Ứng dụng công nghệ số trong giáo dục ở Vĩnh Long

Thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập tại các trường học trên địa bàn. Qua đó, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc nâng cao chất lượng, đổi mới giáo dục toàn diện tại địa phương...
0:00 / 0:00
0:00
Một tiết học ứng dụng công nghệ số tại Trường tiểu học Nhơn Phú C, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít.
Một tiết học ứng dụng công nghệ số tại Trường tiểu học Nhơn Phú C, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít.

Trường tiểu học Nhơn Phú C là một trong những điểm trường ứng dụng công nghệ thông tin khá sớm ở xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Nhà trường đã được đầu tư đường truyền hệ thống mạng thông suốt, kết nối hệ thống mạng lan phủ sóng đến cả hai điểm trường.

Hiện tại, nhà trường sử dụng 23 phần mềm, trong đó có ba phần mềm chủ đạo trong giảng dạy, gồm: Quản lý học sinh Smas; phần mềm Edoc (tích hợp từ Smas) và phần mềm chữ ký số MySign. Nhờ đó, giúp tối ưu hóa công tác quản lý đồng bộ và toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Cô giáo Phạm Thị Thùy Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 5/1, Trường tiểu học Nhơn Phú C, chia sẻ: “Giáo viên chúng tôi được hỗ trợ tập huấn và triển khai ngay các ứng dụng để giảng dạy. Từ khi đưa ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy, phần lớn các em hứng thú hơn trong học tập bởi có nhiều chương trình và bài giảng cũng như bài tập đều có hình ảnh trực quan sinh động, giúp các em hiểu bài nhanh hơn và ghi nhớ lâu hơn”.

Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nhơn Phú C Võ Văn Thành cho biết thêm, chuyển đổi số của nhà trường tập trung vào hai mục tiêu lớn là tối ưu hóa công tác quản lý nhà trường và nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên cũng như nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Khi ứng dụng công nghệ số, giáo viên được giảm rõ rệt áp lực hồ sơ, sổ sách, tiết kiệm thời gian để tập trung soạn giáo án, bài giảng phong phú, đa dạng hơn...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, từ năm học 2023-2024, các trường học trên địa bàn tỉnh đã sử dụng cơ sở dữ liệu trên hệ thống Smas để triển khai học bạ điện tử đối với các cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, tra cứu hồ sơ. 100% số trường tiểu học sử dụng học bạ điện tử và cơ sở dữ liệu học bạ số cấp tiểu học đã kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu về học bạ của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ứng dụng này giúp quá trình kiểm tra, trích xuất hồ sơ của nhà trường, giáo viên thuận tiện, dễ dàng. Học bạ điện tử cũng giúp nhà trường quản lý chất lượng học sinh một cách chính xác và công bằng hơn.

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các cấp học trong tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh, học sinh. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc ứng dụng chuyển đổi số, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị quan trọng và là tiêu chí bình xét thi đua vào cuối năm học.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, các cấp học trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành giáo dục tỉnh cần tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành và trong mỗi nhà trường ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn.

Qua đó, góp phần thay đổi phương pháp quản lý, phương pháp dạy học từ truyền thống sang tích cực, tiết kiệm được thời gian làm việc; xóa khoảng cách trong tiếp nhận thông tin giữa các cấp quản lý, giữa mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong từng đơn vị và trong việc tiếp cận tri thức của học sinh…