(Tiếp theo và hết) (*)
Ngày 10-7, trên trang facebook cá nhân, Phạm Ðoan Trang tuyên bố "không còn là đại diện hay thành viên" của một tổ chức bất hợp pháp có tên gọi là "nxb tự do" vì bị công an "săn lùng, rình mò, bắt cóc". Ngay lập tức, bài viết này đã nhận được sự "đồng cảm" của nhiều nhân vật đình đám trong "làng dân chủ". Sau đó ba ngày, sự kiện liên quan Phạm Ðoan Trang lại tiếp tục được thổi phồng, đề cập trong "thư ngỏ" của 10 tổ chức xã hội dân sự quốc tế. Trong thư, các tổ chức này không chỉ bày tỏ sự "lo ngại trước các mối đe dọa" đối với một số người, trong đó có Phạm Ðoan Trang - người được họ coi là "tác giả được quốc tế công nhận"(!). Mối quan tâm, sự vào cuộc nhanh chóng của một số tổ chức quốc tế để bảo vệ một vài "nhà dân chủ" ở Việt Nam như Phạm Ðoan Trang khiến dư luận bất ngờ khi đối chiếu với thái độ ghẻ lạnh của chính những tổ chức này với mấy người từng được họ hết lời ca ngợi như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm Gấu), Nguyễn Vũ Sơn (Rapper Nah Sơn),... vốn hiện cũng đang bị đồng bọn tấn công dữ dội. Ðộng thái đó cho thấy một số tổ chức xã hội dân sự quốc tế (phần lớn có trụ sở tại Mỹ) đã bỏ ngoài tai lời cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc tôn trọng quy định pháp luật của quốc gia khác, bất chấp sự thật tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản nhằm bảo đảm chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức, cơ quan, cá nhân tham gia hai lĩnh vực này. Do đó, sự tồn tại của các tổ chức như "hội nhà báo độc lập", "nxb tự do" là vi phạm pháp luật Việt Nam. Ðáng lên án hơn, sự việc của các tổ chức, cá nhân được nêu ra trên thực tế không hề liên quan tới Chính phủ Việt Nam như những gì họ "tố cáo", mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ của chính những người này.
Thật vậy, sự vồ vập của 10 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và các tổ chức chống cộng ở nước ngoài với "nhà hoạt động" Phạm Ðoan Trang nhanh chóng phải nhận gáo nước lạnh. Vì như Phạm Ðoan Trang viết trên facebook cá nhân ngày 19-7-2020 thì "nhà hoạt động" này quyết định rời khỏi "nxb tự do" là do bê bối tài chính. Phạm Ðoan Trang tố cáo Nguyễn Phương Hoa - thủ quỹ "nxb tự do", quản lý tiền tài trợ từ nước ngoài theo lối "gia đình trị", đã biển lận mấy chục nghìn đô-la Mỹ, không trả lương cho các thành viên "nxb tự do". Ðể tránh liên lụy đến bản thân, Phạm Ðoan Trang chọn thủ đoạn rút khỏi "nxb tự do" qua một tâm thư thống thiết. Dù vậy, với số tiền được tài trợ hơn hẳn các thành viên còn lại của "nxb tự do" và đã được Nguyễn Phương Hoa xác nhận, Phạm Ðoan Trang nhanh chóng trở thành đối tượng bị "làng dân chủ" chất vấn. Dẫu khôn khéo đẩy toàn bộ trách nhiệm cho Nguyễn Phương Hoa, thì Phạm Ðoan Trang vẫn không thể giải trình được tại sao và bằng cách nào chị ta lại được ưu ái nhận số tiền tài trợ hơn người khác!?
Chuyện của Phạm Ðoan Trang không chỉ ở việc ăn chia tiền bạc không sòng phẳng vốn đã tồn tại từ lâu trong các hoạt động được chính Phạm Ðoan Trang gọi là "nghề kinh doanh dân chủ", mà vì sâu xa hơn là từ cách thức, thủ đoạn hỗ trợ tiền bạc mới của các thế lực thù địch và một số tổ chức thiếu thiện chí với Việt Nam nhằm "hà hơi", tiếp sức cho các hoạt động chống phá. Qua trường hợp của "nxb tự do", có thể thấy quá trình chuyển tiền cho các đối tượng trong nước được tiến hành theo nhiều bước tinh vi, phức tạp, và cung cấp thêm chứng cứ chứng minh các thế lực thù địch và một số tổ chức thiếu thiện chí đang hướng đồng bọn trong nước chuyển sang hình thức "đấu tranh ôn hòa" với danh nghĩa "xã hội dân sự". Theo lời Nguyễn Phương Hoa, người này lập ra "Viet Liberty" (Việt Nam Tự do) với sự bảo trợ của Tổng hội Di trú và Bộ Nội vụ Ô-xtrây-li-a để hợp pháp hóa danh tính. Vì thế "Viet Liberty" chỉ là vỏ bọc giúp các tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài (thực tế là các tổ chức chống phá Việt Nam) chuyển tiền tài trợ cho các cá nhân, hội nhóm "dân chủ" giả hiệu ở trong nước. Như Nguyễn Phương Hoa kể lại thì sau khi nhận tiền từ các tổ chức nêu trên, Nguyễn Phương Hoa sẽ sử dụng danh nghĩa "Viet Liberty" để chuyển tiền "an toàn" cho các cá nhân, hội nhóm bất hợp pháp ở trong nước, cho nên không hề gặp bất kỳ rắc rối, can thiệp nào từ phía an ninh Việt Nam. Trên trang facebook cá nhân, Hoàng Dũng - một thành viên của tổ chức gọi là "con đường Việt Nam" cũng xác nhận điều này: "Giả sử bà ấy (Phạm Ðoan Trang) chỉ cần nhận độ 100$ từ "Việt tân", Triều đại Việt hay thủ tướng Ðào Minh Quân đáng kính xem, chả gô cổ lâu rồi (…). Nếu một nhóm người có một cương lĩnh hành động, có một tham vọng cầm quyền thì dù dở đến mức nào, ông khùng bà dở hơi làm chủ tịch thì tổ chức ấy sẽ bị tiêu diệt (…). Họ thấy rằng bà này không liên quan gì về tài chính với các quỹ chuyên đi lật đổ chế độ, không liên quan gì với các đảng đối lập hải ngoại. Ðây là lý do chính yếu để bà Trang còn tự do đến hôm nay (…). Một số người ở tỉnh lẻ bị bắt không liên quan đến tổ chức nào... nhưng rất nhiều người tỉnh lẻ bị bắt vì liên quan tới Ðào tổng thống" (Ðào tổng thống tức Ðào Minh Quân - cựu quân nhân của chế độ "Việt Nam cộng hòa", hiện đang đứng đầu tổ chức khủng bố "chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời"). Như vậy theo Hoàng Dũng, các loại hội nhóm "xã hội dân sự" giả hiệu đang hoạt động ở Việt Nam như: "hội nhà báo độc lập", "nxb tự do", "công đoàn độc lập", "con đường Việt Nam",... về bản chất chính là các tổ chức chống đối chính quyền. Nhưng khi dùng chiếc bình phong "xã hội dân sự", các tổ chức này được Hoàng Dũng ví von là trở nên giá trị vì "với thế giới bên ngoài. Nếu muốn bắt một vị mà suốt ngày bị bên ngoài nó lôi ra làm ví dụ về việc thiếu tự do dân chủ, đàn áp đối lập thì rất mệt mỏi"! Khác với Phạm Chí Dũng hay Nguyễn Tường Thụy đã lần lượt sa lưới pháp luật trong thời gian qua, Phạm Ðoan Trang, Nguyễn Anh Tuấn đều được trang bị kiến thức về pháp luật. Dưới sự hỗ trợ tư pháp từ những cộng sự khác tại VOICE là Trịnh Hội và Trịnh Hữu Long, Phạm Ðoan Trang vẫn ngang nhiên tuyên truyền, phát tán các sản phẩm xuyên tạc nền móng tư tưởng, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Ðảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc chủ trương và chính sách của Nhà nước, phủ nhận thành tựu mọi mặt mà Việt Nam đã đạt được, vu cáo các cơ quan bảo vệ luật pháp, truyền bá cách thức "đấu tranh", cách thức "nuôi tù"… Trớ trêu là trong khi Phạm Ðoan Trang la lối bản thân luôn bị công an "theo dõi, bắt bớ, tra tấn, thẩm vấn, đe dọa" thì hằng ngày chị ta vẫn lang thang đây đó chụp ảnh đời sống đưa lên mạng xã hội! So sánh các hoạt động của Phạm Ðoan Trang với hoạt động của Nguyễn Thị Cẩm Thúy, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư,... sẽ thấy Phạm Ðoan Trang xảo quyệt hơn hẳn. Bản chất tương đồng nhưng Phạm Ðoan Trang không ngông cuồng lộ liễu như Nguyễn Thị Cẩm Thúy, vì không công khai đốt Quốc kỳ, không theo phe nhóm chống cộng để treo "cờ vàng"!
Lợi dụng sự quan tâm của Liên hợp quốc, của một số quốc gia và tổ chức quốc tế hoạt động dưới danh nghĩa nhân quyền, hiện nay các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam đã và đang cố gắng thích ứng với hoàn cảnh mới để tìm thủ đoạn chống phá mới bài bản hơn, thâm độc hơn, cố gắng "hợp thức hóa" những hoạt động này thông qua một số tổ chức gọi là "xã hội dân sự". Và thủ đoạn chống phá mới đó đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của một số người gọi là "nhà dân chủ" hoạt động chỉ vì lợi ích cá nhân, chủ yếu là vì tiền, vì có cơ hội được định cư tại Mỹ và một số nước phương Tây. Chỉ cần thiếu sự hỗ trợ từ " bầu sữa" của các tổ chức "mẹ", chỉ cần chia chác không đều là những người này nhanh chóng bộc lộ bản chất của họ. Không riêng Phạm Ðoan Trang, Nguyễn Phương Hoa,… rất nhiều "nhà dân chủ nổi tiếng" khác như Nguyễn Tường Thụy, Lê Dũng Vova, Nguyễn Thúy Hạnh,... cũng từng bị chính đồng bọn tố cáo ăn chia không sòng phẳng, bịa đặt và dựng sự kiện để lừa đảo cộng đồng chống cộng ở nước ngoài. Sau khi tích lũy đủ vốn liếng, được ra nước ngoài định cư, các "nhà dân chủ" giả hiệu đó nhanh chóng hiện nguyên hình. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thì lên tiếng phê phán lãnh đạo quốc gia đang cưu mang mình, rồi khoe đã sắm xe đắt tiền. Bạch Hồng Quyền thì ngoài nghiện cờ bạc, còn làm thêm nghề trồng trọt, buôn bán cần sa, nhập lậu hàng hóa về Việt Nam. Và Nah Sơn cũng vậy, từng được Ðài châu Á tự do (RFA) tung hô là "du học sinh, rapper bất đồng chính kiến", Nah Sơn rất nhanh chóng trở thành một kẻ lừa đảo khi chiếm đoạt số cổ phiếu trị giá gần 250 nghìn đô-la Mỹ của tập đoàn Workhorse. Ðáng chú ý, số tiền mua cổ phiếu này được Nah Sơn huy động từ người hâm mộ, nhiều bạn trẻ ở Việt Nam vì nhẹ dạ, vì cả tin vào "thần tượng" đã chuyển tiền cho anh ta. Vậy nhưng, chỉ bằng một lời xin lỗi đăng trên trang facebook cá nhân ngày 15-8, Nah Sơn gần như đã chối bỏ khả năng hoàn trả số tiền gần 6 tỷ đồng cho người hâm mộ và bạn bè!
"Chống cộng, quyên tiền từ thiện là hai nghề làm giàu nhanh chóng trong cộng đồng hải ngoại" - đó là nhận xét rất xác đáng của nhà điều tra độc lập Nguyễn Thanh Tú khi đề cập tổ chức khủng bố "Việt tân" và "vòi bạch tuộc" của nó. Nhận xét này hoàn toàn tương ứng với bản chất của những người vốn tự nhận hoặc được gọi là "nhà dân chủ, nhà tranh đấu" ở Việt Nam. Vì thế, việc một số "tổ chức xã hội dân sự" đang hô hào "đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam" thực chất là khước từ xây dựng cộng đồng, xã hội, trợ giúp nhà nước và người dân sở tại, đi ngược lại mục tiêu, tôn chỉ hoạt động đã đề ra, thay thế vào đó là các hoạt động chống phá chế độ, lợi dụng danh nghĩa "xã hội dân sự" cho mục đích xấu và trục lợi. Vì vậy, bên cạnh thái độ lên án, cảnh giác và phê phán hoạt động của các tổ chức như vậy ở nước ngoài, đã đến lúc chúng ta cũng cần có các biện pháp xử lý, thẳng tay nghiêm trị trên cơ sở pháp luật đối với hành vi lợi dụng "xã hội dân sự" ở trong nước để chống phá chế độ, cản trở sự phát triển, hướng con người theo các giá trị trái ngược với lợi ích dân tộc, làm tổn hại uy tín và danh dự của đất nước.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25-8-2020.