạnh những gốc cây to có tuổi đời hàng chục, hàng trăm năm là những cây keo non cao chừng 30-40cm, được trồng vội trong những ngày mưa vừa qua. Rải rác trong những khu vực rừng bị chặt phá kia vẫn còn sót lại những tấn ván to, do người thợ rừng vừa cưa xẻ lấy gỗ đem đi.

Người dẫn đường đưa chúng tôi vào rừng là ông Sô Minh Thạnh, người dân tộc Chăm H’Roi ở xã Tân Thành, xã Sơn Hội huyện Sơn Hòa, là một trong những người có uy tín trong trong đồng bào dân thiểu số của tỉnh Phú Yên. Ông cho biết, không phải chỉ năm nay, nạn chặt phá rừng phòng hộ kiểu này diễn ra rất nhiều năm rồi.

Cần điều tra vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn ở Phú Yên -0
 Rải rác trong các khu vực rừng phòng hộ bị chặt phá còn sót lại gỗ tấm ván bị cưa xẻ.

Thủ đoạn của những người phá rừng làm rẫy trồng keo rất tinh vi. Ban đầu, họ vào thẳng rừng già, chặt dọn những thân cây nhỏ, sau đó, đến gần mùa mưa là dùng cưa lốc đốn ngã cây lớn. Những cây làm được nhà, họ xẻ tại chỗ, còn lại họ đốt cháy, sau đó đến mùa mưa là đưa cây keo vào trồng. Cứ như thế, hàng chục ha rừng phòng hộ bị lấn chiếm mỗi năm.

“Đó, anh nhà báo thấy không, cây gỗ còn nằm ngổn ngang đây mà họ đã trồng keo rồi, sang năm sau, năm sau nữa là rừng phòng hộ này thành rừng keo và mất dấu luôn đây là khu rừng tự nhiên phòng hộ đầu nguồn. Tôi đề nghị tỉnh, huyện phải làm rõ ràng vụ phá rừng này trước pháp luật để bà con chúng tôi yên tâm mà góp sức giữ rừng”.

Kề một tiểu khu khác cũng trên địa bàn thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, nhiều khu vực phòng hộ khác còn bị tàn phá ghê gớm hơn. Như tại các cánh rừng dốc Cốc, suối Dĩ, hàng loạt cánh rừng cũng bị phát trắng không thương tiếc.

Có hay không sự tham gia, tiếp tay?

Theo người dân, chủ mưu của những vụ phá rừng là những người có tiền, người thân của những người có trách nhiệm liên quan đến công tác bảo vệ rừng đã thuê những người nghèo khó trong các buôn làng chặt phá, lấy đất trồng keo.  

Gần nhiều khoảnh rừng mới bị phá trong năm 2021 đã trồng keo non, là những khu rừng keo 2 đến 3 năm tuổi mọc xanh tốt, vẫn còn dấu tích gốc, thân cây tự nhiên bị đốt cháy đen nằm ngổn ngang. 

Điều hết sức lạ lùng là rừng bị tàn phá nghiêm trọng như vậy, nhưng chủ rừng là Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, không hề hay biết.

Chiều 30/8, làm việc với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa, ông Đặng Việt Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Ban khẳng định, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn những năm qua được bảo vệ rất nghiêm ngặt, chưa phát hiện vụ phá rừng nào. Lâm phần của Ban Quản lý có diện tích 14.372ha, trên địa bàn 5 xã Phước Tân, Sơn Long, Sơn Dịnh, Sơn Xuân, Sơn Hội; nhưng chủ yếu diện tích tập trung 2 xã Phước Tân và Sơn Hội hơn 90%; trong đó, có 9.860ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương.

Theo ông Dũng, thời gian gần đây, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa cắt cử thêm lực lượng tăng cường cho xã Sơn Hội. Tại xã Sơn Hội, có 1 trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban đặt tại thôn Tân Thành.

Cần điều tra vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn ở Phú Yên -0
 
Cần điều tra vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn ở Phú Yên -0
Cần điều tra vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn ở Phú Yên -0
 Một số hình ảnh do phóng viên ghi lại tại các khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Tân Thành, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, Phú Yên, bị chặt phá trong năm 2021.

“5, 6 năm nay, chưa phát hiện vụ phá rừng nào. Lấn chiếm thì có nhưng đã chuyển cơ quan chức năng xử lý rồi. Đối với rừng tự nhiên khi bị lấn vô, anh em đã xịt sơn rồi truy tìm, tới nhà nói là người ta không dám. Hiện nay, Ban đã tập trung cho xã Sơn Hội 5, 6 cán bộ. Cho nên, lưu tâm với anh em, đối với rừng tự nhiên, đặc biệt không để cho bà con vào phá vì chủ rừng thì thiếu trách nhiệm, còn dân thì đi tù. Phát rừng tầm 2.000 - 3.000m2 là phải truy cứu trách nhiệm hình sự rồi”, ông Dũng  nói.

Thế nhưng, qua phản ánh của người dân và thực tế tại hiện trường, chúng tôi được biết, nhiều khu rừng phòng hộ bị chặt phá đã được trồng keo từ năm 2020, nằm sát những rẫy keo của một số người liên quan đã và đang làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng. Gần những rừng keo này là dấu tích những cây gỗ tự nhiên vừa bị chặt, đốt.

Ông Sô Minh Thạnh đưa tay chỉ rõ cho chúng tôi những khu vực rừng keo đang đang lên xanh đã lấn rừng phòng hộ là có chủ, có tên họ, địa chỉ rõ ràng nhưng chúng tôi không tiện nêu tên.

“Tôi nghĩ, nếu nói người có trách nhiệm quản lý rừng, hoặc cán bộ xã không biết là không đúng, nhưng tại sao họ không xử lý. Dân họ ý kiến ghê lắm. Rồi nói xong cũng hết thôi chứ có được gì đâu. Nếu với đà này, vài năm nữa, khu rừng phòng hộ này coi như xóa sổ”.

Trao đổi với phóng viên về việc này, ông Sô Minh Hội, Bí thư, Trưởng thôn Tân Thành, xã Sơn Hội, bức xúc: “Thực trạng phá rừng rất nguy hiểm, làm khan hiếm nước, nhất là khu dốc Cốc, suối Trà Bương; suối Dĩ đâu còn nữa, phát hết rừng rồi. Hồi xưa, tại đây là rừng già, nhưng bị chặt phá trồng keo hết rồi”.

Rời những cánh rừng vừa “chảy máu” khi cơn mưa rừng đang kéo đến, chúng tôi ngược đường gần 10km đồi dốc, băng qua những vũng nước sình lún, cảm thấy nhói lòng và lo lắng cho sự tồn tại của những khu rừng tự nhiên còn sót lại, như đang kêu cứu.

Cũng như những người dân, chúng tôi rất mong chính quyền các cấp sớm chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc, làm rõ vụ phá rừng đầu nguồn vô cùng nghiêm trọng này.