Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm, nhưng hậu quả của chất độc hóa học/dioxin gây ra còn lâu dài. Thời gian qua, mặc dù được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách của Đảng và Nhà nước, nhưng đời sống của nạn nhân chất độc da cam, gia đình nạn nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần.
Tại các địa phương, nạn nhân chất độc da cam vẫn là những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, cần sự sẻ chia, đóng góp từ cộng đồng, để họ có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh, cải thiện cuộc sống, giúp họ có thêm nghị lực vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích đối với gia đình và xã hội.
Cùng với các chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với nạn nhân chất độc da cam, những năm qua, vận động nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Khanh cho biết: Trong quá trình hoạt động, Trung ương Hội và các cấp hội luôn tích cực đổi mới công tác vận động nguồn lực, tạo hiệu ứng xã hội từ nhiều chương trình, dự án hỗ trợ; kết hợp giữa tuyên truyền và vận động, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiếp cận ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam một cách thuận lợi nhất. Đặc biệt, chương trình nhắn tin từ thiện "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" được Trung ương Hội và Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 phối hợp phát động từ năm 2011 đến nay đã trở thành một hoạt động ý nghĩa, một cách làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp năng lực tài chính của đông đảo tầng lớp nhân dân, các thành phần xã hội, thật sự đã kết nối những tấm lòng nhân ái, đồng hành, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trên cả nước.
Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp vào Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam gần 30 tỷ đồng qua hình thức tin nhắn. Kết quả nhắn tin từ thiện năm sau luôn cao hơn năm trước, như: năm 2020 đạt hơn 1 tỷ đồng, năm 2021 đạt hơn 2 tỷ đồng, năm 2022 đạt hơn 3 tỷ đồng. Thông qua hoạt động nhắn tin từ thiện, công tác tuyên truyền về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học được đẩy mạnh...
Nhờ vậy, nhiều nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở; được tặng quà, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm; hỗ trợ vốn, sinh kế vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Năm 2023, toàn Hội phấn đấu chương trình nhắn tin từ thiện đạt 3 tỷ đồng trở lên để có thể xây mới và sửa chữa 800 căn nhà; hỗ trợ sinh kế cho hơn 1.500 gia đình; hỗ trợ 16.000 suất học bổng; khám, chữa bệnh cho từ 18.000 đến 20.000 nạn nhân chất độc da cam...
Bên cạnh đó, nhiều dự án hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân cũng được Trung ương Hội và các cấp hội triển khai đã và đang mang lại kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống, sức khỏe cho nạn nhân chất độc da cam, như: Dự án của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) "Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học; Dự án hỗ trợ xe lăn, xe lắc của Tổ chức viện trợ y tế và kỹ thuật cho Việt Nam-Lào-Campuchia của Anh mỗi năm hỗ trợ gần 1.000 xe lăn, xe lắc cho các nạn nhân; các dự án của Hàn quốc, dự án dạy nghề... đã hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ có điều kiện khắc phục khó khăn, cải thiện đời sống.
Ngày 1/8 vừa qua, Trung ương Hội đã tổ chức phát động "Tháng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam" từ ngày 1 đến 31/8/2023. Tại lễ phát động, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chia sẻ: Tháng Hành động cũng là dịp để chúng ta nhìn lại hậu quả nặng nề của chiến tranh, động viên, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, những người đang hằng ngày, hằng giờ phải chịu đựng đau đớn về thể xác, tinh thần, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Thông qua Chương trình này, Trung ương Hội cũng mong muốn các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh phong trào "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam", quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần, để nạn nhân chất độc da cam vơi bớt nỗi đau, từng bước ổn định cuộc sống. Trung ương Hội cũng kiên trì theo đuổi cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, tiếp tục được tiến hành kiên trì, theo đúng chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.