Về với quê hương cách mạng Vạn Phúc

NDO -

NDĐT - Trong cái rét ngọt của mùa đông miền bắc, làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội) được sưởi ấm bởi sắc đỏ tươi của những lá cờ Tổ quốc và gam mầu sặc sỡ của những súc lụa tơ mềm mại. Về đây nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946 - 19-12-2016), các phóng viên Nhân Dân Điện tử được gặp gỡ những người sắp đi hết cuộc đời kể lại câu chuyện không bao giờ quên về Bác Hồ, về làng nghề giàu truyền thống yêu nước.

Ngày 18 và 19-12-1946, tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước.
Ngày 18 và 19-12-1946, tại ngôi nhà này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng mở rộng, quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước.

Ký ức không bao giờ quên

Thật trùng hợp, đúng dịp kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến năm nay, ông Nguyễn Thực (em ruột của ông Nguyễn Văn Dương, chủ nhân ngôi nhà đã được lựa chọn để đón Bác về ở và làm việc từ ngày 3-12 đến ngày 19-12-1946) sẽ bước sang tuổi 87. Khi được mời kể lại ký ức về những ngày lịch sử 70 năm trước, tay run run cầm chiếc gậy, ông Thực thoảng chút bối rối không biết bắt đầu câu chuyện từ đâu, bởi hình ảnh của Bác cứ ùa về như một cuốn phim không lời.

Trong trí nhớ của ông, ngày đó, để tìm một địa điểm tuyệt đối bí mật và an toàn lại không cách xa trung tâm Thủ đô Hà Nội, thuận lợi về giao thông và liên lạc để Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến thì chỉ có Hà Đông (cách Hồ Gươm khoảng 11 km). Đặc biệt, nơi đây có làng Vạn Phúc được công nhận là an toàn khu của T.Ư và Xứ ủy Bắc Kỳ ngay từ những năm 1938-1945. Làng nghề dệt lụa cổ truyền này đã che chở hơn 70 cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng về hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt,... và không có cán bộ nào bị địch phát hiện. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, T.Ư Đảng và Chính phủ quyết định chọn nhà ông Dương làm nơi Bác đến ở vì gia đình ông có căn nhà gác hai tầng, thuận lợi đi lại, có thể tiến - lui khi cần thiết. Chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đến ở và làm việc tại đây được giữ bí mật tuyệt đối, ông Dương không cho ai, thậm chí là vợ, con lên gác.

Ngày Bác tới, bà Thanh (người chăm lo bữa cơm cho Bác) có nói với gia đình ông Dương, lúc trước do vội đi nên cán bộ không kịp ăn gì, giờ rất đói. Bà cũng chuyển lại lời cán bộ dặn gia đình không được làm thịt gà hoặc đi mua thịt, gia đình có gì thì đồng chí ăn nấy; nếu không, đồng chí sẽ không ăn. “Khi dọn ra, mâm cơm chỉ có bát tương với dưa và một đĩa rau muống xào còn thừa, Bác ăn hai bát rồi lên gác. Bác giản dị ngay trong thói quen ăn uống như vậy đó”, ông Thực kể.

Hôm Bác đi, ông Dương mạnh dạn hỏi: Thưa cụ, Tây nó có vũ khí hiện đại, ta thì không, như thế ta làm sao đánh thắng được? Nghe vậy Bác liền nói: Chú yên tâm, sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam mình sẽ thắng, càng đánh càng thắng, nếu không thắng nhanh thì thắng chậm, dứt khoát nó thua! Rồi Bác không quên dặn ông Dương: Nhà chú tương đối có của ăn của để, chú nhớ chú ý giúp đỡ người nghèo. Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển đi, địch bắn một quả đại bác từ pháo đài Láng, làm sập cửa sổ căn phòng Người từng làm việc tại nhà ông Dương.

Về với quê hương cách mạng Vạn Phúc ảnh 1

Ông Nguyễn Thực, em ruột của ông Nguyễn Văn Dương, chủ nhân ngôi nhà Bác về ở và làm việc tại làng Vạn Phúc.

Trong giây phút đứng dưới ba chiếc loa được bắc ở ba cổng làng lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, dân làng Vạn Phúc không giấu nổi niềm phấn khởi, nguyện quyết tâm “hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”. Đại gia đình ông Dương như vỡ òa trong niềm tự hào, vinh dự khi được biết cán bộ vừa đến ở nhà mình chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn ông Thực không ngờ rằng, 10 năm sau, ông sẽ được gặp Bác Hồ hai lần và được Người gọi vào chia quà trong đợt phục vụ Hội nghị Chiến sĩ thi đua toàn quốc tổ chức tại Phủ Chủ tịch.

Sống mãi lời hiệu triệu lắng hồn thiêng sông núi

Liên tục phục vụ quân đội suốt 47 năm, từng tham gia trận đánh Điện Biên Phủ và vào miền nam đánh giặc Mỹ 12 năm, nhưng đến tận bây giờ ông Nguyễn Ngọc Diễn mới có cơ hội tới thăm ngôi nhà nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại xóm Đoàn Kết. Khẽ chạm tay vào bộ bàn ghế nơi Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng mở rộng thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông Diễn cảm giác như hơi ấm của Bác vẫn còn đây.

“Tôi thật sự xúc động khi xem lại những hình ảnh được trưng bày trong nhà lưu niệm và cảm động vô cùng trước tấm lòng ông bà chủ nhà dành cho Bác Hồ và kháng chiến. Tôi vẫn nhớ, khi tôi còn bé, gia đình tôi rất nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Đến năm 18 tuổi, tôi được kết nạp Đảng, từ đó theo lời kêu gọi của Bác, tôi ra sức cống hiến cho cách mạng. Tiếp nối truyền thống gia đình, các con tôi cũng đang công tác trong quân đội”.

Về với quê hương cách mạng Vạn Phúc ảnh 2

Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Diễn nghe giới thiệu về nhà lưu niệm.

Theo ông Nguyễn Văn Dự, Bí thư Đảng ủy phường Vạn Phúc, trên địa bàn phường có nhiều di tích cách mạng, trong đó có di tích của 124 gia đình cơ sở cách mạng và di tích cơ sở kháng chiến. Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân phường đã phối hợp Phòng di tích danh thắng của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tiến hành trùng tu, tôn tạo để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của những di tích này. Sắp tới, phường Vạn Phúc sẽ tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao cùng các cơ quan chức năng của UBND quận Hà Đông triển khai giải phóng mặt bằng để mở rộng di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Ngôi làng giàu truyền thống yêu nước

Đối với ông Phạm Uyên, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Dệt lụa Vạn Phúc, ký ức về lần duy nhất được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời hiện lên như mới ngày hôm qua. Ông kể: “Khi đó tôi mới 13 tuổi, lúc tôi ngồi dệt trong nhà, có một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc bộ quần áo vải chồi mầu nâu gụ, đi dép cao su, vai vắt khăn mặt đi vào. Tôi đứng lên chào cụ và các chú đi cùng. Cụ cười ra hiệu cho tôi cứ làm việc tự nhiên rồi đứng cạnh chăm chú xem tôi dệt. Cụ ân cần hỏi về các hình hoa văn, về việc làm nghề, buôn bán lụa của gia đình tôi và các hộ trong làng. Nghe tôi trả lời, cụ khen tôi còn bé mà nói năng rõ ràng, rồi gật đầu và cười vui lắm. Sau đó, cụ thoăn thoắt bước đi. Đến khi người đi cạnh cụ (đồng chí Vũ Kỳ) đến bên tôi khẽ nói: “Cháu có biết ai vừa hỏi chuyện cháu không? Cụ Hồ đấy!”. Tôi chạy vội ra sân mong tìm Bác nhưng không kịp nữa. Khi bố mẹ về nghe tôi kể lại, ông bà cứ tiếc mãi”. Đó là vào tháng 4-1955, làng lụa Vạn Phúc được chọn làm nơi tổ chức buổi gặp mặt các lão thành cách mạng của toàn miền bắc nhân kỷ niệm năm đầu tiên Ngày Giải phóng Thủ đô.

Về với quê hương cách mạng Vạn Phúc ảnh 3

Ông Phạm Uyên kể lại lần gặp Bác Hồ.

Ký ức về lần được gặp Bác kính yêu ngay tại quê hương mình đã đi theo ông Uyên suốt sáu thập kỷ qua, tiếp thêm nguồn sức mạnh giúp ông vượt qua bao gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong những năm tháng ông bị giam cầm ở nhà tù Mỹ - ngụy. Bước ra từ cuộc chiến khốc liệt, trở về địa phương với cơ thể nhiễm chất độc hóa học, là thương binh 4/4, bệnh binh mất 58% sức khỏe nhưng với tình yêu nghề dệt lụa và truyền thống cách mạng của quê hương, ông Uyên không ngừng nỗ lực góp phần phát triển nghề dệt lụa, đưa làng Vạn Phúc trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn trong nước và quốc tế.

Trao cho chúng tôi bản viết tay kể lại kỷ niệm gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và tấm ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người cựu chiến binh, Phó Chủ nhiệm HTX Dệt lụa Vạn Phúc một thời muốn nhắn nhủ tới những thế hệ tương lai của đất nước: Hãy biết trân quý hòa bình, độc lập và giữ gìn, phát huy truyền thống quý báu mà cha ông đã đánh đổi bằng xương máu để để lại. Ông tin rằng, lời hiệu triệu “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” sẽ còn sống mãi cùng tháng năm.