Vẫn khó khăn trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) và những tồn tại, phát sinh liên quan chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề nan giải của nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Dù đã có nhiều giải pháp được thực hiện nhưng bài toán thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội thu gom rác thải ở quận Đống Đa. (Ảnh PHẠM HÙNG)
Công nhân Công ty Môi trường đô thị Hà Nội thu gom rác thải ở quận Đống Đa. (Ảnh PHẠM HÙNG)

Trên nhiều tuyến phố Hà Nội, tình trạng vứt rác bừa bãi ra đường hoặc nơi công cộng diễn ra khá phổ biến. Không khó để bắt gặp những đống rác lớn, nhỏ ngổn ngang từ các tuyến phố lớn đến những công viên, khu vui chơi, thậm chí cả những ngõ hẻm… Trên một số sông, hồ…, rác thải trôi lềnh bềnh sau những cơn mưa lớn.

Theo Giám đốc Chi nhánh Đống Đa, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Anh, thời gian qua, lợi dụng việc sông Tô Lịch đang triển khai xây dựng hệ thống giếng thuộc dự án nước thải Yên Xá, tranh thủ sự vắng mặt của các lực lượng chức năng, một số đối tượng đã có hành vi đổ trộm, tập kết rác thải cồng kềnh, rác thải xây dựng… tại khu vực dọc sông Tô Lịch, gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông…

Trước đó, vỉa hè phố Ngô Quyền, phường Quang Trung (quận Hà Đông) cũng bị “biến” thành nơi tập kết rác thải sai quy định, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Tại đây, rác thải đủ loại, từ rác thải sinh hoạt, rác thải cồng kềnh đến rác thải công trình xây dựng..., tất cả đều được tập kết ngay dưới lòng đường. Điều đáng nói, rác thải tồn đọng từ ngày này sang ngày khác, dù có được thu gom nhưng người dân thường xuyên tự ý đem rác thải xả thẳng ra lề đường khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng.

Theo thống kê, hiện nay, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh khoảng 6.500 tấn RTSH. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Theo các chuyên gia, với đà này, mỗi năm, số rác thải của Hà Nội tăng thêm khoảng 5%, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác thì dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ngoài các khu xử lý rác nhỏ lẻ thì Hà Nội hiện chỉ có 3 khu vực xử lý rác chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm).

Phương thức xử lý rác thải ở các khu xử lý trên hiện chủ yếu vẫn là chôn lấp, lạc hậu, chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý, như: Công nghệ đốt rác, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng... Chính vì thế mà qua thời gian, diện tích dùng để chôn lấp bị thu hẹp, hạ tầng quá tải dẫn đến phát sinh các sự cố. Những lần như vậy, việc thu gom, xử lý rác bị gián đoạn, gây tồn đọng rác ngoài môi trường nhiều ngày.

Thực trạng nêu trên khiến kế hoạch vận hành của khu xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội không ổn định. Từ đây, nguy cơ xảy ra sự cố chất thải trong quá trình vận hành luôn rình rập, ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận, xử lý. Gần nhất là cuối năm 2021, đã có hai lần rác thải ở Hà Nội bị ùn ứ do quá tải và sự cố tại các bãi chôn lấp.

Nhìn lại những lần phát sinh sự cố về rác thải có thể nhận thấy, dù các cơ quan chức năng của Hà Nội đã có nhiều biện pháp “nóng” để tháo gỡ, như: Phân luồng rác thải về các khu xử lý khác; có các biện pháp thu gom nhỏ lẻ và xử lý tạm thời như rắc vôi bột, quây khu, ép, bọc kín rác trong khi chờ xe đến vận chuyển...

Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi lần như vậy lượng rác thải tồn đọng rất lớn, nhiều khu vực trong khu dân cư, thậm chí là ngay lòng đường phố trở thành nơi chứa rác bất đắc dĩ. Sinh sống tại khu đường Láng (Đống Đa), chị Nguyễn Thu Hương chia sẻ: “Mỗi lần rác thải ùn ứ đều gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân trong ngõ. Ngay trước cửa nhà tôi thường xuyên có những túi rác của người dân đặt ở đấy chờ xe tới thu gom, gây mất vệ sinh và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.

Do đó, người dân rất lo lắng mỗi khi thấy rác thải tập kết ùn ứ, chưa được chuyển đi kịp thời”. Như vậy có thể thấy, khi không lên trước được các kịch bản, phương án cho tình huống xấu nhất là các khu xử lý rác thải ngừng tiếp nhận do gặp sự cố, các khu dân cư sẽ luôn trong tình thế lúng túng và bị động trong việc xử lý rác thải.

Trước những vấn đề bất cập về thu gom RTSH đô thị, đã có rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, cùng các ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường trong việc xây dựng các mô hình, chương trình, dự án phân loại rác tại nguồn mang lại hiệu quả thiết thực như: Giảm lượng rác thải chôn lấp; tăng lượng rác thải tái chế; tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đây là hướng đi tất yếu trong nền kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên thực tế, việc phân loại rác tại nguồn còn nhỏ lẻ manh mún, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất, cho nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Liên quan vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) Phạm Văn Đức cho biết, hiện nay công tác xử lý thu gom RTSH đang gặp nhiều vấn đề: Chưa có quy hoạch hạ tầng, bố trí quỹ đất, chưa đồng bộ được hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác thu gom, vận chuyển rác. Đơn giá áp dụng theo Quyết định 453/QĐ-UBND cho công tác thu gom, vận chuyển còn nhiều bất cập như cấp bậc thợ và hệ số bảo đảm thu nhập cho người lao động đều bị giảm, cùng với đó là biến động về giá nhiên liệu, thời gian khấu hao…

Một vấn đề nữa là kinh phí bố trí cho hoạt động môi trường còn khó khăn; chưa có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường để thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ đổi mới công nghệ trong công tác thu gom chuyển đổi rác. Ngoài ra, việc bố trí quỹ đất cho các dự án đầu tư, xây dựng và vận hành các công trình bảo vệ đã được quy định tại Khoản 6, Điều 78, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa sát với thực tế thu gom và xử lý rác nội đô…

Mặt khác, đối với việc phân loại rác tại nguồn thành phố cũng chưa có kế hoạch thực hiện, chưa có hướng dẫn cho thực hiện phân loại rác tại nguồn… Do vậy, các hộ dân, hộ kinh doanh xả rác bừa bãi, thải bỏ không đúng cách và bỏ rác nhiều lần vào tất cả các giờ trong ngày theo thói quen sinh hoạt. Việc vi phạm về vứt rác thải bừa bãi có quy định, nhưng không được nhắc nhở, xử phạt nghiêm.

Theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, để giải bài toán thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thì vấn đề xử lý chất thải rắn và việc phân loại rác thải tại nguồn là vấn đề cấp bách hiện nay.

Đối với các đô thị lớn như Hà Nội, cần triển khai một cách đồng bộ nhiều giải pháp như: Phải có quy định rõ ràng về việc phân loại rác thải; đầu tư một hệ thống hạ tầng đầy đủ để phân loại được rác ở nơi công cộng cũng như tại hộ gia đình, đồng thời có các loại phương tiện để vận chuyển những loại rác khác nhau.

Bên cạnh đó, việc tính phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với đối tượng xả thải phải phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, phù hợp với luật giá theo hướng tính đúng, tính đủ, nguyên tắc người phát thải phải chi trả từ khi phát thải đến khâu xử lý cuối cùng, đưa việc bảo đảm vệ sinh môi trường, xử phạt vào tiêu chí thi đua hằng năm của các tổ dân phố, phường, xã, quận, huyện; tăng cường tuyên truyền, đẩy mạnh việc xử phạt; đa dạng hóa thiết bị giám sát hình ảnh, thông tin tiếp nhận hình ảnh vi phạm...