Với người đọc sách thì “Văn minh Trà Việt” là một cuốn sách khá nặng về trọng lượng và “nặng” cả về hàm lượng tri thức. Một thức uống, món giải khát hết sức quen thuộc, hiện diện ở khắp các ngõ ngách từ thành phố đến nông thôn, từ miền núi đến biển đảo, được nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng đưa vào “mổ xẻ” từ lịch sử, qua các thời kỳ, cho đến cách thưởng trà của từng dân tộc, các loại trà, các loại trà cụ qua các thời kỳ lịch sử, trà dân gian, trà cung đình, các loại nước pha trà, nghề trà, kinh doanh trà, lễ hội trà…
Sách ra mắt lần đầu năm 2012, đây là lần tái bản đầu tiên sau 12 năm, với nhiều nội dung được bổ sung sau 10 năm sưu tầm, tích lũy thêm tư liệu của tác giả. Sách do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành.
“Văn minh Trà Việt” gồm 4 phần: “Minh triết cội nguồn Trà Việt”, “Nghệ thuật thưởng thức Trà Việt”, “Hành trình trà cụ Việt Nam” và “Nghiệp chè Việt”.
Chân dung Trà Việt hiện ra từ văn hóa trà Bách Việt, trải qua hành trình văn hóa uống trà trải dọc bề dày suốt hơn 5.000 năm của người Việt.
Lịch sử trà được tác giả dựng nên từ những cứ liệu quý giá, chắt lọc, truy xét kỹ lưỡng, khai thác qua nhiều nguồn thông tin: dữ liệu lịch sử, tư liệu khảo cổ, tác phẩm văn học, các truyền thuyết, phả lục và trên hết từ những nhân chứng, vật chứng sống còn đang hiển hiện quanh ta.
Những minh chứng về một nền văn hóa trà có từ rất sớm tại Việt Nam được tác giả đưa vào, như “Người Bách Việt miền nam có lối sống, tiếng nói, phong tục, tập quán, ăn uống riêng… Dân Bách Việt chuyên làm ruộng lúa mà ăn, không như chúng ta trồng kê và lúa mì. Họ uống nước nấu bằng thứ lá cây lấy trong rừng gọi là trà” – Khổng Tử.
Lịch sử, cội nguồn trà Việt được phân tích từ góc độ cương thổ, địa lý, từ các truyền thuyết, tư liệu lịch sử, di chỉ khảo cổ, thư tịch, các tập tục và diễn xướng dân gian về trà… Nền văn hóa trà hình thành với những tinh hoa được bảo tồn và theo chân người Việt đi khắp nơi, hình thành nên những vùng trà, những trung tâm văn hóa trà…
Không gian thưởng trà dành cho độc giả. |
Cùng với lịch sử là nghệ thuật thưởng trà độc đáo Việt với sự song hành của hai phong thái: uống trà dân gian giải khát và nghệ thuật thưởng trà bác học - cung đình kiêu sa và tinh tế. Trà dân gian, hay còn gọi là chè, đi từ thứ đồ uống nguyên thủy nhất là chè tươi, cho đến các loại chè của từng vùng, từng địa phương, như chè nụ, chè vối, chè vằng…, và đến nay là “trà chanh chém gió”…
Còn nghệ thuật trà cung đình thì được “bóc tách” từ phong cách trà, nghệ thuật thưởng trà, cho đến các thú chơi thưởng ngoạn trà cung đình…
Để tôn vinh nghệ thuật và văn hóa trà Việt không gì khác hơn chính là nền trà cụ Việt độc đáo với hình thái đa dạng: trà cụ dân gian bản địa, trà cụ cung đình. Nếu như trà cụ dân gian không chỉ gắn liền với hơi thở làng quê mà ăn sâu bén rễ vào tất cả mọi tầng lớp: từ cộng đồng cư dân nghèo khó đến tầng lớp trên giàu sang quyền quý, thậm chí cả ở giới tinh hoa thì trà cung đình lại mang hơi hướng khác biệt hẳn. Loại trà cụ cung đình chẳng những thể hiện sự tinh tế, độc đáo, chuyên biệt hóa cao, mà còn luôn ẩn chứa nét sáng tạo, sang trọng, kiêu sa của giới quý tộc Việt.
Lịch sử trà Việt cũng gắn với bề dày về nghề khai thác, canh tác trà trải hơn 5.000 năm của tộc Việt, vượt qua bao bão tố của lịch sử, được tái hiện thông qua những vùng trà huyền thoại, những đặc sản trà tinh khiết, cao sang chinh phục lòng người, khắc dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế, từng bước đưa trà trở thành một mặt hàng xuất khẩu thế mạnh, còn gọi là “mỏ vàng xanh”.
Đông đảo các nhà nghiên cứu, nghệ nhân trà, bạn đọc nhiều lứa tuổi đã đến dự giao lưu và trò chuyện về trà Việt. |
Tại buổi giao lưu ra mắt sách nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, tác giả Trịnh Quang Dũng chia sẻ, những tư liệu về trà trong lịch sử rất hiếm. “Tôi đã tìm kiếm tư liệu về trà và nhận thấy rằng, trong suốt 10 thế kỷ, toàn bộ những gì viết về trà đều là thơ, chỉ duy nhất có 3 bài ký của cụ Phạm Đình Hổ là văn xuôi”.
Tác giả Trịnh Quang Dũng cũng đề cập đến những câu chuyện thú vị, như tại sao các cụ lại gọi là trà tàu, trà dân gian như thế nào, trà cung đình như thế nào, chuyện cụ Phạm Đình Hổ gọi trà Việt là Nam trà, trà Trung Hoa là Bắc trà, còn nhà vua Minh Mạng gọi món đồ uống phổ biến của Pháp là Dương trà, chính là cà-phê.
Những tên gọi của trà theo từng vùng miền cũng gợi những câu chuyện thú vị, từ trà mạn, trà đá cho đến chè tươi…
Chia sẻ những câu chuyện về trà, nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng, việc giữ gìn văn hóa trà Việt không chỉ giữ một thứ để uống, mà chính là giữ gìn hồn cốt của dân tộc. Văn minh văn hóa trà trải dài từ tầng lớp cung đình, thượng lưu quý tộc cho đến tầng lớp bình dân, dân dã đều tạo ra văn hóa của riêng mình để trà “sống” trong đời sống.
Gói gọn “lịch sử trà” trong “Văn minh Trà Việt”, tác giả Trịnh Quang Dũng không chỉ khiến bạn đọc ngạc nhiên vì sự công phu, đồ sộ trong sưu tầm, tìm kiếm tư liệu, mà còn vì tình yêu ông dành cho ẩm thực Việt Nam, qua rất nhiều công trình, cuốn sách và sức viết của ông, mặc dù đã ở độ tuổi 72.