Về xứ Nẫu Phú Yên

Người Phú Yên thường được gọi là “dân xứ Nẫu” (họ, người ta). Cô gái hướng dẫn viên xinh đẹp tên Cẩm Dân, công tác ở Bảo tàng Phú Yên nói một câu đặc sệt phương ngữ xứ Nẫu: “Nẫu dzìa (về) thì mược (mặc) nẫu” mà phải dịch đến mấy lần chúng tôi mới hiểu rõ nghĩa. Dường như âm sắc rất nặng của người dân vùng duyên hải miền trung này cũng chất chứa gió biển và cát nóng, thể hiện đậm đà khí chất dân xứ Nẫu: cần mẫn, hiền lành, mà dí dỏm, phóng khoáng,…

Gành Đá Đĩa, danh thắng nổi tiếng của xứ Nẫu Phú Yên.
Gành Đá Đĩa, danh thắng nổi tiếng của xứ Nẫu Phú Yên.

1. … Hơn 400 năm trước, 3.000 lưu dân miền Thanh - Nghệ đã theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh - được coi là vị khai quốc công thần của Phú Yên - vào đây mở cõi. Cha ông thuở nào đã gửi gắm nguyện ước về một tương lai giàu có và yên bình vào những tên làng, tên xã nơi biên viễn trời nam. Rất nhiều tên làng ở đây được bắt đầu bằng chữ Phú, chữ An. Do đặc điểm vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt, các đơn vị hành chính ở đây có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp thuộc, dưới thuộc là các đơn vị hành chính như phường, nậu. Nậu là tổ chức quản lý của nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu nậu, ví như "nậu nguồn" là nhóm người khai thác rừng, "nậu nại" chỉ nhóm người làm muối... Sau này, các đơn vị hành chính đó bị xóa bỏ, khái niệm "nậu" chỉ dùng để gọi người đứng đầu một nhóm người. Vùng Bình Định - Phú Yên không phân biệt rạch ròi cách phát âm, vậy nên “nậu” được đọc thành “nẩu” và sau này biến thành “nẫu”. Ngôn ngữ xứ Nẫu có nhiều từ rất độc đáo, đặc trưng không lẫn vào đâu được, cứ nghe đến “nẫu”, "dzẫy ngheng" (vậy nhé), "dzẫy á" (vậy đó) phát âm nặng trịch, chỉ thoảng qua cũng đủ khiến những người xứ nẫu đi xa chất chứa niềm nhớ quê.

Về xứ Nẫu Phú Yên ảnh 1

Món mắt cá ngừ đại dương tiềm thuốc bắc, một đặc sản của Phú Yên.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên Phạm Văn Bảy tủm tỉm cho biết: Để kể hết tiềm năng thắng cảnh, di tích du lịch ở “tỉnh ta” chắc phải mất cả ngày. Anh nói không sai, thiên nhiên hào phóng đã ban tặng cho miền đất này quá nhiều danh thắng mà bất kỳ người nào ưa du lịch đều khao khát muốn được đặt chân tới. Nào thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan có món sò huyết, hàu, cua huỳnh đế nổi tiếng, nào vịnh Xuân Đài với hệ sinh thái biển - rừng đẹp mê hồn, nào di tích lịch sử quốc gia vịnh Vũng Rô, gắn liền huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và những con tàu không số lừng lẫy thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nào núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) ghi dấu một thời mở cõi của vua Lê Thánh Tông,... Phú Yên còn có nhiều “hòn” (đảo) nguyên sơ, hoang dã như hòn Yến, hòn Chùa, hòn Nưa, chưa kể tới vài chục bãi tắm thơ mộng như Bãi Bàng, Bãi Bàu, Bãi Xép,… Phú Yên còn “sở hữu” một trong bốn “cực” Tổ quốc: cực Đông - Mũi Điện, nơi đón ánh bình minh sớm nhất trên đất liền Việt Nam. Đặc biệt, Phú Yên có danh thắng Gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), cách TP Tuy Hòa hơn 40 km. Đây không hổ danh là kiệt tác thiên nhiên có một không hai ở Việt Nam, với hàng nghìn khối đá hình lăng trụ đều tăm tắp, xếp liền nhau, ngay ngắn theo thế vươn mình ra biển khơi. Mảnh đất Tuy An khô cằn cho nên đá trở thành “đặc sản”. Cặp kèn đá và bộ đàn đá Tuy An có niên đại khoảng 2.500 năm độc nhất vô nhị trên thế giới (đang lưu giữ tại Bảo tàng Phú Yên) đã trở thành báu vật quốc gia. Trong sinh hoạt hằng ngày, từ thời xa xưa, người dân đã tận dụng những viên đá xếp khéo léo thành tường, thành vách những ngôi nhà, không cần bất cứ loại vôi vữa gì. Nghe nói, ở Tuy An bây giờ, chỉ một vài người già còn giữ “bí kíp” xếp đá, bởi xi-măng, gạch, ngói đã đánh bạt nhà đá thô sơ, kỹ thuật xếp đá chỉ dành làm chuồng nuôi gia súc hoặc tường bao. Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu những ngôi nhà đá được khôi phục, làm to, rộng hơn để phục vụ du khách, có lẽ chỉ bị “đụng hàng” với số ít ngôi nhà đá còn sót lại tít tận cao nguyên đá tai mèo cực bắc Hà Giang xa xôi.

2. Từ hải đăng Đại Lãnh quay xuống, tôi xắn quần men theo những tảng đá lớn xếp chồng lên nhau, lội qua bãi Môn, một bãi tắm nhỏ xinh với cát trắng pha-lê, nước xanh ngọc bích, ngẩn ngơ với câu chuyện tình yêu của đôi trai gái bên dòng suối Mơ, thề nguyền một đời nhung nhớ. Những cảnh đẹp gắn liền di tích lịch sử ở Phú Yên như núi Đá Bia, vịnh Vũng Rô, tháp Nhạn, nhà thờ Mằng Lăng,... đều là những điểm đến hấp dẫn vô cùng tận. Vẻ đẹp hoàn mỹ của tháp Nhạn soi bóng trên sông Đà Rằng, ẩn chứa một nghệ thuật xây dựng quá nhiều kỳ bí của người Chăm, với gạch nung cao hơn 20 m xếp liền khít, không hề thấy mạch vữa. Còn nhà thờ Mằng Lăng (huyện Tuy An) với kiến trúc độc đáo, hiện còn lưu giữ nhiều dấu tích của á thánh Anrê Phú Yên và cuốn sách giáo lý "Phép giảng tám ngày" bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của nước ta.

Gần đây, cái tên Phú Yên lại được nhiều người nhắc đến qua những cảnh quay mãn nhãn trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ. Gần một tuần tham quan nhiều nơi ở mảnh đất “hoa vàng - cỏ xanh” này, chúng tôi nhận thấy một điều, cái hay (và cũng là cái dở) của Phú Yên là hầu hết mọi danh thắng vẫn nguyên bản, tiềm năng phong phú nhưng đang còn ngủ yên. Chừng mười năm trước, du khách dẫu có đến Phú Yên, nghe tên Gành Đá Đĩa, nhưng rất khó vào được đến nơi bởi con đường nhỏ chênh chao gập ghềnh, bụi tung mù mịt, không hàng quán, chẳng chỗ gửi xe. Vì thế, du lịch đến xứ Nẫu gần như chỉ hợp với những tay “phượt thủ” đi bụi, ưa khám phá miền đất hoang sơ...

Bên lề hội nghị Xúc tiến du lịch tỉnh Phú Yên vừa tổ chức giữa tháng 12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến chia sẻ hết sức thật thà với các nhà báo: Phú Yên mới chỉ “yên” mà chưa “phú”, các tiềm năng chưa được khai thác đúng tầm. Mặc dù nằm trên trục giao thông xuyên quốc gia cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, song đường nào đến Phú Yên cũng khó. Phú Yên lọt thỏm giữa hai con đèo hiểm trở bậc nhất Việt Nam là Đèo Cả và đèo Cù Mông, kẹt trong thế “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Quốc lộ 1 đoạn qua Đèo Cả là nỗi ngán ngại của bất kỳ lái xe nào trên con đường thiên lý bắc - nam. Chừng một năm trước, khi đi thực tế công trình hầm đường bộ qua Đèo Cả, tôi đứng hồi lâu trên đỉnh Đá Bia mây phủ, nhìn xuống đường Đèo Cả như sợi chỉ mảnh vắt vòng vèo qua những dãy núi cheo leo. Đèo Cả thường xuyên xảy ra tai nạn, ùn tắc kéo dài, làm “tắc nghẽn” luôn cả những tiềm năng, lợi thế phát triển của Phú Yên. Vài năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước và phát huy nội lực chính mình, Phú Yên đã từng bước khơi thông “điểm nghẽn” trong đầu tư hạ tầng. Huy động các nguồn lực xây dựng tuyến đường ven biển từ TP Tuy Hòa đi Gành Đá Đĩa, đến Bãi Môn - Vũng Rô,… Các dự án đường bộ quan trọng khi được thông tuyến, không chỉ phá thế cách trở về địa lý, mà còn tạo động lực làm thay đổi bộ mặt cả vùng đất vốn nghèo khó này. Sân bay Tuy Hòa sau khi được nâng cấp, mở rộng cuối năm 2013, đã có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn như Airbus, Boeing. Ngày 16-12 vừa qua, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã chuyển giao đường bay Hà Nội - Tuy Hòa cho Hãng hàng không Jetstar Pacific (JP) khai thác bằng máy bay Airbus A320 loại 180 chỗ, thay cho máy bay ATR-72 (68 chỗ) trước đây. Bây giờ, khai thác bằng máy bay to, từ Hà Nội đi Phú Yên chỉ mất khoảng 1 giờ 50 phút, thay vì hơn 2 giờ 30 phút như trước. Ga đường sắt Tuy Hòa cũng được nâng cấp, cải tạo, tăng thêm số lượng vé và kéo dài thời gian dừng tàu tại ga.

Đêm xuống, chúng tôi kéo nhau ra đường bờ kè Bạch Đằng dọc sông Đà Rằng thưởng thức món “đèn pha đại dương” (mắt cá ngừ tiềm thuốc bắc), được trình diễn rất đẹp, hoành tráng trong hũ men sứ. Lúc trả tiền, tất cả đều giật mình thảng thốt vì giá rẻ bất ngờ. Chỉ tiếc rằng, người Phú Yên thường đi ngủ sớm, chỉ chừng 9 giờ tối, các quán hàng đã đóng cửa, tắt đèn. Với những người có thú vui ẩm thực, thì Phú Yên là thiên đường với đủ món ngon, lạ, rẻ và bổ, đậm đà hương vị xứ Nẫu. Đặc sản mà người Phú Yên thường giới thiệu cho bạn phương xa là “thịt dơ”. Mới nghe chưa rõ, khi ăn mới hiểu ra, dân xứ Nẫu nói chữ ê thành ơ, “thịt dơ” chính là thịt dê. Với bao cảnh sắc mê ly và con người hiền hậu, dễ thương đến thế, có ai không từng muốn về xứ Nẫu Phú Yên?