Ukraine tìm kiếm viện trợ kinh tế và quân sự

Tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine là một trong những chủ đề thảo luận chính tại hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tuần tới, cũng như tại các cuộc gặp liên quan của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Viện trợ vũ khí Mỹ được chuyển đến Ukraine. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine/TTXVN)
Viện trợ vũ khí Mỹ được chuyển đến Ukraine. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine/TTXVN)

IMF được cho là sẽ công bố hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, do tác động của xung đột ở Ukraine.

Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal (Đ.Smi-han) sẽ đến Washington (Mỹ) để tham dự các hội nghị của WB và IMF. Thủ tướng Shmyhal cùng các quan chức Ukraine dự kiến gặp song phương với các quan chức tài chính của G7 và hội nghị bàn tròn về Ukraine, do WB chủ trì.

Thủ tướng Denys Shmyhal thông báo, Ukraine sẽ tiếp nhận 13 tỷ yen (gần 103 triệu USD) viện trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản, đồng thời ký thỏa thuận về việc tiếp nhận 500 triệu CAD (khoảng 396 triệu USD) hỗ trợ từ Canada. Những khoản tài chính này sẽ được dành để bảo đảm các nhu cầu chính yếu của Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Nhật Bản và 5 quốc gia Trung Á đã cam kết phối hợp chặt chẽ trong ứng phó tác động từ xung đột tại Ukraine. Trong hội đàm trực tuyến với các bộ trưởng và quan chức của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, cộng đồng quốc tế cần phối hợp ứng phó cuộc khủng hoảng Ukraine.

Chính phủ Đức cũng thông báo kế hoạch viện trợ quân sự bổ sung 2 tỷ euro cho các nước đối tác, phần lớn trong đó hỗ trợ Ukraine. Số tiền chủ yếu dành cho việc mua sắm các thiết bị quân sự và vũ khí mới, trong đó tổ chức Hòa bình châu Âu sẽ nhận được khoảng 400 triệu euro để mua vũ khí hỗ trợ Ukraine. Tổng cộng, Ukraine có thể nhận được hơn 1 tỷ euro trong gói viện trợ quân sự mới này.

Trong cuộc điện đàm ngày 15/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và người đồng cấp Đức thảo luận về nỗ lực chung tiếp tục hỗ trợ Ukraine, cũng như củng cố phòng thủ sườn phía Đông của NATO. Theo người phát ngôn Lầu năm góc, phía Mỹ hoan nghênh cam kết mạnh mẽ của Đức cùng các đồng minh và đối tác trong NATO cung cấp năng lực phòng thủ thiết yếu cho Ukraine.

Trong khi đó, hãng tin Interfax của Nga đưa tin, người phát ngôn Điện Kremlin xác nhận Moskva đã gửi tới Mỹ và các quốc gia khác công hàm ngoại giao liên quan việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Báo Washington Post (Mỹ) ngày 16/4 cũng cho biết, Nga đã cảnh báo Mỹ về việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời kêu gọi Mỹ và đồng minh dừng hoạt động này.

Sputnik dẫn thông báo từ bộ phận báo chí của Lực lượng Phòng vệ Estonia cho biết, nhóm tàu tác chiến Hải quân số 1 (SNMG1) của NATO đã tới biển Baltic để tham gia tập trận với các nước đối tác. Trước động thái này, Hạm đội Baltic của Nga cho biết đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tàu mà NATO điều tới biển Baltic, đồng thời cảnh báo Moskva sẽ có biện pháp đáp trả trong trường hợp NATO có hành động gây hấn.