Về dự luật trưng mua, trưng dụng tài sản

Chính sách trưng mua, trưng dụng tài sản

Luật quy định về nguyên tắc đối tượng, hình thức, thẩm quyền quyết định, trình tự và thủ tục thực hiện việc trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tố chức trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc trưng mua, trưng dụng tài sản; quyền và nghĩa vụ của người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng.

Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản; vốn đầu tư, thu nhập các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan tới quyền sở hữu tài sản. Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường tại thời điểm quyết định trưng mua hoặc trưng dụng. Việc thanh toán hoặc bồi thường phải bảo đảm lợi ích của chủ sở hữu tài sản và không phân biệt đối xử giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Việc trưng mua, trưng dụng tài sản phải bảo đảm công khai, minh bạch. Chỉ thực hiện việc trưng mua, trưng đụng tài sản trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Việc trưng mua, trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện theo quyết định của người có thẩm quyền và phải tuân theo thủ tục quy định.

Người có tài sản trưng mua, trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản của người có thẩm quyền. Người có tài sản hợp pháp bị trưng mua được thanh toán tiền trưng mua tài sản theo giá thị trường, người có tài sản hợp pháp bị trưng dụng được bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản. Việc quản lý, sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng phải đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.

Các trường hợp thực hiện trưng mua, trưng dụng tài sản

Khi Nhà nước ban bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp khẩn cấp do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh gây ra nhưng không thuộc phạm vi quy định trường hợp phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu; truy lùng, đuổi bắt người và phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật, người đang bị truy nã; ngăn chăn hành vi phạm tội đang xảy ra, cấp cứu người bị nạn, tìm kiếm người mất tích, ứng phó với sự cố môi trường nghiêm trọng, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tài sản thuộc đối tượng trưng mua, trưng dụng là những tài sản phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ khắc phục tình trạng khẩn cấp và trường hợp khẩn cấp; phương tiện giao thông vận tải, phương tiện thông tin liên lạc, các phương tiện kỹ thuật khác; vật tư vật liệu, công cụ, dụng cụ cần sử dụng để khắc phục tình trạng khẩn cấp và trường hợp khẩn cấp; đất và các tài sản gắn liền với đất.

Quyết định trưng mua, trưng dụng thể hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói để thực hiện nhiệm vụ được giao. Quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản có hiệu lực thi hành ngay kể từ thời điểm ban hành.

Quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trưng mua, trưng dụng

Tài sản bị trưng mua được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước, chấm dứt quyền sở hữu của người có tài sản bị trưng mua kể từ thời điểm bàn giao tài sản cho tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng mua. Việc trưng dụng tài sản không làm mất đi quyền sở hữu tài sản của người có tài sản bị trưng dụng. Người có tài sản bị trưng dụng chỉ bị tạm thời gián đoạn quyền sử dụng trong thời gian tài sản bị trưng dụng.

Trưng mua tài sản: Giá trưng mua tài sản là giá do Nhà nước quy định sát với giá phổ biến hình thành trên thị trường trong điều kiện thương mại bình thường của tài sản cùng loại hoặc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng ở thị trường địa phương tại thời điểm quyết định trưng mua tài sản.

Tài sản do cơ quan nào ra quyết định trưng mua, thì thủ trưởng cơ quan đó thành lập Hội đồng định giá để quyết định hoặc đưa ra giá trưng mua tài sản. Tiền trưng mua một lần cho người có tài sản bị trưng mua với thời hạn như sau: Đối với tài sản trưng mua khi xảy ra tình trạng khẩn cấp: Tối đa không quá 90 ngày kể từ ngày bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; Đối với tài sản trưng mua khi xảy ra trường hợp khẩn cấp: Tối đa không quá 90 ngày, kể từ ngày quyết định trưng mua tài sản có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp người có tài sản bị trưng mua có yêu cầu nhận lại tài sản, thì tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản thực hiện việc hoàn trả tài sản cho người đó tại địa điểm giao, nhận tài sản trưng mua và nhận lại số tiền mà người có tài sản bị trưng mua đã được thanh toán (nếu có). Trường hợp người có tài sản bị trưng mua không có yêu cầu nhận lại tài sản, thì tài sản đã bị trưng mua được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Trưng dụng tài sản: Thời hạn trưng dụng tài sản được xác định phù hợp với mục đích của việc trưng dụng, nhưng tối đa không quá: 30 ngày trong trường hợp trưng dụng tài sản bằng văn bản; 48 giờ trong trưng hợp trưng dụng tài sản bằng lời nói. Trường hợp đã hết thời hạn mà mục đích của việc trưng dụng tài sản chưa hoàn thành, thì người đã ra quyết định trưng dụng tài sản quyết định gia hạn thời hạn trưng dụng tài sản cho đến khi hoàn thành mục đích của việc trưng dụng tài sản, nhưng không vượt quá thời điểm kết thúc tình trạng khẩn cấp hoặc trường hợp khẩn cấp.

Khiếu nại, giải quyết khiếu nại và khởi kiện

Người có tài sản trưng mua, trưng dụng nếu có căn cứ cho rằng quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết khiếu nại hoặc giải quyết vụ án hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Trong khi chờ quyết định giải quyết hoặc kết luận xử lý khiếu nại của người có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định của cơ quan tòa án, người có tài sản bị trưng mua, trưng dụng vẫn phải chấp hành quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản của người có thẩm quyền và bàn giao tài sản theo đúng thời hạn quy định tại quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản.

Tổ chức, cá nhân có quyền tố cáo vi phạm pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Có thể bạn quan tâm