Theo nhóm các nhà khoa học tham gia công trình nghiên cứu được công bố trên Lancet ngày 12-10, trong đó có một số nhà nghiên cứu của Đại học Nevada, nam thanh niên 25 tuổi (sống tại hạt Washoe, bang Nevada) đã trải qua hai lần mắc Covid-19. Lần đầu tiên vào ngày 18-4-2020, lần thứ hai vào ngày 5-6-2020. Triệu chứng của lần phát bệnh thứ hai xuất hiện vào cuối tháng 5, tức là khoảng một tháng sau khi người bệnh có các triệu chứng ban đầu của bệnh.
Cũng theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, các triệu chứng của lần tái nhiễm nặng hơn lần đầu mắc bệnh. Người bệnh cần sử dụng liệu pháp oxy và nhập viện sau khi cảm thấy khó thở.
Các nhà khoa học nghiên cứu trường hợp tái nhiễm tại Nevada lưu ý rằng, họ không thể đánh giá phản ứng miễn dịch của ca bệnh này trong lần lây nhiễm đầu tiên. Sau khi mắc Covid-19 lần hai, người bệnh đã có kháng thể.
Đây là ca tái nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại Mỹ. Trước đó, một số ca tái nhiễm tương tự cũng được ghi nhận tại Hồng Công (Trung Quốc), Hà Lan, Bỉ và Ecuador. Các ca bệnh này cho thấy, người bệnh đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh trở lại.
Ca tái nhiễm tại Mỹ là một bằng chứng nữa cho thấy khả năng miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 có thể xuất hiện ở một số trường hợp và chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định, giống như các chủng virus corona gây cảm lạnh thông thường.
Ông Mark Pandori, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu và cũng là Giám đốc Phòng thí nghiệm sức khỏe cộng đồng bang Nevada thừa nhận, có khả năng người bệnh Covid-19 tái nhiễm virus SARS-CoV-2 và mức độ nghiêm trọng của lần mắc thứ hai có thể sẽ tương đương hoặc nhiều hơn lần một.
Sau khi biết tin về ca tái nhiễm tại Nevada, Giáo sư Otto Yang của Trường Y khoa Geffen thuộc Đại học California, TP Los Angeles cho rằng, thông tin này chắc chắn sẽ làm dấy lên nhiều quan ngại về việc các ca bệnh sẽ không dẫn đến miễn dịch cộng đồng.
WHO phản đối quan điểm để Covid-19 lây lan tạo miễn dịch cộng đồng
Liên quan đến miễn dịch cộng đồng, trong cuộc họp báo ngày 12-10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, gần đây có một số cuộc thảo luận về việc có được “miễn dịch cộng đồng” bằng cách để virus SARS-CoV-2 lây lan.
Tuy nhiên, ông Ghebreyesus khẳng định: “Miễn dịch cộng đồng là một khái niệm được dùng trong tiêm chủng, khi một bộ phận người dân có thể được bảo vệ trước một chủng virus nào đó nếu đạt được ngưỡng tiêm phòng”. Ông đưa ra thí dụ, miễn dịch cộng đồng đối với bệnh sởi yêu cầu khoảng 95% dân số được tiêm phòng. 5% còn lại sẽ được bảo vệ vì bệnh sởi sẽ không lây lan giữa những người đã được tiêm vaccine.
“Nói một cách khác, sẽ có miễn dịch cộng đồng bằng cách bảo vệ người dân khỏi nguy cơ bị lây nhiễm virus, chứ không phải đặt người dân vào tình thế dễ bị nhiễm virus”, ông giải thích.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, chưa bao giờ trong lịch sử y tế cộng đồng, miễn dịch cộng đồng được sử dụng làm chiến lược ứng phó đợt bùng phát dịch hay đại dịch. Ông đưa ra ba thực tế, thứ nhất, thế giới chưa hiểu hết về miễn dịch đối với Covid-19; thứ hai, phần lớn người dân tại hầu hết các nước vẫn dễ mắc Covid-19; thứ ba chúng ta mới chỉ bắt đầu hiểu về ảnh hưởng lâu dài của Covid-19 đối với những người mắc bệnh này.
Thế giới đang ghi nhận đà tăng số ca bệnh Covid-19, đặc biệt là tại châu Âu và châu Mỹ. Ông Ghebreyesus hối thúc các quốc gia triển khai cách giải quyết toàn diện, sử dụng mọi công cụ sẵn có để ứng phó đại dịch. WHO khuyến cáo các quốc gia tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như xét nghiệm, truy tìm ca bệnh, chăm sóc người bệnh, truy vết tiếp xúc, giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người...