UAE cam kết cắt giảm 47% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2035

NDO - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã cam kết cắt giảm 47% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2035 so với mức năm 2019. Đây là bước đi quan trọng nằm trong kế hoạch khí hậu quốc gia.
0:00 / 0:00
0:00
Cam kết cắt giảm 47% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của UAE được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên hợp quốc sắp diễn ra tới đây tại Baku, Azerbaijan. (Ảnh: Reuters)
Cam kết cắt giảm 47% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của UAE được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên hợp quốc sắp diễn ra tới đây tại Baku, Azerbaijan. (Ảnh: Reuters)

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã cam kết cắt giảm 47% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2035 so với mức năm 2019. Đây là bước đi quan trọng nằm trong kế hoạch khí hậu quốc gia. Đáng chú ý, quyết định trên được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP29 của Liên hợp quốc sắp diễn ra tới đây tại Baku, Azerbaijan.

Với động thái này, UAE, quốc gia đăng cai COP28 trở thành quốc gia phát thải lớn đầu tiên đệ trình chiến lược cập nhật mang tên Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) trước thời hạn. Trước đó, năm 2023, UAE cũng đã cam kết sẽ cắt giảm 40% lượng khí thải so với mức 2019 vào năm 2030.

NDC cũng là nền tảng của Thỏa thuận Paris, nhằm khuyến khích các quốc gia áp dụng các mục tiêu mới để cắt giảm khí thải; cũng như đưa ra biện pháp giúp họ đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris (đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp).

Thỏa thuận Paris cũng yêu cầu các bên ký cam kết phải cập nhật kế hoạch khí hậu của mình sau mỗi 5 năm. Các chuyên gia về khí hậu cho rằng, vòng NDC mới sẽ là “phép thử đầu tiên” cho những cam kết được đưa ra trong thỏa thuận COP28 năm ngoái về quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch của thế giới.

UAE hiện hướng tới mục tiêu kể trên thông qua nhiều phương pháp, bao gồm năng lượng hạt nhân dân dụng, năng lượng mặt trời cũng như ứng dụng công nghệ biến chất thải thành năng lượng.