Tham gia chương trình tọa đàm có lãnh đạo UBND thành phố, đại diện Sở Du lịch cùng các chuyên gia kinh tế-du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và gần 100 nhà báo chuyên viết về lĩnh vực kinh tế- du lịch.
Các diễn giả đã trình bày tham luận và trao đổi nhiều vấn đề nóng liên quan đến việc xây dựng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa các sản phẩm và dịch vụ du lịch để làm tiền đề cho việc phát triển kinh tế đêm tại Đà Nẵng, được xem là thủ phủ du lịch ở miền trung.
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Khi nhắc tới vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế đêm, thế giới đã có nhiều mô hình rất hiệu quả, và ở Việt Nam nó được khẳng định là một hướng phát triển ở cấp độ quốc gia chứ không phải là cho riêng Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Đà Nẵng có một giá trị đặc biệt, trước hết do địa bàn Đà Nẵng là nơi tốt nhất để khởi động cho một phương thức hoạt động mới của nền kinh tế. Bởi đây là địa phương đề xuất ra cơ chế cho vận hành kinh tế đêm ở cấp độ quốc gia chứ không phải chỉ riêng cho địa phương.
Ngay từ 10-15 năm trước khi bàn về chân dung phát triển của Đà Nẵng tương lai thì đã bàn về khái niệm Đà Nẵng phải phát triển kinh tế đêm. Tại những hội thảo bàn giải pháp đưa Đà Nẵng lên đẳng cấp cao trong phát triển du lịch, thì vấn đề phát triển kinh tế đêm đã được đặt ra rất nghiêm túc, rất bài bản, đó là làm sao để du khách có thể sống về đêm khi đến với thành phố biển.
Kinh tế ban đêm phải coi như một phương thức cạnh tranh. Ngoài Thái Lan là một điển hình về kinh tế ban đêm, thì Trung Quốc cũng đã vươn lên mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế đêm. Với các đô thị Việt Nam, đã xuất hiện một vài khu vực nhỏ ở đô thị, như phố Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão ở TP Hồ Chí Minh, khu vực phố cổ Hà Nội.
Đà Nẵng hầu như chưa có phố đêm, mà cùng lắm chỉ đến sau 12 giờ đêm là đóng cửa, trong khi Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế, vì vậy cần dựa vào những doanh nghiệp hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm. Những thành phố du lịch nổi tiếng thì đều có kinh tế ban đêm. Đà Nẵng muốn trở thành TP du lịch nổi tiếng thế giới, có sức hấp dẫn mãnh liệt, khách đến rồi lại đến thêm nhiều lần nữa, thì ban đêm phải có những dịch vụ đẳng cấp, liên tục, hấp dẫn.
Đà Nẵng còn có lợi thế hết sức lớn là bản sắc, tố chất người Đà Nẵng vốn thật thà, làm ăn uy tín, hiện tượng chặt chém, lừa đảo, lợi dụng lòng tin của khách rất ít xảy ra, không tranh thủ “vặt” khách.
Về các điều kiện, cần nhất là tạo các sản phẩm phục vụ kinh tế ban đêm, từ ăn uống, vui chơi, giải trí đến mua sắm... Các hiệp hội du lịch, công ty du lịch phải phát triển các loại hình đó thành những chuỗi phục vụ, chính quyền thành phố, dân thành phố đều được hưởng lợi từ du lịch dịch vụ kinh tế đêm, bắt đầu với chuỗi khu phố đêm dọc biển, dọc sông Hàn như cách Đà Nẵng đang làm, nhưng bài bản hơn, đẩy đủ và chất lượng cao hơn.
Nhiều ý kiến tham luận được đánh giá cao khi đưa ra những kiến nghị về chính sách, giải pháp cụ thể cho phát triển kinh tế ban đêm; Tiềm năng & giải pháp phát triển kinh tế ban đêm để kích cầu du lịch TP Đà Nẵng; Vai trò của sản phẩm dịch vụ du lịch giải trí đêm; Vai trò mạng đường bay đi/đến Đà Nẵng và kế hoạch phát triển mạng đường bay, tăng cường khai thác đến Đà Nẵng; Vai trò của du lịch đêm trong kích cầu du lịch Đà Nẵng hậu dịch Covid-19; Hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch – lực hành về sản phẩm dịch vụ giải trí đêm và một số đề xuất…
Tọa đàm cũng ghi nhận những ý kiến góp ý, trao đổi thiết thực và hữu ích giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng với khách mời tham dự như các travel blogger trẻ, doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng cũng như đại diện các nhà báo chuyên viết về du lịch, nhằm đưa ra những kiến giải để phát huy những thế mạnh, khắc phục điểm yếu để thúc đẩy phát triển du lịch đêm nói riêng và kinh tế đêm nói chung tại Đà Nẵng.