Ukraine cấm nhập khẩu hàng hóa từ Nga

NDO -

Theo hãng tin Reuters, Ukraine đã chính thức cấm nhập khẩu tất cả hàng hóa từ Nga, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây đưa ra quyết định tương tự và gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Moskva.

Tàu chở hàng cập cảng Odessa, Ukraine. (Ảnh minh họa: Reuters)
Tàu chở hàng cập cảng Odessa, Ukraine. (Ảnh minh họa: Reuters)

Trong thông báo đăng trên Facebook ngày 9/4, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko cho biết, nước này chính thức chấm dứt hoàn toàn thương mại hàng hóa với Nga, đồng thời kêu gọi các nước phương Tây đưa ra quyết định tương tự và gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng và ngân hàng.

Kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa 2 quốc gia láng giềng này hầu như bị đình trệ, và động thái mới nhất của Ukraine đã chính thức luật hóa việc chấm dứt nhập khẩu từ Nga.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây gia tăng trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga.

Phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ nhắm vào Moskva. Cùng ngày 9/4, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết sẽ gia tăng thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga trong thời gian tới.

Chiến sự tại Ukraine đã gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế nước này. Trước đó, Bộ Kinh tế Ukraine ước tính, trong quý I năm nay, nền kinh tế Ukraine sẽ suy giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này có thể giảm tới 40% trong cả năm 2022. Trong đó, các khu vực mà người lao động không thể làm việc từ xa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Cũng theo Bộ Kinh tế Ukraine, xuất khẩu ngũ cốc của nước này trong tháng 3 giảm tới hơn 4 lần so với tháng 2 do ảnh hưởng từ xung đột. Trong đó, các lô hàng ngũ cốc xuất ra nước ngoài trong tháng trước bao gồm 309 nghìn tấn lúa mì và 118 nghìn tấn dầu hướng dương.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine, ông Mykola Solskyi cho biết, dự kiến thu hoạch nông sản trong năm nay vẫn khả quan để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, nhưng ông cũng cảnh báo rằng giá cả lương thực thế giới sẽ tăng cao nếu chiến sự tại Ukraine vẫn tiếp diễn.

Bộ trưởng Solskyi cũng cho biết thêm, tình hình canh tác vụ xuân hiện khá khó khăn do tình trạng thiếu nhiên liệu.

Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ tư thế giới trong niên vụ 2020-2021, với hầu hết nông sản của nước này được vận chuyển qua Biển Đen. Nhưng do chiến sự hiện diễn ra dọc theo phần lớn bờ biển, các công ty xuất khẩu đang phải chuyển sang sử dụng đường sắt nhiều hơn để vận chuyển nông sản.

Tuy vậy, số liệu từ công ty phân tích tài chính APK-Inform cho thấy, các tuyến đường sắt của Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng hàng hóa tồn đọng trên các toa tàu chở ngũ cốc bị ùn ứ ở biên giới phía tây nước này.

Theo APK-Inform, cơ quan đường sắt Ukraine đã mở 12 nhà ga để tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản, nhưng do năng lực hậu cần hạn chế và chi phí cao, sẽ cần tới 2 hoặc 3 tuần để xử lý các toa hàng tồn động và chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng.

Theo đó, chi phí vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine đến cảng Constanta của Romania đã tăng lên mức từ 120-150 euro (133-166 USD) mỗi tấn. Trước khi xung đột xảy ra, chi phí để vận chuyển ngũ cốc đến các cảng bên bờ Biển Đen của Ukraine chỉ rơi vào khoảng 40 USD/tấn.

Các chuyên gia cho biết, Ukraine, vốn đã xuất khẩu 43 triệu tấn ngũ cốc từ đầu vụ vào tháng 7 năm ngoái cho đến cuối tháng 2 vừa qua, chỉ có thể xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn trong 3 tháng tới do những khó khăn về hậu cần. Trước xung đột, Chính phủ Ukraine dự báo xuất khẩu ngũ cốc có thể đạt 65 triệu tấn cho mùa vụ hiện tại.

Ngoài ra, giá xuất khẩu ngô của Ukraine cũng đã giảm mạnh do lượng tồn kho lớn và nhu cầu hạn chế, do chỉ có thể được xuất khẩu bằng đường sắt qua biên giới phía tây.

Trong báo cáo công bố ngày 9/4, APK-Inform cho biết, lượng ngô tồn kho lớn và cung vượt cầu tiếp tục gây áp lực lên giá cả của mặt hàng này. Theo đó, giá ngô giao tháng 4 và 5 chỉ ở mức 240-250 USD/tấn ở biên giới Ba Lan, giảm 15 USD/tấn so với 1 tuần trước đó.

Giá ngô ở biên giới với Slovakia cũng giảm xuống còn 245-260 USD/tấn, trong khi giá giao đến cảng Constanta của Romania ở mức 300-315 USD/tấn.

Giới chức Ukraine cho biết, dự trữ ngô của nước này đạt tổng cộng khoảng 13 triệu tấn vào cuối tháng 3 vừa qua, với chỉ 300 nghìn tấn được xuất khẩu trong tháng.

Trước những khó khăn kể trên, Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko khẳng định, chính phủ nước này vẫn đang quyết tâm hướng tới mục tiêu không tạo ra gánh nặng nợ nần có thể làm sụp đổ nền kinh tế Ukraine thời hậu chiến.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Marchenko cho biết thông tin khả quan, khi thu ngân sách trong quý đầu tiên của năm 2022 cao hơn 28,4 tỷ hryvnias (971 triệu USD) so với dự báo.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine