Ứng phó hạn hán để duy trì sản xuất nông nghiệp

Tình trạng hạn hán, thiếu nước thời gian qua ở các địa phương khu vực miền trung, Tây Nguyên ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
Một hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã cạn kiệt.
Một hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã cạn kiệt.

Theo dự báo, hạn hán, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ vẫn tiếp diễn do mùa khô kéo dài đến hết tháng 8/2024, vì vậy hàng nghìn héc-ta cây trồng có khả năng bị ảnh hưởng.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong mùa khô 2023-2024, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng gay gắt gây hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp ở các địa phương thuộc khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên. Theo thống kê, ở khu vực Nam Trung Bộ, vụ đông xuân năm 2023-2024, diện tích thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước là 961 ha; đến nay còn khoảng 709 ha thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) tiếp tục thiếu nước. Trong trường hợp huyện Hàm Thuận Nam không có mưa đến cuối tháng 5, diện tích thanh long có nguy cơ thiếu nước sẽ tăng lên khoảng 5.000 ha.

Đối với khu vực Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước gây giảm năng suất cây trồng từ 30 đến 70% là 27.925 ha, trong đó có 112 ha bị mất trắng. Chị Cao Thị Hà, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết: “Đợt cao điểm hạn hán, thiếu nước vừa qua, nhiều diện tích trồng sầu riêng, cà-phê, hồ tiêu... trên địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề. Các hồ, sông, suối bị cạn nước nên nhiều diện tích sầu riêng bị rụng, khô héo, cà-phê cháy lá ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Gia đình tôi trồng 1,5 ha hồ tiêu do có giếng khoan cho nên nguồn nước bảo đảm”.

Đến ngày 17/5, ở các khu vực này có gần 20.000 ha cây trồng đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước, trong đó tỉnh Đắk Nông hơn 12.000 ha, Đắk Lắk 5.100 ha… Riêng khu vực Tây Nguyên, các địa phương bắt đầu có mưa, vì vậy tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ giảm và khả năng sẽ kết thúc vào giai đoạn cuối tháng 5.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay các hồ CK7 và Ông Kinh đã hết nước; các hồ Sông Biêu, Suối Lớn, Tân Giang và Bầu Ngứ đã xuống mực nước chết; dự báo hồ Lanh Ra và Bầu Zôn cũng đang hạ thấp đến mực nước chết trong thời gian tới nếu trời không có mưa.

Chúng tôi đến các xã Vĩnh Hải, Thanh Hải, Nhơn Hải... huyện Ninh Hải khi hồ Ông Kinh, ao Bàu Tró đã cạn trơ đáy. Khắp lòng hồ, bà con nông dân khoan hàng trăm giếng để cố tìm kiếm nguồn nước ngầm còn sót lại để tưới cho cây trồng; nhiều giếng nước trong làng bị nhiễm phèn, mặn; nhiều vùng không tổ chức sản xuất vụ hè thu năm 2024. Tại lòng hồ Ông Kinh, chúng tôi gặp ông Đỗ Hội thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải đang kéo ống bơm cách hồ 1,5 km nhằm tận dụng nguồn nước cuối cùng để cứu 2.000 m2

hành tím chuẩn bị thu hoạch. Ông Hội chia sẻ: “Hiện nay, hồ đã cạn kiệt nguồn nước và những ao người dân tự đào để trữ nước ở các giếng khoan từ hơn 5 năm trước cũng đang bị nhiễm phèn. Vì vậy, đây là cách duy nhất để nông dân chúng tôi cứu cây trồng và mỗi lần bơm phải mất hai ngày, đêm nhưng cũng không thấm vào đâu”. Cách đó 2 km, ông Trần Văn Phước cho biết: “Nguồn nước giếng khoan do nhiễm phèn cao cho nên 3.000 m2 trồng hành tím của gia đình tôi đang bị ảnh hưởng nặng. Hiện nay, hành tím một phần bị thối rễ, phần còn lại cho năng suất kém, chất lượng không đạt cho nên thương lái không mua, gia đình tôi đành để lại làm giống cho vụ tới”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) Nguyễn Khắc Hòa cho rằng: “Trong vụ hè thu năm 2024, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn, huyện chỉ tổ chức gieo trồng 2.158 ha lúa, 282 ha cây màu, 384 ha cây ăn quả… tại các vùng chủ động nguồn nước tưới. Nếu có mưa trên diện rộng, dung tích các hồ chứa trên địa bàn đạt hơn 70% sẽ gieo trồng hơn 2.572 ha cây lúa và 414 ha cây màu...

Bên cạnh đó, để ứng phó với hạn hán, thiếu nước, huyện cũng vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó, trọng tâm là những loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao, chịu hạn tốt, cần ít nước tưới, như: măng tây, mè đen, ngô…”. Tại tỉnh Quảng Trị, theo dự báo, vụ hè thu năm 2024 sẽ xảy ra nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu nước, hạn hán và xâm nhập mặn trên diện rộng. Do đó, việc cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn cây lúa làm đòng, trổ bông.

Qua tính toán cân đối lượng nước, diện tích thiếu nước cần thực hiện các giải pháp bơm hỗ trợ là 3.286 ha. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương thực hiện chuyển đổi 737,9 ha đất trồng lúa thiếu nước sang cây trồng cạn phù hợp đặc điểm canh tác, thổ nhưỡng từng vùng.

Trưởng phòng Quản lý vận hành và tưới tiêu, Cục Thủy lợi Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Hiện tại, khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích hồ chứa thủy lợi trung bình toàn vùng đạt 51% dung tích thiết kế.

Ở khu vực này có 489 hồ có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế, trong đó có 66 hồ chứa nhỏ dưới mực nước chết. Còn ở khu vực Nam Trung Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 57% dung tích thiết kế; 152/534 hồ chứa có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế, trong đó 51 hồ chứa nhỏ dưới mực nước chết”. Khu vực Tây Nguyên, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 30% dung tích thiết kế và có 722/1.303 hồ chứa có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế, trong đó 176 hồ dưới mực nước chết.

Theo Cục Thủy lợi, tình trạng hạn hán, thiếu nước ở các địa phương khu vực Trung Bộ vẫn còn xảy ra do mùa khô kéo dài đến hết tháng 8/2024 cho nên nhiều diện tích cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Trong vụ hè thu năm 2024, khu vực Bắc Trung Bộ, diện tích bị ảnh hưởng từ 8.700 đến 14.200 ha; Nam Trung Bộ khoảng 11.500 đến 16.200 ha diện tích gieo trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước.

Để bảo vệ cây trồng trong thời gian tới, theo Cục Thủy lợi, các địa phương cần tiếp tục theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn để dự báo nguồn nước, nhận định tác động của hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; rà soát, kiểm tra nguồn nước tại các công trình thủy lợi ở khu vực Trung Bộ; chỉ tổ chức sản xuất ở các diện tích công trình thủy lợi bảo đảm cung cấp cho cả vụ sản xuất; các diện tích không đủ nước, xem xét lùi vụ sản xuất hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Bên cạnh đó, các địa phương phối hợp các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy điện để xây dựng kế hoạch điều tiết chặt chẽ, bảo đảm bổ sung nguồn nước cho vùng hạ du phù hợp. Từ đó, bảo đảm khả năng lấy nước của công trình thủy lợi và tiết kiệm nước từ các hồ chứa thủy điện. Mặt khác cần ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt; chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân có nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng của hạn hán...