Kết quả này đã được dự báo qua các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu do cuộc bầu cử lần này bị tác động rất nhiều với dịch bệnh và xung đột ở Ukraine.
Bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 10/4 (giờ địa phương), gần 70 nghìn điểm bỏ phiếu mở cửa trên toàn nước Pháp và sẽ đóng cửa vào 19 giờ hoặc 20 giờ cùng ngày tại một số thành phố lớn. Bộ Nội vụ Pháp thông báo tỷ lệ tham gia bỏ phiếu vào 12 giờ và 17 giờ cùng ngày.
Theo Ủy ban bầu cử quốc gia Pháp, có khoảng 48,7 triệu công dân Pháp trên toàn nước Pháp đủ điều kiện đi bầu trong một cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022.
Để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử quan trọng này, chính quyền Pháp huy động một lượng lớn cảnh sát, hiến binh, nhân viên cứu hỏa và y tế túc trực tại các điểm bỏ phiếu.
Do dịch Covid-19 có dấu hiệu tăng mạnh trở lại tại Pháp, khẩu trang y tế và nước sát khuẩn được chuẩn bị đầy đủ cho các điểm bỏ phiếu. Theo quy định, những người đang mắc Covid-19 vẫn có quyền đi bỏ phiếu.
Có 12 ứng cử viên chính thức tham gia cuộc bỏ phiếu bầu Tổng thống Pháp 2022 so với 11 ứng cử viên năm 2017. Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh nước Pháp phải đối mặt nhiều vấn đề do tác động của đại dịch và xung đột ở Ukraine.
Các ứng cử viên không thể tổ chức chiến dịch vận động tranh cử rầm rộ, còn cử tri có nhiều mối quan tâm như giá cả leo thang, sức khỏe bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Khảo sát của các hãng thăm dò dư luận cho thấy, tới sát ngày bầu cử, rất nhiều cử tri không muốn đi bầu hoặc chưa quyết định bỏ phiếu cho ai trong số 12 ứng cử viên. Do vậy, tỷ lệ không đi bầu được dự báo là sẽ ở mức rất cao, có thể gần bằng hoặc thậm chí cao hơn tỷ lệ 28,7% vào năm 2002.
Theo kết quả thăm do ý định bầu trước ngày bỏ phiếu, khả năng sẽ không có ứng cử viên nào giành được đa số quá bán để trở thành Tổng thống ngay sau vòng 1. Hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen sẽ dẫn đầu và lọt vào vòng hai diễn ra vào ngày 24/4.
Dù vậy, các nhà phân tích cho rằng bất ngờ vẫn có thể xảy ra vì tình hình hiện nay khác năm 2002. Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, ứng cử viên cực hữu Jean-Marie Le Pen đã bất ngờ lọt vào vòng hai, nhưng các lực lượng chính trị truyền thống cả tả lẫn hữu đã hưởng ứng “mặt trận Cộng hòa”, dồn phiếu cho ông Jacques Chirac để ngăn chặn ứng cử viên cực hữu.
Diễn biến trong quá trình vận động bầu cử vừa qua cho thấy “mặt trận Cộng hòa” bị rạn nứt do xu hướng chống Tổng thống Emmanuel Macron ngày càng lan rộng. Trong khi đó, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen đã nỗ lực cải thiện hình ảnh, thu hút sự chú ý của cử tri thông qua việc đưa ra các cam kết cải thiện sức mua, tăng lương dù có quan điểm cực đoan về nhập cư và định chế.
Kết quả bầu cử vòng một sẽ được công bố vào lúc 20 giờ tối ngày 10/4 theo giờ Paris. Dự kiến các ứng cử viên tham gia tranh cử sẽ đưa ra các phát biểu ngay sau khi có kết quả chính thức, trong đó có khuyến nghị với các cử tri ủng hộ mình về việc nên bỏ phiếu cho ứng cử viên nào vào vòng hai diễn ra vào ngày 24/4.