Ukraine và Nga cam kết ngừng bắn để sơ tán dân thường

Ngày 9/3, Ukraine cho biết sẽ cố gắng sơ tán dân thường thông qua 6 “hành lang nhân đạo”. Các lực lượng vũ trang Ukraine đã nhất trí ngừng bắn ở những khu vực này từ 9 giờ đến 21 giờ và kêu gọi các lực lượng Nga thực hiện cam kết ngừng bắn ở địa phương.

Những trẻ em được sơ tản nhìn ra cửa sổ toa tàu tại một nhà ga ở Lvov, Ukraine, ngày 9/3/2022. (Ảnh: REUTERS)
Những trẻ em được sơ tản nhìn ra cửa sổ toa tàu tại một nhà ga ở Lvov, Ukraine, ngày 9/3/2022. (Ảnh: REUTERS)

Mở các hành lang nhân đạo

Tỉnh trưởng tỉnh Sumy, miền đông-bắc Ukraine thông báo, trong ngày 9/3, một hành lang nhân đạo từ thành phố bị bao vây Sumy tiếp tục mở để sơ tán người dân. Các xe buýt chở khoảng 5.000 người dân đã rời khỏi Sumy sau khi Moskva và Kiev nhất trí mở hành lang nhân đạo và khoảng 1.000 xe ô-tô cũng rời khu vực hướng tới thành phố Poltava.

Truyền thông Nga đưa tin, Moskva đã thông báo về một lệnh ngừng bắn vì mục đích nhân đạo ở Ukraine vào sáng 9/3, để tiến hành hoạt động sơ tán dân thường. Theo Sputniknews, Nga cho biết công tác sơ tán dân thường qua các hành lang nhân đạo được mở tại nhiều thành phố của Ukraine gặp nhiều trở ngại. Nga sẵn sàng thiết lập thêm các hành lang sơ tán từ Chernihiv, Sumy, Kharkov, Mariupol và Zaporizhzhia.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi cho biết, số người chạy khỏi Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại quốc gia Đông Âu này hiện có thể đã lên tới 2,1-2,2 triệu người. Ông Grandi nhấn mạnh, giờ là lúc cố gắng giúp đỡ ở khu vực biên giới, thay vì thảo luận về việc phân bổ người tị nạn giữa các quốc gia. 

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp tại London với những người đồng cấp từ các quốc gia thành viên Nhóm Visegrad (gồm CH Séc, Slovakia, Ba Lan và Hungary), Thủ tướng Anh cho biết, các nước phương Tây có kế hoạch xây dựng Kế hoạch Marshall nhằm tái thiết Ukraine. Anh đang thiết lập một trung tâm cấp thị thực cho người tị nạn Ukraine ở miền bắc nước Pháp sau khi vấp phải một số ý kiến chỉ trích.
    
Nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng

Bộ trưởng Quốc phòng Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã điện đàm về tình hình tại Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya tại tỉnh miền nam Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ngày 10/3, dự kiến sẽ có cuộc gặp giữa hai Bộ trưởng Ngoại giao Nga và Ukraine. Cuộc gặp sẽ được tiến hành theo thể thức ba bên và được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (G.Uy-đô-đô) ngày 9/3, kêu gọi Nga và Ukraine thực hiện lệnh ngừng bắn, đồng thời nhấn mạnh đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết căng thẳng giữa hai bên. Tổng thống Joko Widodo cho rằng,  các biện pháp trừng phạt kinh tế mà một số quốc gia áp đặt đối với Nga không phải là lựa chọn phù hợp.

Ngày 8/3, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng của LB Nga cùng lực lượng của các vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine đã thiết lập quyền kiểm soát tại bảy khu dân cư. Theo hãng TASS của Nga, ngày 8/3, Lực lượng Vệ binh quốc gia Nga (Rosgvardiya) đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất của Ukraine là Zaporizhzhia và các nhân viên của nhà máy đang làm việc bình thường. Các binh sĩ Ukraine canh gác khu vực này đã hạ vũ khí và được phép trở về nhà theo kết quả đàm phán với Rosgvardiya.

Liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Chernobyl mà Nga tuyên bố kiểm soát sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt, ngày 8/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết, cơ quan này không còn nhận được dữ liệu truyền phát từ cơ sở này. IAEA đang đánh giá trạng thái của hệ thống giám sát an toàn tại nhiều địa điểm khác nhau ở Ukraine.

Phương Tây gia tăng sức ép

Theo các hãng TASS và Sputniknews, tối 8/3, người phát ngôn Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ cho biết, Washington đã triển khai 2 khẩu đội tên lửa phòng không Patriot tới Ba Lan. Phía Mỹ cho rằng quyết định này sẽ cho phép chống mọi mối đe dọa tiềm tàng nhằm vào Mỹ và đồng minh NATO. Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang xem xét những biện pháp hỗ trợ quân sự khác cho Ukraine. 

Trong cuộc gặp tại Paris, ngày 8/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (E.Ma-crông) và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blinh-ken) nhất trí duy trì sức ép đối với Nga. Ông Blinken đã tới Paris vào tối muộn 8/3, sau những chặng dừng chân tại 7 quốc gia châu Âu khác, trong đó có chuyến đi đến Ukraine để gặp người đồng cấp nước chủ nhà nhằm thống nhất gia tăng các biện pháp đối phó với Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (V.Dê-len-xki) cho biết, nước này không còn thúc đẩy yêu cầu gia nhập NATO. Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC News (Mỹ) được phát sóng tối 7/3, khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO vào một thời điểm nào đó hay không, Tổng thống Zelensky trả lời rằng: “Tôi đã kém mặn mà với vấn đề này sau khi nhận ra rằng NATO không sẵn sàng chấp nhận Ukraine”.

Các nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu (EP) đang thúc đẩy Liên minh châu Âu (EU) cấm các chương trình “hộ chiếu vàng” vào năm 2025, đồng thời ngừng cấp thị thực và hộ chiếu cho những người Nga giàu có để đổi lấy đầu tư. Đây là động thái nhằm gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine