Ưu tiên bồi dưỡng cây bút trẻ tại địa phương

Thời gian qua, nhiều Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) các tỉnh phía bắc đã tổ chức trại sáng tác, lớp bồi dưỡng dành cho đội ngũ cây bút trẻ, chủ yếu đang là học sinh tại địa phương. Hoạt động sôi nổi, ý nghĩa này đã góp phần đáng kể trong việc khích lệ, bổ trợ niềm đam mê, kỹ năng sáng tác văn học để các tác giả nỗ lực hơn, tỏa sáng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Các em học sinh tham gia Trại sáng tác văn học trẻ tỉnh Thái Nguyên năm 2024. (Ảnh BAN TỔ CHỨC)
Các em học sinh tham gia Trại sáng tác văn học trẻ tỉnh Thái Nguyên năm 2024. (Ảnh BAN TỔ CHỨC)

Trại sáng tác văn học trẻ tỉnh Thái Nguyên năm 2024 vừa diễn ra trong 10 ngày với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, thu hút sự tham gia của 35 học viên chính thức (độ tuổi từ 10 đến 25 tuổi) và 80 học viên dự thính - là các nhà văn, nhà thơ, các em học sinh, sinh viên đến từ tám huyện, thành phố trong tỉnh và chín tỉnh, thành phố trong cả nước. Ban tổ chức nhận định, qua sáu năm tổ chức trại viết, năm nay đánh dấu sự vượt trội về số lượng học viên.

Trong vai trò tổ chức, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng nhiều chương trình, hoạt động hữu ích, gồm: Học tập về những vấn đề liên quan công việc sáng tác; trải nghiệm thực tế và thực hành sáng tác. Tại đây, học viên được gặp gỡ, giao lưu với các nhà thơ: Nguyễn Thúy Quỳnh, Nguyễn Kiến Thọ, nhà văn Tống Ngọc Hân. Trong vai trò là văn nghệ sĩ đi trước, đã ghi dấu ấn trên văn đàn, họ truyền thụ từ kiến thức cơ sở lý luận đến những kỹ năng, kinh nghiệm sáng tác cơ bản và quan trọng nhất là khơi gợi được cảm xúc, đam mê trong các em.

Hoạt động thực tế trải nghiệm cũng được Ban tổ chức trại viết chú trọng. Các học viên có chuyến đi thực tế tại: Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên; vùng chè La Bằng, Di tích lịch sử quốc gia 27/7, Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng...

Kết thúc trại viết, đã có gần 300 sáng tác ở cả hai chuyên ngành thơ và văn xuôi được học viên gửi về Ban tổ chức. Theo đánh giá từ các văn nghệ sĩ, chất lượng các sáng tác nổi trội hơn hẳn các mùa trước. Nội dung quan trọng của chương trình là phần ra mắt tác phẩm "Những cuộc phiêu lưu trong vương quốc Ký ức" - thành quả từ các mùa trại do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức trong 5 năm qua. Cuốn sách tuyển chọn 33 truyện ngắn thiếu nhi của 17 tác giả trẻ và các hội viên của Hội chung niềm yêu thích với đề tài thiếu nhi.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Chuỗi hoạt động suốt những năm qua của Hội đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng được một đội ngũ sáng tác văn học thiếu nhi gồm thiếu nhi và người lớn viết về thiếu nhi, từ đó bù vào khoảng trống văn học thiếu nhi kéo dài suốt cả thập niên 2010 - 2020, trước đó vẫn là vùng lõm. Có được thành công này là nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã ủng hộ, tạo điều kiện cùng sự đóng góp của các văn nghệ sĩ đã tận tình truyền giảng và các học viên đã tin cậy, đồng hành...

Cũng trong thời gian này, Hội VHNT tỉnh Hà Giang đã tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng sáng tác văn học dành cho học sinh với sự tham gia của 33 học sinh khối THPT trên địa bàn, gồm các trường: THPT Chuyên tỉnh Hà Giang, THPT Lê Hồng Phong và THPT Ngọc Hà. Lớp bồi dưỡng có sự tham gia của đội ngũ giảng viên là các nhà văn, nhà thơ ở Trung ương và địa phương đã truyền đạt những chuyên đề cơ bản: Văn xuôi thiếu nhi Hà Giang (nhà văn Nguyễn Trần Bé); Thơ thiếu nhi Hà Giang (nhà thơ Đặng Quang Vượng); Thơ thiếu nhi Việt Nam (nhà thơ Lữ Mai); Văn xuôi thiếu nhi Việt Nam (Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ).

Cách thức tổ chức lớp bồi dưỡng được thực hiện khá linh hoạt. Ban tổ chức đã tạo nhóm với các học sinh để triển khai lớp bồi dưỡng, tích cực động viên các em sáng tác, gửi tác phẩm trước để được giảng viên thẩm định, trao đổi tại lớp bồi dưỡng. Đến thời điểm tổ chức lớp, có 16 bản thảo thơ và 10 bản thảo văn xuôi được gửi để thẩm định, đồng thời chuyển Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Hà Giang biên tập, đăng tải. Có ba tác phẩm văn xuôi và hai tác phẩm thơ của các học viên: Tống Uyên Nhi, Đỗ Thảo My, Đặng Thị Hà Trang, Phạm Quỳnh Nga, Nguyễn Diệu Anh được đăng trước khi lớp khai giảng.

Trong thời gian lớp bồi dưỡng diễn ra, các giảng viên và học viên tương tác hai chiều xoay quanh những nội dung văn chương phù hợp với lứa tuổi, tâm sinh lý của các em để truyền cảm hứng, khơi gợi niềm đam mê. Đồng thời các em cũng tích cực trao đổi, đặt các câu hỏi liên quan đến khám phá tác phẩm, tìm kiếm cảm xúc, sự giao thoa giữa cảm xúc của tác giả và thị hiếu độc giả để các nhà thơ, nhà văn giải đáp, giúp các em thêm yêu văn chương và đam mê với công việc sáng tác văn học.

Họa sĩ Lâm Tiến Mạnh, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Hà Giang chia sẻ: Trong thời gian tới Hội sẽ thường xuyên phối hợp các sở, ngành tổ chức thêm nhiều lớp bồi dưỡng về văn học, nghệ thuật để tạo nguồn kế cận trong tương lai. Ban tổ chức mong các cây bút trẻ phát huy các kiến thức, kinh nghiệm, phương pháp sáng tác văn học đã được đội ngũ giảng viên truyền đạt vào việc sáng tác văn học trong thời gian tới.

Trong các hoạt động trên của địa phương, không thể thiếu sự đồng hành của Hội Nhà văn Việt Nam. Với Thái Nguyên, cuốn sách "Những cuộc phiêu lưu trong vương quốc Ký ức" nhận được sự ủng hộ toàn phần từ Hội và Nhà xuất bản Hội Nhà văn để tác phẩm phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi ở vùng sâu, miền xa trên phạm vi cả nước. Với Hà Giang, lựa chọn giảng viên trung ương và kinh phí đi lại được Hội Nhà văn Việt Nam tài trợ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: Năm 2024, Hội dự kiến sẽ in và tổ chức tặng 30.000 bản sách thiếu nhi cho trẻ em vùng miền còn khó khăn. Song song với hoạt động này, Hội sẽ có sự ủng hộ thiết thực với các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng, đồng thời thường xuyên cử các nhà văn đi thực tế, giao lưu chia sẻ với các cây bút trẻ.