Cuối con đường lúa gạo này, mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ giống lúa đặc trưng, đặc sản của 63 tỉnh, thành phố được trưng bày, giới thiệu. Triển lãm đã xác lập hai kỷ lục do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam-VietKing công bố, gồm: Không gian triển lãm, sắp đặt con đường lúa gạo, chủ đề “Hành trình ngàn năm lúa gạo Việt” dài nhất (phá kỷ lục cũ) và Mô hình bản đồ Việt Nam ghép từ các giống lúa đặc sản của các tỉnh, thành phố nhiều nhất.
Festival Tôm Cà Mau thu hút hơn 40.000 lượt khách tham dự
Chuỗi sự kiện “Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long 2023” diễn ra từ ngày 9 - 13/12/2023 đã thu hút hơn 40.000 lượt khách tham dự; qua đó, tạo cơ hội giao lưu, quảng bá thương hiệu và kết nối các doanh nghiệp với sự tham gia trưng bày của 150 đơn vị, 412 gian hàng; có khoảng 120 lượt tiếp xúc và 36 lượt ký kết, thỏa thuận hợp tác kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa các doanh nghiệp, chủ thể OCOP với các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, logistics, sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước…
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Chăm An Giang
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp Ủy ban nhân dân thị xã Tân Châu vừa tổ chức lễ công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đối với “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” và “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm” tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. “Nghi lễ vòng đời của người Chăm Islam” ở An Giang có giá trị lịch sử, cố kết cộng đồng và bảo tồn, lưu giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống như trang phục, ẩm thực, ngôn ngữ hay các loại hình nghệ thuật dân gian như múa, hát, nhạc cụ. Còn “Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm” xã Châu Phong độc đáo ở kỹ thuật, có giá trị về văn hóa và lịch sử; không chỉ là tài sản vô giá do cha ông để lại mà còn là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng người Chăm ở An Giang.
Nghề dệt thổ cẩm tại làng Chăm xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. |
Tiếp nhận hơn 2.800 đơn vị máu
Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Sóc Trăng vừa phối hợp Bệnh viện Huyết học và Truyền máu thành phố Cần Thơ tổ chức “Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2023”, thu hút đông đảo tình nguyện viên đăng ký tham gia và nhận về được 309 đơn vị máu. Trước đó, Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đã phát động và triển khai thực hiện nhiều ngày hội hiến máu tình nguyện trong năm 2023; qua đó, tiếp nhận từ các địa phương gần 2.560 đơn vị máu.
Chôm chôm Bến Tre được cấp chỉ dẫn địa lý
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho trái chôm chôm Bến Tre. Khu vực chỉ dẫn địa lý gồm các xã Phú Phụng, Vĩnh Bình, Sơn Định, Hòa Nghĩa, Long Thới, Vĩnh Thành (huyện Chợ Lách) và các xã Tân Phú, Tiên Long, Tiên Thủy, Phú Đức, Phú Túc, Thành Triệu (huyện Châu Thành). Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cũng đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chôm chôm Bến Tre” dùng cho sản phẩm chôm chôm của tỉnh. Hiện, chôm chôm là một trong những loại trái cây đặc sản chủ lực của tỉnh Bến Tre với diện tích hơn 3.690 ha, sản lượng hơn 73.600 tấn/năm. Ngoài thị trường nội địa, chôm chôm Bến Tre còn được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, châu Âu.