Về miền trái ngọt

Là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, Khánh Sơn có hơn 70% số dân là người dân tộc Ra Glai. Vài chục năm trước đây, núi rừng xơ xác, tan hoang, bởi tập quán du canh, du cư của người dân nơi này. Bây giờ, ở Khánh Sơn cây trái bạt ngàn. Những sầu riêng, măng cụt, mít tố nữ… thơm nức trên những nẻo đường quê.
Nông dân xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) chăm sóc cây sầu riêng.
Nông dân xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) chăm sóc cây sầu riêng.

Từ Ba Ngòi, theo Tỉnh lộ 9 chúng tôi ngược lên huyện miền núi Khánh Sơn. Sau mưa, những vạt rừng hai bên đường xanh ngắt. Lên tới đỉnh đèo, nhìn về phía Cam Ranh, mây bay trắng xóa, dưới kia là thung lũng Khánh Sơn, khói sương cũng mờ mịt, không nhìn thấy gì.

Xuống hết đèo, tới xã Ba Cụm Bắc, đã thấy dòng Tô Hạp ào ào cuộn chảy, nước còn ngầu đục bởi những trận mưa rừng dữ dội. Tô Hạp là một con sông lạ. Không giống như phần lớn những con sông trên đất Việt xuôi về đông ra biển, nó ngược chảy về phía tây. Từ Ba Cụm Nam, sông Tô Hạp quay về Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Tô Hạp, Sơn Hiệp, Sơn Bình, Sơn Lâm, Thành Sơn rồi đổ về Ninh Thuận. Nhiều người ví dòng Tô Hạp như nguồn sữa mẹ của Khánh Sơn, bởi nó chảy quanh qua tất cả các xã, thị trấn của huyện, tưới tắm cho hầu hết đất đai nơi này.

Khánh Sơn là quê hương lâu đời của người Ra Glai. Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, vùng đất này là căn cứ địa vững chắc của quân và dân ta. Trong ký ức người dân Khánh Sơn, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây vẫn quen tập quán du canh, du cư, phá rừng làm rẫy; triệt hạ dần những cánh rừng rộng lớn để đổi lấy cái ăn. Núi rừng xơ xác, tan hoang. Già trẻ, lớn bé cứ lang thang mãi trong rừng, nay đây mai đó, cho nên, đói rét, ốm đau luôn là nỗi ám ảnh thường trực.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Khánh Sơn Cao Minh Vỹ, người con của dân tộc Ra Glai tỏ ra rất tâm đắc về thành quả từ việc chuyển đổi nhận thức, tư duy trong cách làm ăn, sinh sống của người dân. Từ chỗ phát rừng làm rẫy, du canh, du cư, đồng bào Ra Glai ở Khánh Sơn đã từng bước định canh, định cư; biết trồng lúa nước rồi trồng cây ăn trái. Điều đáng quý là sản xuất nông nghiệp đã khai thác được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, măng cụt… dần thay thế các loại cây trồng cũ; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 8%/năm.

Từ thị trấn Tô Hạp, chúng tôi đi hơn chục cây số lên thôn Ha Nít, xã Sơn Lâm dự lễ tạ ơn của người Ra Glai. Đường vào thôn Ha Nít rợp mát bóng sầu riêng. Bây giờ đang là mùa thu hoạch, hương sầu riêng thơm ngát. Thi thoảng có chỗ tập kết, sầu riêng chất đống như núi. Ngồi giữa gian nhà sàn, ama (ba, bố) Thúng hân hoan đánh mã la (một loại nhạc cụ truyền thống của người Ra Glai). Sáng nay, ông được con cháu dâng lễ tạ ơn.

Người Ra Glai cho rằng, con cái trưởng thành tỏ lòng biết ơn cha mẹ, qua việc tổ chức lễ tạ ơn, khi cha mẹ đã trải qua 50 mùa rẫy. Vật chất lễ không cầu kỳ; diễn biến lễ không rườm rà. Con cái mời cha mẹ dùng các món ăn truyền thống chế biến từ lợn, gà; kèm theo đó là rượu, thuốc lá rồi tặng cha mẹ quần áo mới; cha mẹ tặng lại quà, chúc phúc cho các con... Cả nhà cùng nhau ăn uống vui vẻ; hát dân ca, đánh mã la, khảy đàn chapi... Không khí đầm ấm, và tình cảm lắm.

Nhiều người ví Khánh Sơn là Đà Lạt của Khánh Hòa. Khí trời dịu mát. Đêm ở Khánh Sơn bóng núi lờ mờ, im lìm như đang ngủ rất say sau làn sương mong manh trong đêm trăng. Gió ngàn thầm thì, hòa cùng khúc sử thi Akhàt Jucar cũ kỹ của người Ra Glai bản xứ huyền hoặc và say đắm.

Không gian ngan ngát một mùi hương không thể lẫn lộn vào đâu được của những trái sầu riêng đang chín tới. Cái mùi hương nồng nàn, mãnh liệt và đầy quyến rũ ấy nó cứ vừa níu kéo, lại vừa xô đẩy, khiến người ta như nửa muốn đến, nửa muốn đừng; tựa hồ những nỗi đăm chiêu về một khối tình đằm thắm của đôi vợ chồng son trẻ ngày nào trong sự tích trái sầu riêng, có đầy ngọt ngào mà cũng nhiều cay đắng. Nhiều người lúc đầu không chịu được mùi sầu riêng. Nhưng sau nhiều lần nếm thử, thấy thích, rồi đâm nghiền lúc nào không biết.

Anh Cao Minh Vỹ cho biết: Tìm hiểu kỹ lưỡng các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và đặc tính cây sầu riêng, cuối năm 1999, huyện mua hơn một nghìn cây sầu riêng giống chất lượng cao đặc biệt là giống Moong Thoong (Thái Lan) của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam mang về trồng thử; đồng thời xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục tiêu đưa cây sầu riêng trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện.

Bước đầu cây lên tốt, nhưng bên cạnh đó là hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Sau này cây ra trái như thế nào; giá cả, thị trường tiêu thụ ra làm sao... Nỗi ám ảnh thất bại, nợ nần từ cây cà-phê, cây hồ tiêu của mấy năm trước khiến nhiều người dân Khánh Sơn e dè. Mà e dè cũng phải. Bởi vốn liếng bỏ ra có phải nhỏ đâu. Và có thu hồi lại ngay được đâu. Những người trồng sầu riêng đầu tiên ở Khánh Sơn như anh Nguyễn Thanh Tùng, Đặng Tài Hổ... còn nhớ như in những gian khó và hồi hộp thuở ban đầu trồng sầu riêng. Thật khó khăn. Nhưng, họ đã có sự lựa chọn đúng.

Hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, sầu riêng Moong Thoong ở Khánh Sơn phát triển rất nhanh. Không chỉ trái nhiều, trái lớn mà sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng đánh giá là ngon hơn hẳn so với sầu riêng ở nhiều vùng chuyên canh trên cả nước, với đặc điểm "thịt ráo, cơm vàng, hạt lép". Một điểm đặc biệt nữa là cây sầu riêng ở Khánh Sơn ra hoa, kết trái muộn hơn những nơi khác từ ba đến bốn tháng. Đặc điểm này tạo thêm cho sầu riêng Khánh Sơn một lợi thế lớn trên thị trường trong nước, tránh được tình trạng được mùa, mất giá.

Về miền trái ngọt ảnh 1
Một gian hàng sầu riêng trong Lễ hội trái cây Khánh Sơn.

Chúng tôi cùng Bí thư Đảng ủy xã Sơn Lâm Bùi Văn Vinh đến thăm anh Võ Anh Tài, người mới vừa bán sầu riêng xong. Đi thăm vườn sầu riêng của anh Tài, tôi bảo, sầu riêng đang là cây xóa đói, giảm nghèo ở đây. Anh Tài không đồng ý, bảo rằng, không phải là cây xóa đói, giảm nghèo, sầu riêng đang là cây làm giàu của Khánh Sơn. Lúc đầu anh Tài trồng 230 cây sầu riêng. Một năm sau trồng thêm 80 cây nữa. Cứ vậy mà mở rộng. Đến nay, anh Tài đã có hơn 500 cây sầu riêng. Năm 2024 này, anh thu được hơn 30 tấn trái. Tôi đem nhân với giá 70 nghìn đồng mỗi ký, thành tiền đúng 2,1 tỷ đồng.

Đồng chí Bùi Văn Vinh cho biết, Sơn Lâm là một trong những xã trồng nhiều sầu riêng của huyện Khánh Sơn. Trước đây, người dân chủ yếu trồng bắp, mì, chuối, tiêu, cà-phê... nhưng trình độ sản xuất còn hạn chế cho nên đời sống người dân rất khó khăn. Những năm gần đây, địa phương tập trung phát triển cây sầu riêng. Sầu riêng phát triển tốt, năng suất cao; giá sầu riêng cao và ổn định vì vậy đời sống người dân được nâng cao rõ rệt. Hiện xã Sơn Lâm có hơn 800 ha sầu riêng; trong đó hơn 400 ha đã cho thu hoạch. Năm 2024 sản lượng đạt hơn 4.500 tấn, doanh thu hơn 250 tỷ đồng. Thời gian tới, địa phương tập trung vận động người dân tăng cường liên kết, phát triển sầu riêng theo hướng sạch, an toàn để xuất khẩu chính ngạch.

Bất giác, tôi nhớ câu hát: "Sầu riêng ai khéo đặt tên/Ai sầu không biết riêng em không sầu...". Quả thật, không chỉ không sầu, mà cây sầu riêng đang đem đến cho người dân Khánh Sơn một niềm vui mới trên con đường đi lên no ấm. Bây giờ, nhiều hộ đồng bào Ra Glai đã sắm được ô-tô loại sang. Trong các kỳ lễ hội trái cây của huyện, nhiều du khách vượt cả chặng đường dài hàng trăm ki-lô-mét, qua nhiều đèo dốc để đến tận vườn thưởng thức sầu riêng Khánh Sơn; tận tay xẻ những trái chín cây, tự rụng. Theo họ, ấy mới là sầu riêng ngon thượng hạng.

Anh Vỹ cho biết, đến nay, Khánh Sơn đã có gần 2.600 ha sầu riêng, sản lượng hằng năm khoảng hơn 18.000 tấn. Từ năm 2011, sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận, cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Mới đây, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức phê duyệt 51 mã vùng trồng sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong số đó, xã Ba Cụm Bắc của Khánh Sơn có được hai mã vùng trồng. Đây là điều kiện rất quan trọng để nâng tầm thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn.

Ông Đào Quang Hiển, Tổ hợp tác cây ăn quả huyện Khánh Sơn khí thế nói: "Hiện có vài công ty đặt vấn đề thu mua và xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. Họ có dự kiến ký hợp đồng dài hạn bao tiêu với nhà vườn; cam kết sẽ dán tem trên cuống sầu riêng và tất cả các thùng đựng sầu riêng họ đều in logo sầu riêng Khánh Sơn".

Ai đó trìu mến gọi Khánh Sơn là "miền trái ngọt". Trên những nẻo đường quê, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ... ngọt ngào hương đưa. Trong niềm vui được mùa, được giá, men rượu tapai của người Ra Glai càng trở nên nồng nàn hơn bao giờ hết. Tapai lâu say. Nhưng lại say rất lâu. Như chính cái tình người Ra Glai đằm thắm và chung thủy.

Rời Khánh Sơn, lên tới đỉnh đèo, tôi dừng lại. Sau lưng, Khánh Sơn đang chìm dần, chìm dần trong sương chiều bàng bạc. Núi rừng dịu mát. Không gian trong trẻo. Và, hương vị ngọt lành cây trái Khánh Sơn cứ mãi cùng ai nồng nàn, vương vấn.