Đây là thành quả thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường trong việc phát triển thị trường công khai, minh bạch.
Trước khi UPCoM ra đời, giao dịch cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết chủ yếu được thực hiện trên thị trường tự do. Các nhà đầu tư gặp rất nhiều rủi ro về thông tin, giá cả và đặc biệt là rủi ro trong thanh toán khi tham gia vào các giao dịch. Việc tìm kiếm thông tin về các doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phiếu cũng rất khó khăn. Vì vậy, UPCoM được ra đời với mục tiêu thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường giao dịch có tổ chức, có quản lý của Nhà nước, quy tụ các cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết về một đầu mối quản lý thống nhất, tạo ra cơ hội giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn và thuận lợi cho nhà đầu tư.
Nhờ có thị trường UPCOM, nhà đầu tư có thể tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp qua hệ thống công bố thông tin của HNX và của doanh nghiệp. Việc giao dịch tập trung cổ phiếu qua hệ thống giao dịch của HNX cũng được thực hiện dễ dàng và an toàn hơn cho cả người mua và người bán.
Kể từ khi thị trường UPCoM chính thức đi vào hoạt động, Sở GDCK Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường như áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục thay thế phương thức thoả thuận điện tử từ ngày 19-7-2010; mở rộng thời gian giao dịch; và nới lỏng quy định đăng ký giao dịch đã tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư và doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Các giải pháp này đã mang lại những hiệu ứng tích cực cho thị trường.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM không ngừng tăng lên, từ 10 doanh nghiệp đăng ký giao dịch khi khai trương thị trường, đến nay con số này đã là 201 doanh nghiệp với tổng giá trị đăng ký giao dịch đạt khoảng 30,4 nghìn tỷ đồng, giá trị vốn hóa thị trường đạt gần 38,6 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM rất đa dạng về ngành nghề và quy mô vốn, trong đó có những công ty có quy mô vốn lớn như CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) vốn điều lệ hơn 2.840 tỷ đồng, CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (NHN) 2.000 tỷ đồng, CTCP DAP – VINACHEM (DDV) 1.461 tỷ đồng…
Kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên UPCoM rất tốt, như CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (PSL) có thu nhập trên cổ phiếu EPS 12.515 đồng, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) 11.820 đồng, CTCP Bia Hà Nội - Hải Phòng (BHP) 9.667 đồng.
Thanh khoản trên thị trường cũng được cải thiện đáng kể. Trong sáu tháng đầu năm 2015, khối lượng giao dịch bình quân đạt xấp xỉ 2,6 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 40,7 tỷ đồng/phiên, tăng gấp 10 lần so với thời kỳ đầu ra mắt thị trường. UPCoM cũng là một nơi để các doanh nghiệp đại chúng tập dượt, làm quen trước khi lên niêm yết. Trong sáu năm qua, đã có 18 doanh nghiệp chuyển từ UPCoM sang thị trường niêm yết.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều doanh nghiệp đại chúng chưa thực hiện việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM. Vì vậy, với nỗ lực thúc đẩy các doanh nghiệp đại chúng tham gia thị trường chứng khoán, các cơ quan quản lý đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán và Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn một năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Đồng thời, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ, hai văn bản quan trọng và tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường UPCoM cũng đã được ban hành là Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 01/2015/TT-BTC ngày 5-1-2015 của Bộ Tài chính. Theo đó, các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa phải tham gia thị trường UPCoM trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cụ thể hóa quy định bắt buộc các công ty đại chúng đã chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng chưa niêm yết hoặc đã hủy niêm yết phải tham gia thị trường có tổ chức.
Sự đồng bộ trong các quy định của Chính phủ và cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy các công ty đại chúng tham gia thị trường chứng khoán đã giúp UPCoM mở rộng nguồn hàng, góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa trên thị trường. sáu tháng đầu năm nay, UPCoM đã đón nhận 33 doanh nghiệp đăng ký giao dịch mới, và kể từ khi quyết định 51/2014/QĐ-TTg có hiệu lực, đến nay đã có 8 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM.
Với tư cách là đơn vị vận hành, quản lý thị trường UPCOM, Sở GDCK Hà Nội đã chủ động, tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp các ban, ngành đôn đốc việc thực hiện theo các quy định hiện hành, chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, các tập đoàn nhà nước để tăng cường hợp tác trong hoạt động cổ phần hóa và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia TTCK, gắn đấu giá với đăng ký giao dịch trên UPCOM.
Không dừng lại ở đó, trong gian tới, Sở GDCK Hà Nội sẽ triển khai một số giải pháp kỹ thuật nhằm hoàn thiện cơ cấu thị trường, khuyến khích các đối tượng tham gia như mở rộng biên độ dao động giá lên +/- 15%, giới thiệu các chỉ số dựa trên cổ phiếu UPCoM, chạy thử nghiệm chỉ số HNX FF UPCoM Index trên cơ sở tính toán khối lượng tự do chuyển nhượng của cổ phiếu giống như cách tính chỉ số HNX Index hiện tại từ ngày 24-6-2015. Cùng với đó, Sở cũng sẽ thực hiện phân bảng thị trường UPCoM dựa trên các tiêu chí như quy mô vốn, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tình trạng tuân thủ nghĩa vụ công bố thông tin để định hướng tốt hơn cho nhà đầu tư trong việc đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý.
Với những thành quả đạt được trên thị trường UPCoM trong sáu năm qua, HNX đã duy trì tốt vai trò của UPCoM, đã khẳng định được vai trò hoàn thiện cơ cấu thị trường, vừa là nơi nhà đầu tư yên tâm giao dịch, tạo thanh khoản và là nơi doanh nghiệp tập dượt trước khi lên niêm yết.