Vấn nạn tin giả và giá trị cốt lõi của báo chí

NDO -

Ngày 18-11, tại TP Nha Trang, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa phối hợp Tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Vấn nạn tin giả và giá trị cốt lõi của báo chí".

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa Đoàn Minh Long (trái) trao khoản tiền 10 triệu đồng do Hội thảo quyên góp cứu trợ đồng bào miền trung bị bão lụt.
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa Đoàn Minh Long (trái) trao khoản tiền 10 triệu đồng do Hội thảo quyên góp cứu trợ đồng bào miền trung bị bão lụt.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Bé, tin giả đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, song, những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, nhất mạng xã hội, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do vậy, nhận diện tin giả, nguyên nhân xuất hiện, tác hại của nó và đề cao vai trò của báo chí trong việc ngăn chặn tin giả để người dân có ý thức nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng hiện nay.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Khánh Hòa, ông Đoàn Minh Long cho biết, trong môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp hiện nay, tin giả lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt khiến người dân không phân biệt được thực hư, tạo không ít thách thức cho nhà báo trước “dịch bệnh” mang tính toàn cầu này. Do đó, hơn lúc nào hết, báo chí cần phải đi tiên phong trong việc định hướng và làm chủ dòng chảy thông tin trên “không gian ảo”, thực sự là người dẫn dắt và định hướng dư luận xã hội. Hội thảo nhằm nâng cao hơn nữa kỹ năng nghiệp vụ, nhận thức và vai trò báo chí, trách nhiệm xã hội và đạo đức của người làm báo trong thời kỳ kỷ nguyên số.

Hội thảo “Vấn nạn tin giả và giá trị cốt lõi của báo chí” -0
Quang cảnh Hội thảo. 

Thực tế những tin giả kiểu xuyên tạc có ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Song chúng thường xuất hiện khi có những sự kiện chính trị, xã hội quan trọng như Đại hội Đảng, bầu cử, họp Quốc hội, các chính sách, luật pháp mới ban hành; các hiện tượng "nóng", gây tranh luận trong đời sống hiện thực; những lúc như thiên tai, dịch bệnh, các vụ việc vi phạm pháp luật... Các sự kiện này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như văn bản, hình ảnh, video, clip nhưng được chỉnh sửa hoặc cắt ghép không đúng sự thật và thường được đăng tải trên các trang thông tin không chính thống, qua các nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng tin nhắn hay các công cụ tìm kiếm trên Internet.

Lượng tin giả đang có xu hướng ngày càng gia tăng, hoành hành khắp nơi, tác động lớn đến tâm lý chung của công chúng, khiến các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan báo chí lúng túng trong xử lý thông tin. Do vậy, rất cần những luồng thông tin chính xác, đặc biệt là sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan báo chí, định hướng dư luận xã hội, "nắn dòng" thông tin sai lệch, lấn át những dòng tin ô tạp trên Internet, từ đó có thể chiếm lĩnh được “không gian ảo” trên môi trường truyền thông đa dạng và phức tạp hiện nay.

Trước những vấn đề về sự chính xác của thông tin đang đặt ra cấp bách hiện nay, các cơ quan báo chí cần vào cuộc kịp thời. Chủ đề Hội thảo vừa có tính thời sự, vừa có giá trị nhất định về lý luận và thực tiễn - là diễn đàn trao đổi về nghiệp vụ của các nhà quản lý, cơ quan báo chí và nhà báo, hội viên ở khu vực Nam Trung Bộ.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và làm rõ một số nội dung về tác động của mạng xã hội đến báo chí và hoạt động tác nghiệp của nhà báo; ứng xử của báo chí, truyền thông trước những thông tin trên mạng xã hội hiện nay, cách thức thu thập thông tin, xử lý nguồn tin, truyền tải thông tin qua mạng xã hội của nhà báo, hội viên; một số trường hợp vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp, lạm dụng mạng xã hội, đăng tải nhiều thông tin chưa được kiểm chứng…; vấn nạn tin giả và cách thức "nắn dòng" thông tin sai lệch, vai trò của báo chí, truyền thông trong định hướng dư luận xã hội; những “cái bẫy” thông tin trên mạng xã hội mà nhà báo cần phải tránh và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối công tác quản lý mạng xã hội hiện nay...