Cách đây không lâu, việc một tài khoản TikTok đăng tải video so sánh môi trường làm việc khác biệt giữa các địa phương thu hút sự quan tâm của nhiều cư dân mạng. Tuy nhiên lượng người vào bình luận mang những thiên kiến, chủ quan khiến sự việc ngày càng bị đẩy đi quá xa. Màn "phím chiến" dần chia thành hai phe, với những lời lẽ ngày càng căng thẳng. Thậm chí từ cuộc tranh cãi này, một số từ lóng dùng với nghĩa tiêu cực được nhiều người dùng mạng xã hội sử dụng và nhanh chóng lan truyền tạo thành hot trend, nhưng theo chiều hướng tiêu cực. Mặc dù tài khoản này sau đó đã bị khóa, nhưng hậu quả từ vụ việc là rất khó lường, dễ thấy nhất là những tổn thương mà những người tham gia cuộc tranh cãi đã vô tình gây ra cho nhau. Đáng buồn đây không phải là tình trạng hiếm gặp trên không gian mạng. Trước đó, một chủ tài khoản có tên H.M. đã bị Công an tỉnh Lâm Đồng mời lên làm việc và xử phạt hành chính 10 triệu đồng vì có hành vi chê bai, nói xấu người khác trên mạng xã hội.
Hiện nay không khó để tìm thấy trên mạng xã hội những so sánh ví von, lời nói ác ý nhắm đến cá nhân với những nét đặc trưng, đặc thù liên quan đến nguồn gốc mà họ sinh ra. Vô hình trung điều này tạo ra sự căng thẳng, thậm chí là tâm lý định kiến, ghét bỏ, thù hằn trên mạng xã hội hướng đến những nhóm đối tượng nhất định có sự khác biệt với những người khác, như về tập tục, thói quen sinh hoạt hay ngôn ngữ. Hậu quả của điều này còn làm tổn hại đến tinh thần nhân văn, đoàn kết vốn là một truyền thống quý báu trong văn hóa của người Việt.
Thực tế mỗi vùng đất đều có những đặc điểm khác nhau về văn hóa, lối sống,... dẫn đến những cách ứng xử có tính đặc thù, riêng biệt trong đời sống cộng đồng. Sự khác biệt giữa các cá nhân cần được tôn trọng tuy nhiên không phải ai cũng ý thức được điều này. Đối với một số người sự khác biệt của người khác giống như cái gai trong mắt họ, khiến họ dùng những lời lẽ cay nghiệt để chê trách. Cần thấy rằng việc một cá nhân đưa ra những đánh giá chừng mực, khách quan liên quan những ưu điểm hay nhược điểm của người khác nhau là bình thường, thậm chí cần thiết, giúp cho mỗi cá nhân tự nhìn lại mình, điều chỉnh, thay đổi giúp bản thân ngày càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả đó, những góp ý phải tế nhị, mang tính xây dựng, cách thức truyền tải thông điệp phải thiện chí, tích cực. Các cụ ta có câu "lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Đáng tiếc thời gian qua, việc một số cá nhân chỉ trích những sự khác biệt của người khác trên mạng xã hội với tâm lý miệt thị, ác ý, chê bôi, gây sự đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó một vài cư dân mạng vì lòng tự tôn quá cao lại không đủ bình tĩnh suy xét đúng sai nên ngay sau khi đọc một ý kiến có tính chất chê trách những điểm chưa tốt về con người và vùng đất quê hương mình lập tức phản kháng, tấn công chủ nhân của trang mạng, tạo ra cuộc "hỗn chiến" bằng bàn phím rất phản cảm.
Từ đây cho thấy vấn đề bày tỏ quan điểm cá nhân về một vấn đề nào đó nếu không được cân nhắc cẩn trọng rất có thể trở thành xúc phạm người khác, vi phạm những chuẩn mực quy tắc đạo đức xã hội, thậm chí là vi phạm pháp luật. Cụ thể việc một người nêu ra quan điểm của bản thân nếu không giữ một thái độ chừng mực, văn minh, trên tinh thần xây dựng thì rất dễ tạo ra những làn sóng chỉ trích, châm biếm, lăng mạ trên mạng xã hội. Mặt khác những người vì mải chạy theo trào lưu, thiếu tỉnh táo, thiếu kiến thức sẽ dễ bị sa đà vào những cuộc tranh cãi tiêu cực này. Từ đây, rất dễ nguy cơ những phần tử quá khích, thiếu thiện chí, phản động sẽ lợi dụng đám đông bức xúc trên mạng để kích động, khích bác nhằm gây hiểu nhầm, tạo sự chia rẽ, thù hằn giữa người dân Việt Nam với bạn bè các nước hoặc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc trong nước. Vấn đề này rất cần được lưu tâm bởi hiện nay mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của nhiều người dân, nhất là giới trẻ. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và thứ 6 ở châu Á. Người sử dụng internet ở Việt Nam dành trung bình gần 7 giờ đồng hồ mỗi ngày cho không gian mạng. Bên cạnh những lợi thế to lớn thì không gian rộng lớn này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thông tin xấu độc, phá hoại chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, làm suy giảm lòng tin trong quần chúng nhân dân, làm lung lay tinh thần đoàn kết dân tộc.
Vậy đâu là giải pháp cần thiết để thiết lập cách ứng xử văn minh trên mạng xã hội? Trước tiên phải bắt đầu từ chính người sử dụng mạng xã hội. Do đó các cơ quan chức năng, thông tấn báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để mỗi công dân khi tham gia mạng xã hội hiểu rõ trách nhiệm của mình, đúng mực trong phát ngôn và thượng tôn pháp luật. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã nêu rõ: "Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc" (Điều 15), "Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội" (Điều 16); "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm" (Điều 20). Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định rõ, người có hành vi phân biệt vùng miền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sỉ nhục người khác, cụ thể mức xử phạt vi phạm hành chính từ 10-30 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 1-5 năm (Điều 155). Về tội phá hoại chính sách đoàn kết có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu có những hành vi như: gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị-xã hội, gây thù hằn, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam (Điều 116). Hiểu rõ các quy định pháp luật sẽ giúp cho mỗi người dân khi tham gia mạng xã hội tự biết điều chỉnh hành vi của mình, biết các giới hạn trong phát ngôn, bày tỏ quan điểm.
Cũng cần thấy rằng vai trò của gia đình và nhà trường và các tổ chức đoàn thể xã hội là vô cùng quan trọng, có thể giúp định hướng cho người sử dụng mạng, nhất là giới trẻ có cách hành xử văn minh, hiểu biết, không chỉ phát ngôn đúng mực mà còn đủ bình tĩnh suy xét trước khi bình luận một vấn đề gì đó chưa được kiểm chứng. Người sử dụng mạng xã hội có kiến thức pháp luật sẽ không hùa theo đám đông nói xấu, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác, không để mình bị lợi dụng, kích động, lôi kéo, có nguy cơ trở thành công cụ cho những phần tử xấu nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Chủ trương "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", tăng cường đấu tranh phản bác các ý kiến sai trái, đi ngược với tinh thần đoàn kết dân tộc cần được phát huy.
Chính quyền địa phương và các đoàn thể cần khuyến khích, cổ vũ những người sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm trong phát ngôn, xem họ là "hạt nhân" trong đấu tranh chống lại những tiêu cực trên mạng xã hội. Thực tế đã cho thấy, trong những cuộc "phím chiến" trên mạng xã hội thời gian qua, có rất nhiều tài khoản mạng xã hội thể hiện sự văn minh và trách nhiệm của mình thông qua những bình luận tích cực, kéo mọi người lại gần nhau hơn, thân ái, đoàn kết với nhau hơn. Về phía các cơ quan chức năng, để hạn chế những tranh cãi trên mạng xã hội cần thường xuyên, tích cực kiểm soát các cá nhân cũng như các hội nhóm trên mạng xã hội, trao đổi kịp thời với người sử dụng mạng xã hội để chấn chỉnh hành vi chưa phù hợp. Việc xử phạt hành chính, khóa tài khoản là biện pháp cần thiết, nhằm ngăn chặn những diễn biến xấu khó có thể lường trước.
Sự khác biệt của mỗi quốc gia, dân tộc cho đến mỗi cá nhân giúp cho cuộc sống càng trở nên phong phú, đa dạng, sinh động hơn. Tuy nhiên vì nhiều lý do tâm lý phân biệt, so sánh, kỳ thị những sự khác biệt vẫn tồn tại dai dẳng, là nguyên nhân dẫn đến những cuộc xung đột sắc tộc căng thẳng. Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa đa sắc màu, với 54 dân tộc anh em, người dân sống mỗi vùng miền lại có những thói quen ứng xử, lối sống, phong tục tập quán khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là "anh em một nhà".
Câu ca dao trong kho tàng văn học dân gian mà không người Việt nào không nhớ, đó là "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng". Thương yêu, đoàn kết là những giá trị lâu bền trong truyền thống của dân tộc Việt Nam cần được giữ gìn, bảo vệ. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ hiện nay, không gian mạng phải trở thành nơi để mỗi người dân phát huy tinh thần tiến bộ, lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng và bè bạn quốc tế. Tỉnh táo, có trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội là cách tốt nhất để mỗi công dân phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong giữ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc.