Vào “điểm nóng” phá rừng ở Đác Nông

NDO -

NDĐT - Một ngày cuối tháng 12, chúng tôi đã có mặt tại khu vực thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông, khu vực rừng tự nhiên do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đác Hòa quản lý và chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá hết sức nặng nề. Hàng chục ha rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi bị tàn phá nặng nề, nhiều cây gỗ to cả mấy người ôm, dài hàng chục mét bị đốn ngã nằm ngổn ngang. Tại hiện trường còn sót lại một số khúc gỗ đã được lâm tặc cưa xẻ thành phách gỗ vuông nhưng chưa kịp chở đi…

Rừng tự nhiên tại thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đác Song bị tàn phá nặng nề.
Rừng tự nhiên tại thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đác Song bị tàn phá nặng nề.

Rừng bị tàn phá nặng nề

Vào “điểm nóng” phá rừng ở Đác Nông ảnh 1

Nhiều cây rừng thuộc khu vực rừng tự nhiên tại thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đác Song cao hàng chục mét vừa bị đốn ngã, lá vẫn còn tươi.

Trước khi vào khu vực phá rừng thuộc địa bàn thôn 11, xã Nam Bình, huyện Đác Song, chúng tôi được người dân địa phương dặn đi dặn lại nhiều lần là phải hết sức cẩn thận bởi đường vào hết sức khó khăn, cách trở và lâm tặc ở đây hết sức manh động. Nếu không may xảy ra chuyện gì thì khó mà ứng cứu kịp thời.

Để bảo đảm an toàn, chúng tôi đóng vai là những người đi mua đất trồng tiêu và mượn một chiếc xe máy cà tàng của người dân ở thị trấn Đức An, huyện Đác Song rồi lên đường.

Những ngày cuối tháng 12, thời tiết ở Đác Song mây mù, gió mạnh và lạnh lẽo. Con đường đất đỏ chỉ rộng khoảng 2m vừa xe công nông chạy dẫn vào thôn 11, xã Nam Bình ngoằn ngoèo, khúc khuỷu với nhiều dốc cao dựng đứng. Đi sâu hơn vào gần khu vực rừng bị tàn phá, một số đoạn đường đất đỏ vừa được gạt ủi mà theo người dân địa phương là để phục vụ việc vận chuyển gỗ trái phép ra ngoài.

Theo đồng hồ báo km trên xe máy, đoạn đường dẫn từ trung tâm thị trấn Đức An vào tới khu vực phá rừng thuộc thôn 11, xã Nam Bình dài khoảng 10 km, nhưng chúng tôi phải mất nửa giờ đồng hồ mới tới nơi. Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục ha rừng tự nhiên bị chặt phá vô tội vạ. Những cây rừng hàng trăm năm tuổi, cao hàng chục mét, đường kính rộng phải hai, ba người ôm mới hết vòng tay vừa bị đốn ngã nằm chỏng chơ, cành lá còn tươi nằm xen lẫn với những cây rừng bị đốn hạ trước đó, bị đốt cháy lẹm, đen ngòm.

Tình trạng phá rừng ở đây tàn khốc đến nỗi anh bạn đồng nghiệp đi cùng thốt lên: “Rừng bị tàn phá dữ quá! Đau lòng quá! Với tình trạng phá rừng kiểu này, chẳng bao lâu nữa, những diện tích rừng tự nhiên hàng trăm năm tuổi quý giá ở khu vực này sẽ bốc hơi hết thôi!”.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tiếp tục men theo con đường đất nhỏ tiến sâu hơn vào khu vực giáp ranh giữa thôn 11, xã Nam Bình và xã Nâm N’Jang, huyện Đác Song thì càng được chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá nặng nề.

Trên đường đi, chúng tôi vẫn thấy vài chiếc xe máy của lâm tặc dựng ở bìa rừng bèn lân la quanh khu vực này để xem có ai không nhưng không thấy một bóng người. Trong khi đó, tiếng máy cưa, tiếng búa, rìu chặt phá rừng vẫn vang vọng ra từ phía rừng sâu thẳm.

Vào “điểm nóng” phá rừng ở Đác Nông ảnh 2

Nhiều cây rừng có đường kính gần 1m vừa bị cưa hạ, trên thân cây còn ứa nhựa.

Trên đường quay trở lại khu vực rừng bị phá ban đầu, chúng tôi bắt gặp hai người đàn ông đang vác gỗ ra để dựng lán trại trong rẫy ngay bên cạnh bìa rừng. Trò chuyện với chúng tôi, một người đàn ông tự giới thiệu tên Tám, ở huyện Đác Mil vào đây mua đất trồng cà-phê, hồ tiêu từ năm 2001 và hiện nay đã làm nhà ở luôn trong rẫy này.

Theo lời ông Tám, tình trạng phá rừng tại khu vực này đã diễn ra nhiều năm nay và đã có hàng trăm ha rừng đã bị phá trắng để làm nương rẫy. Ở khu vực này hiện có hơn chục hộ gia đình làm nhà ở luôn trong rẫy, để có đất sản xuất, người dân cứ phá rừng mỗi năm một ít và đến nay gia đình nào cũng có vài ha đất trồng cà-phê, hồ tiêu…

Nói về tình trạng phá rừng hiện nay, chỉ tay về phía những cánh rừng bị tàn phá nặng nề, ông Tám cho biết: “Hơn một tháng nay, tình trạng phá rừng có chiều hướng gia tăng trở lại. Thời gian phá rừng thường diễn ra vào lúc 4 giờ sáng. Hằng đêm có cả chục chiếc xe công nông độ chế vào đây chở gỗ đi rầm rầm, tiếng động cơ gầm rú cả đêm khiến tôi không thể ngủ được. Trước đây, cán bộ kiểm lâm và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp thường xuyên đến khu vực này kiểm tra, nhưng thời gian gần đây không thấy ai đến kiểm tra nên vì thế, tình trạng phá rừng diễn ra ngày càng công khai hơn”. Cũng theo ông Tám, ở khu vực này chỉ có một con đường đất nhỏ ra vào và hàng đêm các xe công nông vào đây chở gỗ ra phía trung tâm huyện, còn chở đi đâu thì ông không biết.

Khi chúng tôi lội vào rừng chụp hình rừng bị tàn phá thì ở phía dưới con đường mòn xuất hiện một người đàn ông. Tưởng là lâm tặc kéo đến, anh bạn đồng nghiệp đi cùng nhanh tay giấu máy ảnh vào bụi cây và giả vờ hỏi thăm mua đất trồng tiêu. Khi biết người đàn ông này là một người dân ở địa phương, chúng tôi mới yên tâm chụp thêm vài tấm hình nữa rồi lặng lẽ rút khỏi khu vực đầy hiểm nguy này, bởi theo người dân địa phương lâm tặc ở đây hết sức manh động, chúng có thể chống trả quyết liệt khi bị phát hiện.

Các ngành chức năng không biết?

Ngay sau khi trở lại trung tâm huyện, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, một lãnh đạo của UBND xã Nam Bình, huyện Đác Song cho biết: Khu vực rừng bị tán phá mà chúng tôi vừa xâm nhập thuộc Tiểu khu 1130 nằm trên địa bàn thôn 11, xã Nam Bình do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp (gọi tắt là Công ty lâm nghiệp) Đác Hòa quản lý. Khu vực này nằm giáp ranh giữa hai xã Nam Bình và Nâm N’jang, huyện Đác Song. Ở đây địa bàn rộng, địa hình đồi núi phức tạp và phần lớn người dân là dân di cư tự do từ các nơi đến sinh sống nên rất khó quản lý. Vì vậy, tình trạng phá rừng ở đây diễn biến phức tạp.

Từ những gì mắt thấy, tai nghe, chúng tôi đến làm việc với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đác Song. Trao đổi với chúng tôi, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Đác Song Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Khu vực phá rừng mà chúng tôi vừa vào là do Công ty lâm nghiệp Đác Hòa quản lý. Tuy nhiên, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ cho người vào kiểm tra xem rừng bởi lâu nay không nhận được thông tin rừng bị tàn phá đến vậy. Còn về thông tin mà người dân cung cấp hằng đêm có nhiều xe công nông vào chở gỗ ra, ông Thịnh khẳng định: “Không có tình trạng này, bởi khu vực phá rừng chỉ cách trung tâm huyện chỉ khoảng 10 km, nên có liều mấy lâm tặc cũng không dám làm như vậy”.

Trong khi đó, ông Tám có nhà ở gần khu vực rừng bị phá khẳng định với chúng tôi: “Hàng đêm tiếng xe công nông vào chở gỗ rầm rầm khiến ông không ngủ được”.

Hiện nay, thời tiết ở Tây Nguyên đang trong giai đoạn mùa khô, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong những ngày nghỉ Tết dương lịch cũng như những ngày nghỉ Tết Ất Mùi 2015 sắp tới, tình trạng phá rừng sẽ có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, các đơn vị chủ rừng và ngành chức năng của tỉnh Đác Nông, huyện Đác Song cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, nhất là rừng tự nhiên tại khu vực thôn 11, xã Nam Bình. Bởi rõ ràng, rừng tự nhiên ở đây đang bị tàn phá nặng nề.