Đến một nơi để gần thêm trà Việt

Theo những bậc thang cũ kỹ lên gác ba một khu tập thể cũ trên phố Tôn Đản, Hà Nội, bạn sẽ thấy một không gian rất khác. Nhưng thứ tôi muốn nói đến hơn là thức uống mà “ông chủ” kiên định với nó tính bằng đơn vị thập kỷ, ấy là… trà.
0:00 / 0:00
0:00
Đến một nơi để gần thêm trà Việt

Sự thoải mái: Đỉnh cao trà Việt

Quán đồ uống 100% là trà mà 100% là trà Việt như thế thì có lẽ là rất hiếm để có thể tồn tại một thập kỷ, nếu không phải là trà đá vỉa hè. Trước đây, từng có thời nhiều quán trà rộ lên nhưng “tuổi thọ” không kéo dài và theo anh Nguyễn Việt Bắc, chủ quán, thì đa phần nó mang hình dáng trà thất Trung Quốc. Anh Bắc, một người 8X, nhưng được coi như một chuyên gia trà.

Chỗ ngồi không nhiều, một góc đủ để tách biệt nhưng hướng nhìn ra phố và những mái nhà cổ kính Hà Nội. Quán bán trà theo ấm, tùy thuộc loại trà hay “tay pha” mà có mức giá khác nhau.

Trà của người Việt, đỉnh cao chính là sự thoải mái, ít quy tắc, mang tính kết nối cao, thứ mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn. Trà Việt ở trong mỗi gia đình, mỗi gốc đa có những quán trà xanh, mỗi vỉa hè Hà Nội có trà đá. Anh Bắc bộc bạch, tôi cực kỳ mê trà đá. Nó là thứ phổ thông, không cầu kỳ, không phải là thức uống mà ai cần phải “với tay” mới chạm được.

Những năm gần đây trong giới trẻ và dân công sở, trà Việt đã có nhiều màu sắc hơn khi người ta mê trà, yêu trà và hứng thú với trà như thể một đồ uống có lợi cho sức khỏe và thức uống… bình yên. Người ta hào hứng tìm hiểu các loại trà bằng sự say mê và thưởng thức nó, coi nó như một đời sống tinh thần không thể thiếu. Ngoài những ấm trà đặc chát sau những bữa cơm hoặc khi nhàn rỗi thì ngày nay người ta có xu hướng uống các loại trà đa dạng, tinh tế, nhẹ nhàng hơn. Anh Bắc lý giải: “Ngày xưa người ta uống trà đặc vì uống cho cả ngày đi làm đồng, vì cuộc sống cũng đơn giản nên cần một vị đậm đà. Nhưng ngày nay cuộc sống nhiều mệt mỏi, người ta lại thấy cần hơn sự dịu dàng, nhẹ nhàng. Hơn nữa, với thói quen ngồi uống trà cả buổi chiều thì uống trà đặc chịu sao thấu”. Tuy nhiên, theo anh Bắc với những người uống trà từ nhỏ thì vẫn có xu hướng thích vị đậm đà hơn, dù có nhiều sản phẩm cố gắng lược vị chát của trà đi.

Pha trà 7 điểm thì dễ…

Chị Linh, vợ anh Bắc dù vốn ban đầu coi trà là một thức uống cũ kỹ, nhưng vì yêu chồng mà tình yêu trà từ anh cũng truyền sang chị. Tuy nhiên, dù thâm niên thực hành pha trà tám năm nhưng chị vẫn chưa dám khẳng định mình biết pha trà. “Chồng mình vẫn nói rằng pha trà nếu nhìn đơn giản chỉ là đổ nước sôi vào trà, pha ấm trà điểm 7 thì dễ, nhưng ấm trà 10 điểm vô cùng khó. Mình đã mất tám năm để biết pha một ấm trà Bạch Hạc ngon”, chị Linh nói.

Anh Bắc cho rằng, mình dưới góc độ một người mê trà, làm trà và đau đáu vì trà, anh hiểu rõ “cái khó” là trà Việt dù ăn sâu vào trong đời sống nhưng lại thiếu một hình hài cụ thể của một quán trà hồn Việt nên anh vừa đi vừa phải dò đường và mọi thứ quá chông gai. Trước đây nghĩ đến quán trà là nghĩ đến làng quê tranh tre nứa lá hoặc quán trà là phải u buồn tăm tối nhưng… theo anh, nó không nhất thiết phải buồn. Quán trà có thể buồn, có thể vui, nhưng nó có thể cũng phải sôi động lên. Bởi chính ý nghĩ này làm cản trở một thức uống tuyệt vời tiếp cận giới trẻ và ám ảnh các bạn trẻ bằng ý nghĩ trà là thức uống của người lớn tuổi, là u buồn hay hướng nội. Gần đây, khách trẻ tới quán trà của anh Bắc nhiều hơn vì anh “mặc” cho quán mình một “chiếc áo” vui tươi hơn và nhiều bạn trẻ tới đây đã thay đổi ý nghĩ về trà. Các bạn trẻ nói rằng đây là một thức uống ngon và hay ho hơn những gì đã từng nghĩ về nó.

Hai chục năm làm trà và một thập kỷ mở quán kiên định với trà, anh Bắc thú nhận mình cũng đã có lúc bỏ cuộc, nhưng cuối cùng thì anh vẫn lạc quan: “Dù không ai bàn tán đến thì trà vẫn mãi sống trong đời sống Việt. Những quán trà Việt sẽ có hình hài và trà sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, tôi luôn tin là thế”.

Anh Bắc kể về những “tour” nghiên cứu trà mình đã bao nhiêu năm theo đuổi, những lần leo núi tự tay hái búp chè trên núi cao, pha trà bằng những vật dụng thiếu thốn tạm bợ nhưng cảm nhận về trà của anh vẫn không có gì thay đổi. “Làm trà là học cách cư xử với từng búp trà nhỏ bé một cách cẩn trọng bằng những công việc vụn vặt, những thao tác tỉ mỉ và thuần thục. Làm trà không phải là tạo cho mình lớp vỏ bọc “đạo mạo, ảo diệu, mộng mị”. Chúng tôi học cách trở thành người làm nghề tử tế thông qua việc làm trà!”, anh nói.