Giá bạc trước những biến động vĩ mô
Năm ngoái, giá bạc đã liên tục gặp áp lực trước những đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát. Động thái này đã thúc đẩy giá của đồng USD, khi các nhà đầu tư nước ngoài tăng nhu cầu đối với đồng bạc xanh, gián tiếp gây áp lực lên giá bạc do chi phí nắm giữ trở nên đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá bạc và chỉ số Dollar Index đã lần lượt tăng 9% và hơn 1% kể từ khi cuộc xung đột tại Trung Đông nổ ra vào ngày 7/10. Áp lực từ đồng USD lên giá bạc dần suy yếu khi rủi ro địa chính trị đang là yếu tố dẫn dắt chính.
Diễn biến giá bạc và chỉ số Dollar Index. |
Xét về yếu tố vĩ mô, sức ép từ đồng USD đã giảm bớt, nhưng môi trường lãi suất cao trong trung hạn vẫn là lực cản đối với đà tăng của giá bạc.
FED đang tiến gần đến hai cuộc họp quan trọng trong tháng 11/2023 và 12/2023. Khả năng cao lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì ở mức 5,25-5% khi lạm phát tại Mỹ dần hạ nhiệt. Giá bạc sẽ không quá biến động trước kết quả của những cuộc họp này do thị trường gần như đã đoán trước, nhưng phát biểu của các quan chức FED cho thấy lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài, cùng với nền kinh tế Mỹ tích cực trong quý III/2023 có thể gây áp lực lên giá bạc trong trung hạn.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ bạc trong công nghiệp ngày càng lớn, đặc biệt là ứng dụng quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, trong đó có năng lượng mặt trời. Khi đó, trước biến động vĩ mô, vai trò của bạc trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ dần được thay thế bởi cung-cầu thực chất.
Sự thay thế nhanh chóng của năng lượng mặt trời sẽ thúc đẩy nhu cầu sử dụng bạc - cấu phần quan trọng trong sản xuất, đặc biệt là bột bạc đóng vai trò là chất kết dính giữa các tế bào quang điện trong pin mặt trời.
Ứng dụng bạc vào công nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trong dài hạn
Hiện nay, kim loại quý chủ yếu vẫn được ứng dụng trong những lĩnh vực truyền thống trang sức hoặc đầu tư. Theo Viện Bạc quốc tế, nhu cầu bạc để gia công trang sức của châu Á trong 10 năm trở lại đây luôn chiếm hơn 70% tổng nhu cầu toàn thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh sẽ dần thay thế những nhu cầu sử dụng trên. Theo dữ liệu từ Statista, công suất lắp đặt điện mặt trời tại châu Á đạt mức 604.097 megawatt (MW) trong năm 2022, tăng 22% so năm ngoái.
Đón bắt xu hướng trong khu vực và toàn cầu, Việt Nam đang tăng cường nhập khẩu bột bạc để có thể hoàn thành mục tiêu lớn trong Quy hoạch điện VIII và Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Theo World Bank, trong năm 2020, nước ta đã nhập khẩu 17.313kg bột bạc từ các đối tác trên toàn thế giới, cao hơn rất nhiều so với mức 407kg được ghi nhận trong năm 2013. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã khiến cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị tắc nghẽn, gây ra sự sụt giảm mạnh mẽ trong nhập khẩu bột bạc của Việt Nam trong năm 2021.
Ông Dương Đức Quang, Phó Tổng giám đốc MXV nhận định: "Mặc dù đã có những sự tiến triển vượt bậc trong việc nhập khẩu bột bạc để đáp ứng đủ nguồn cung cho nhu cầu lắp đặt điện mặt trời, nhưng nhập khẩu của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so các nước trong khu vực như Thái Lan hay Trung Quốc. Trong khi, mục tiêu công suất lắp đặt điện mặt trời vào năm 2050 đòi hỏi nước ta cần nhiều hơn nguyên liệu sản xuất này".
Nhu cầu bạc đi theo quá trình chuyển đổi năng lượng xanh đến năm 2050
Theo báo cáo Khảo sát Bạc thế giới 2023 của Viện Bạc, sự thống trị của công nghệ pin mặt trời PERC, sử dụng khoảng 10 miligam bạc/watt đang dần bị thay thế bởi thiết kế TOPcon, tiêu thụ khoảng 13 miligam bạc/watt và HJT, tiêu thụ khoảng 22 miligam bạc/watt. Điều này cho thấy nhu cầu bạc đối với lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao trong tương lai.
Hơn nữa, hiện nay, công suất lắp đặt điện mặt trời của Việt Nam chiếm hơn 20% tổng công suất lắp đặt, đứng thứ 3 sau công suất lắp đặt điện than và thủy điện. Mục tiêu hướng đến năm 2050, điện mặt trời sẽ là loại hình điện điển hình nhất, chiếm hơn 38,5% tổng công suất.
Tuy nhiên, sau giai đoạn 2018-2021 phát triển mạnh mẽ, từ mức 105 MW vào năm 2018 lên mức hơn 16.504 MW vào năm 2021, tăng trưởng công suất lắp đặt điện mặt trời tại Việt Nam đã chậm lại khi chỉ đạt mức 16.568 MW vào năm 2022. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dự báo công suất lắp đặt điện mặt trời tại Việt Nam sẽ chỉ tăng 4.100 MW từ nay cho đến năm 2030.
Theo kịch bản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nước ta vẫn sẽ đạt được mục tiêu đề ra cho năm 2030. Nhưng sự chênh lệch giữa mục tiêu đạt được 20.591 MW vào năm 2030 và mức 189.000 MW vào năm 2050 là rất lớn. Ngoài ra, nếu Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm 3% trong giai đoạn 2022-2030 sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2050, khi giai đoạn 2030-2050 yêu cầu tốc độ tăng trưởng kép tối thiểu là 9%. Điều này càng cho thấy vai trò và nhu cầu của bạc trong chuyển đổi xanh càng ngày càng lớn.