Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới

NDO - Giai đoạn 2023-2033, Bộ Công an, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” gắn phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác của Đảng, Nhà nước như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
0:00 / 0:00
0:00
Đại tướng Tô Lâm và đồng chí Đỗ Văn Chiến ký kết Chương trình phối hợp.
Đại tướng Tô Lâm và đồng chí Đỗ Văn Chiến ký kết Chương trình phối hợp.

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm (2013-2023) và triển khai Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về "Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới" giai đoạn 2023-2033.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an; đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương cùng 135 tập thể tiêu biểu đại diện cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố, các tổ chức thành viên và Công an các tỉnh, thành phố được khen thưởng.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới ảnh 1

Đồng chí Đỗ Văn Chiến phát biểu khai mạc.

Phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Phát biểu khai mạc, đồng chí Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng, Đảng ta rất coi trọng vai trò của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, sức mạnh của Công an nhân dân bắt nguồn từ mối liên hệ, sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của nhân dân. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự.

Nhiều mô hình về đảm bảo an ninh trật tự đã được áp dụng và nhân rộng như: mô hình “Khu dân cư an toàn lành mạnh”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Tiếng kẻng an ninh”, “Hàng rào an ninh”, “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Dòng họ an toàn”, “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”, mô hình giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng...

Quán triệt sâu sắc chỉ dẫn ấy, sự ra đời của phong trào “Toàn dân đoàn kết bảo vệ an ninh Tổ quốc” là sự cụ thể hóa phương châm “Dân là gốc”, phong trào là hình thức cơ bản nhằm tập hợp, thu hút, giáo dục, hướng dẫn, nâng cao năng lực hoạt động của đông đảo nhân dân tham gia giải quyết những yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây cũng là điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh Tổ quốc, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Theo đồng chí Đỗ Văn Chiến, qua 10 năm thực hiện, Chương trình phối hợp, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ Trung ương đến địa phương có bước phát triển mới, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, khơi dậy sức mạnh to lớn của nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng ngừa, tấn công, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội.

Công tác phối hợp giữa hai cơ quan và các tổ chức thành viên từ Trung ương đến địa phương ngày càng bền chặt, luôn chủ động, tích cực bám dân, bám địa bàn; chủ động nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng trong nhân dân; tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao tinh thần cảnh giác trước mọi thủ đoạn của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; chủ động phát hiện sớm, đấu tranh và phòng ngừa có hiệu quả với mọi hoạt động xuyên tạc, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch.

Nhiều mô hình nhân dân tham gia phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự được xây dựng, đã và đang phát huy tác dụng. Kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” thời gian qua đã góp phần quan trọng vào củng cố và phát huy thế trận an ninh nhân dân; tạo điều kiện rất thuận lợi và cơ bản thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.

Củng cố phong trào ở các địa bàn chiến lược

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra cho công tác bảo vệ an ninh trật tự trong thời gian tới rất nặng nề, đòi hỏi cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của các lực lượng làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp, Bộ trưởng Công an yêu cầu lực lượng Công an nhân dân phối hợp chặt chẽ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc;

Đồng thời, tổ chức quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung của Chương trình phối hợp và biện pháp tổ chức thực hiện để các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực xây dựng, tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phòng, chống tội phạm.

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới ảnh 2

Đại tướng Tô Lâm chỉ đạo hội nghị.

Đại tướng Tô Lâm đề nghị, các cơ quan cần tăng cường phối hợp tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, những thông tin và luận điệu xuyên tạc, âm mưu “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động chống đối, cơ hội chính trị; đấu tranh phòng, chống các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Các cơ quan phối hợp vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tổ chức các hoạt động “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” tạo điểm nhấn, có sức lan tỏa trong phong trào, nhất là các cấp cơ sở; gắn kết việc thực hiện công tác dân vận, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với các phong trào thi đua yêu nước do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương phát động;

Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới ảnh 3
Trao Bằng khen tặng 64 cá nhân vì có thành tích xuất sắc.

Đồng thời, các cơ quan tập trung xây dựng, củng cố phong trào ở các địa bàn chiến lược, tuyến biên giới, biển đảo, khu vực tập trung đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số, địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự; phát triển phong trào theo hướng xã hội hóa, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, lấy phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải về an ninh trật tự đến từng cơ quan, đơn vị, nhà trường, khu dân cư, gia đình; xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường an toàn về an ninh trật tự.

Tại Hội nghị, Bộ Công an trao Bằng khen tặng 64 tập thể và 125 cá nhân; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao Bằng khen cho 64 tập thể và 64 cá nhân thuộc lực lượng Công an nhân dân vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp.