Bù Đăng được biết đến là vùng đất cuối dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi kết nối giữa Bình Phước và miền Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, đây còn là nơi tiếp giáp các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai. Huyện Bù Đăng có diện tích tự nhiên lớn nhất tỉnh Bình Phước với 1.500 km², dân số hơn 150.000 người, cùng sinh sống, lập nghiệp.
Thiên nhiên Bù Đăng vốn được tạo hóa ban tặng không chỉ mưa thuận, gió hòa mà còn có sự trù phú về mặt dự trữ sinh quyển; địa hình tiếp giáp với vùng đại ngàn Tây Nguyên và sở hữu cảnh quan với nét đẹp hùng vĩ. Một trong những cảnh vật không thể thiếu của vùng đất bazan này chính là những ngọn thác hùng vĩ, những rừng cao su vào mùa thay lá…, là những bức tranh nhiều màu sắc đẹp nao lòng.
Bù Đăng có 34 dân tộc anh em, trong đó có cộng đồng người X-tiêng, MơNông sinh sống lâu đời, trải qua nhiều thế hệ đã hình thành những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc như: cồng chiêng, thổ cẩm, ẩm thực và các lễ hội dân gian và nhất là truyền thống yêu nước gắn với địa danh sóc Bom Bo đã đi vào huyền thoại, được miêu tả qua những ca từ, nốt nhạc trong bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có hai di tích lịch sử là chùa Đức Bổn A Lan Nhã và đồi Chi khu; các danh lam thắng cảnh là thác Voi, thác Bù Xa, trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, thác Pan Toong; một di tích ghi dấu sự kiện - Căn cứ Nửa Lon... và rất nhiều cảnh đẹp nên thơ do thiên nhiên ban tặng.
Đến Bù Đăng, ta được hòa mình vào thiên nhiên với dãy núi dài miên man xen kẽ những thác nước đổ trắng xóa, bồng bềnh và thư giãn ngâm mình trong dòng nước suối mát lành, tận hưởng cảm giác thanh bình mà thiên nhiên mang lại. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức rượu cần cùng với món thịt nướng, cơm lam, rau rừng… Khi màn đêm buông xuống, những bản hòa tấu cồng, chiêng và làn điệu dân ca của người bản địa mang đậm bản sắc văn hóa của người con núi rừng Bù Đăng lại ngân lên.
Đặc sắc hơn cả là Lễ hội Kết bạn cộng đồng của người X-tiêng, MơNông và người Mạ. Lễ hội thường diễn ra vào thời gian nông nhàn, khi đồng bào nơi đây đã thu hoạch xong mùa màng. Để chuẩn bị cho phần lễ, già làng cùng trai tráng chuẩn bị các lễ vật cúng thần linh rất chu đáo. Tại khu vực bàn lễ, các lễ vật truyền thống như heo, gà, cơm lam, rượu cần được bày chung quanh cây nêu.
Phía chủ nhà và khách cử ra hai đại diện là già làng hoặc người uy tín trong cộng đồng cùng tiến hành các nghi lễ cúng tế thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đây cũng là dịp để cầu mong cho cộng đồng thôn, sóc mạnh khỏe; hóa giải mọi mâu thuẫn, đoàn kết cùng nhau chống lại thiên tai, địch họa đe dọa sự tồn vong của cộng đồng.
Ông Điểu Khang, người có uy tín trong cộng đồng ở xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng cho biết, kết bạn cộng đồng là lễ hội truyền thống của đồng bào X-tiêng. Trải qua thời gian dài, lễ hội này đã dần mai một, nhiều con em đồng bào hầu như không biết hoặc chỉ nghe nói về lễ hội.
Do đó, chính quyền địa phương đã phục dựng lễ hội tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc X-tiêng sóc Bom Bo, góp phần thiết thực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào X-tiêng. “Chúng tôi mong chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ dân làng tổ chức lễ hội trong thời gian tới để bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình”, ông Điểu Khang cho biết thêm.
Nghệ nhân dân gian Điểu S’roi ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng vui mừng nói: “Việc chính quyền địa phương phục dựng Lễ hội Kết bạn cộng đồng đã “đánh thức” các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc sống lâu đời nơi đây. Chúng tôi hy vọng từ đây sẽ lan tỏa được tinh thần gìn giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc trong đồng bào”.
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bù Đăng Vũ Đức Hoàng: “Các hoạt động phục dựng Lễ hội Kết bạn cộng đồng và các lễ hội truyền thống khác trên địa bàn huyện Bù Đăng đã góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số, qua đó tạo điều kiện cho bà con giao lưu gần gũi, đoàn kết nhau hơn. Thông qua phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Bù Đăng, chúng tôi cũng hướng đến tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng để du khách thập phương trải nghiệm”.
Hiện nay, Bù Đăng tăng cường tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch các vùng dân tộc thiểu số, nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời ưu tiên nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và vận động bà con giữ gìn những giá trị văn hóa đặc sắc để du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững.